Nỗ lực cải thiện cuộc sống nạn nhân bom mìn ở tỉnh Hà Giang

Trong những năm qua, bên cạnh việc thực hiện công tác tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, tỉnh Hà Giang phối hợp với Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm cải thiện cuộc sống cho các nạn nhân bom mìn.

Là một tỉnh biên giới, Hà Giang có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, hiện nay bom mìn, vật nổ vẫn còn dày đặc ở nhiều huyện của tỉnh Hà Giang.

Ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay bom mìn, vật nổ tập trung nhiều tại các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần và Hoàng Su Phì. Tổng diện tích ô nhiễm bom mìn, vật nổ đã rà phá là hơn 12.230ha, còn lại 77.900ha cần làm sạch, trong đó khoảng 7.500ha có mật độ ô nhiễm bom mìn nặng. Hiện lực lượng chuyên môn tập trung rà phá khoảng 1.000ha tại xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên và hai xã của huyện Quản Bạ. "Địa bàn chủ yếu núi đá, đất phục vụ canh tác ít, do đó rất cần làm sạch nhanh và sớm để người dân yên tâm lao động sản xuất, bảo vệ và giữ vững biên cương", Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh.

Ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Mặc dù tỉnh Hà Giang đã nỗ lực thực hiện công tác tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn nhưng nguy cơ tai nạn bom mìn vẫn còn rất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân và trẻ em. Thống kê cho biết, đã có hơn 400 nạn nhân bị tai nạn bom mìn trong nhiều năm qua.

Ông Nông Đình Dũng là một trong những nạn nhân bom mìn ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Ông Dũng kể, năm 1990, cả gia đình ông từ nơi sơ tán ở Bắc Mê về xã Thanh Thủy. Nhớ lại ngày làm thay đổi cuộc đời, ông Dũng cho biết đó là một ngày mưa gió năm 2005. “Khoảng đầu giờ chiều, tôi đi lên rẫy thì vấp phải mìn. Sau tiếng nổ chát chúa, tôi ngất lịm. Tỉnh dậy, tôi thấy mình ở trong bệnh viện, một chân bị cưa cụt”, ông Dũng nói.

Ông Nông Đình Dũng chăm sóc bò giống mà Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tặng gia đình ông năm 2018.

Ông Nông Đình Dũng chăm sóc bò giống mà Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tặng gia đình ông năm 2018.

Nhưng ông Nông Đình Dũng vẫn còn may mắn hơn ông Bồn Văn Hòn, sinh năm 1969, cũng ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Năm 2000, trong lúc đi làm nương, ông Hòn giẫm phải mìn, bị mất chân phải. “Họa vô đơn chí”, năm 2004, ông lại vấp phải mìn, bị cụt nốt chân trái. Trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều lúc ông Hòn muốn buông xuôi, không muốn tiếp tục sống để vợ con đỡ khổ. May mắn, được chính quyền địa phương quan tâm, bà con thôn bản và gia đình động viên, giúp đỡ, ông dần vượt qua mặc cảm tàn tật, trở lại với cuộc sống đời thường.

Bước đi khó nhọc của ông Bồn Văn Hòn.

Bước đi khó nhọc của ông Bồn Văn Hòn.

Thấu hiểu nỗi khó khăn vất vả của các nạn nhân bom mìn, ngay từ khi thành lập năm 2014, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã đưa Hà Giang là địa phương hỗ trợ trọng điểm. Thời gian qua, Trung ương Hội đã giúp nạn nhân bom mìn tỉnh Hà Giang 105 con bò giống sinh sản, trợ giúp lắp chân giả cho 51 người, tặng hơn 200 suất quà mỗi năm....

Nhờ được hỗ trợ một con bò giống năm 2018, đến nay, số bò của nhà ông Nông Đình Dũng đã tăng lên 4 con. Tiền bán bò giúp ông Dũng có thêm khoản lo cho con cái học hành, tích cóp mua thêm bò mới gây đàn sinh sản.

Còn gia đình ông Hòn được hỗ trợ 1 con bò và 1 con dê. Để phù hợp với hoàn cảnh của mình, ông “bán bò tậu trâu”, đến nay gia đình có 4 con trâu và 10 con dê. Do mất hai chân nên hằng ngày ông Hòn chỉ ở nhà cho trâu ăn, việc kiếm thức ăn cho trâu đã có con cái của ông lo. “Riêng đàn dê, cứ đầu giờ chiều tôi lại thả chúng lên rừng, tối chúng tự về chuồng”, người đàn ông tàn tật chia sẻ.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, trao quà tặng ông Nông Đình Dũng.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, trao quà tặng ông Nông Đình Dũng.

Theo bà Phạm Thị Tân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Giang, hỗ trợ nạn nhân bom mìn là trách nhiệm và cũng là sự trăn trở của tỉnh nói chung và của mỗi cấp, mỗi ngành nói riêng. “Thật xót xa khi bắt gặp những nạn nhân bị cụt một chân, hoặc một tay, thậm chí có người mất cả 2 chân hoặc cả 2 tay, người lại hỏng mắt... do bom mìn đang hằng ngày bươn chải kiếm sống, vượt qua số phận. Được sự chung tay, vận động hỗ trợ của Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, cuộc sống của các nạn nhân bom mìn đã bớt đi phần nào những khó khăn, vất vả vì bị thiếu đi một phần cơ thể. Những hỗ trợ của Hội không chỉ mang giá trị vật chất mà còn mang giá trị tinh thần to lớn, là nguồn động viên đối với các nạn nhân để họ không thấy lạc lõng, mặc cảm khi cơ thể không lành lặn”, bà Phạm Thị Tân bày tỏ.

Bài và ảnh: PHƯƠNG LINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/no-luc-cai-thien-cuoc-song-nan-nhan-bom-min-o-tinh-ha-giang-765351