Nỗ lực cứu sống nhiều bệnh nhân “thập tử nhất sinh”

Chiều 3/8, theo Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ), bệnh viện vừa phối hợp với Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn thực hiện thành công kỹ thuật nút động mạch phế quản (kỹ thuật thuyên tắc động mạch phế quản), cứu sống một bệnh nhân bị ho ra máu ồ ạt. Bệnh nhân là ông M. (57 tuổi, ngụ tại phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).

Theo hồ sơ bệnh án, rạng sáng 22/7, bệnh tình ông M. đột nhiên trở nặng, nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, ho ra máu nhiều (trên 400ml). Qua chẩn đoán của bác sỹ (BS), bệnh nhân M. bị ho ra máu nặng do giãn phế quản, có tiền căn lao phổi 10 năm và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Sau khi hội chẩn, các bác sỹ đã thống nhất chỉ định điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp chụp mạch và nút động mạch phế quản để điều trị ho ra máu ồ ạt (còn gọi là ho máu sét đánh) có thể khiến bệnh nhân tử vong bất cứ lúc nào.

Ca can thiệp được tiến hành, dưới màn hình chụp động mạch xóa nền, bệnh nhân đã được các BS đặt một ống thông nhỏ lồng từ động mạch đùi đến động mạch phế quản đang chảy máu và được bơm chất nút động mạch tổn thương. Sau đó, bệnh nhân được chụp kiểm tra lại để đảm bảo không còn chảy máu ở vị trí tổn thương. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục và có thể xuất viện trong thời gian tới.

Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã cứu sống cháu Như khi bị rắn độc cắn.

Trước đó, ngày 2/8, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, bệnh viện cũng vừa cứu sống một bệnh nhân bị xe ôtô cán đa chấn thương đặc biệt nghiêm trọng. Đó là bệnh nhân Võ Kim Long (42 tuổi, ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Chụp CT tổng quan khẩn cấp thì phát hiện bệnh nhân bị đa chấn thương nặng, gồm: gãy xương ức làm 3 đoạn, gãy toàn bộ xương sườn bên phải (10 chiếc), vỡ phế quản góc phải và vỡ dập thùy trên phổi phải, mổ cấp cứu khẩn cấp.

Bệnh nhân được mở ngực phải, khi vào khoang màng phổi thì BS phát hiện thùy trên phổi phải bị dập nát, đứt rời phế quản thùy trên, vỡ dọc phế quản góc đến gần ngã ba của khí quản. Ê kíp mổ nhanh chóng tiến hành xử trí tổn thương, đặt ống nội khí quản trong lồng ngực qua bên trái để đảm bảo hô hấp cho bệnh nhân lúc mổ. Tiếp theo là cắt thùy bên phổi phải khâu phục hồi phế quản góc bên phải. Sau đó rút ống nội khí quản lồng ngực cho thở lại bằng nội khí quản đường miệng (thở máy). Hiện nay sau 17 ngày thở máy, đến sáng 2/8 bệnh nhân đã tự thở được, huyết áp ổn định.

Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viên Nhi đồng Cần Thơ vừa cứu sống một bệnh nhi bị rắn độc cắn. Bệnh nhi là cháu Hồ Quỳnh Như (27 tháng tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Sau khi nhập viện, cháu Như có biểu hiện hốt hoảng, máu chảy nhiều, ngưng thở, mạch nhẹ, huyết áp tụt. Lập tức, các BS Khoa Hồi sức tích cực và chống độc của bệnh viện đã hỗ trợ hô hấp, dùng huyết thanh kháng độc rắn để cứu sống cháu Như. Sau cấp cứu, sức khỏe cháu Như đã dần phục hồi.

Theo Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, đây là trường hợp đầu tiên bệnh viện dùng huyết thanh kháng nọc rắn cấp cứu bệnh nhân bị rắn độc cắn. Trước đây, tất cả những trường hợp bị rắn độc cắn đều phải chuyển viện đến TP HCM cấp cứu. Theo người nhà cháu Như, khoảng 4h ngày 30/7, trong lúc cả nhà đang ngủ dưới sàn nhà thì nghe tiếng khóc thét của cháu. Kiểm tra, mẹ cháu Như phát hiện một con rắn lục xanh đang nằm kế bên cháu. Lúc này cháu Như khóc dữ dội, gia đình phát hiện gần khóe miệng cháu chảy máu và có vết cắn. Cha cháu Như đã dùng cây đập chết con rắn và đưa cháu lên Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cấp cứu, mang con rắn đi theo.

Theo các BS ở Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, đối với các trường hợp bị rắn độc cắn, để cấp cứu thành công, đòi hỏi thầy thuốc phải xác định chính xác loại rắn độc đã cắn bệnh nhân và có kỹ thuật chống sốc cao bởi huyết thanh kháng độc rắn lấy từ máu ngựa, do đó khả năng sốc phản vệ cho bệnh nhân rất cao

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2013/8/205609.cand