Nỗ lực gỡ 'mớ bòng bong'

Lần đầu kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, Quốc vương Qatar Tamim Al Thani đã lên tiếng để ngỏ cánh cửa đàm phán với các quốc gia A-rập. Giữa “tâm bão” khủng hoảng, Qatar đã có những bước điều chỉnh nhằm hạ nhiệt căng thẳng với các nước láng giềng trong khu vực, trong khi mọi nỗ lực ngoại giao quốc tế đều khuyến khích các bên liên quan “rút củi đáy nồi”.

Việc các nước A-rập gồm A-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập gần đây liên tiếp gây sức ép đối với Qatar bằng hàng loạt yêu sách đã khiến cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh bế tắc. Các biện pháp trừng phạt, cấm vận kinh tế và đình chỉ quan hệ ngoại giao của họ đối với Qatar đã đẩy các thành viên trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), một khu vực vốn ổn định ở Trung Đông, vào mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Sự cô lập của các quốc gia A-rập trong khu vực đã gây thiệt hại đáng kể về kinh tế đối với Qatar, dù Doha tuyên bố trụ vững trong tâm bão bằng khoản dự trữ lên tới 340 tỷ USD.

Chuyến thăm của hai Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và Pháp mới đây tới các nước vùng Vịnh cùng với sự kêu gọi của cộng đồng quốc tế đã khiến các bên liên quan cuộc khủng hoảng vùng Vịnh có những bước điều chỉnh tích cực nhằm giảm căng thẳng. Trong bài phát biểu trên truyền hình đầu tiên kể từ khi xảy ra “sóng gió” trong quan hệ với các nước láng giềng, Quốc vương Qatar Al Thani khẳng định, đã đến lúc tiến hành đàm phán nhằm giải quyết bất đồng giữa Doha và các nước láng giềng A-rập. Ông nhấn mạnh, phía Doha sẵn sàng đối thoại, tuy nhiên mọi giải pháp phải tôn trọng chủ quyền của Qatar.

Trong một động thái nhằm làm dịu “bầu khí nóng” trong quan hệ với các nước láng giềng, Qatar đã quyết định sửa đổi luật chống khủng bố, trong đó đặt ra những nguyên tắc xác định khủng bố, phong tỏa việc tài trợ và cung cấp tài chính cho khủng bố. Ngoài ra, Doha lập những danh sách khủng bố quốc gia và đặt ra quy định về việc liệt các cá nhân và tổ chức vào các danh sách này.

Động thái nêu trên của Qatar được UAE hoan nghênh và cho là một biện pháp tích cực để xử lý nghiêm các đối tượng bị A-rập Xê-út, UAE, Ai Cập và Bahrain cho là khủng bố và có quan hệ với Doha. Các nước A-rập chống Qatar cũng thể hiện thiện chí giải quyết bất đồng khi mới đây chốt lại sáu yêu cầu đối với Qatar thay vì 13 yêu sách đưa ra trước đó. Phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo chung ở New York (Mỹ), các nhà ngoại giao của bốn nước A-rập tuyên bố rằng, bất kỳ sự trung gian hòa giải nào trong cuộc khủng hoảng Qatar đều phải căn cứ vào sáu yêu cầu nêu trên, trong đó có sự cần thiết tuân thủ cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan, từ bỏ kích động và kêu gọi khoan dung trước bạo lực, thực hiện các hiệp định ký năm 2013 và năm 2014 trong khuôn khổ GCC và kết quả Hội nghị cấp cao A-rập - Mỹ tại Riyadh tháng 5-2017.

Vấn đề Qatar cũng gây ảnh hưởng tới chiến lược ở Trung Đông của Mỹ khi “xứ Cờ hoa” đang duy trì căn cứ không quân lớn nhất khu vực ở nước này. Washington rơi vào thế khó xử bởi các nước trong GCC, gồm cả Qatar và các nước chống Doha, đều là đồng minh chiến lược của Mỹ. Tổng thống D. Trump từng tính tới tình huống xấu nhất là dời căn cứ không quân với khoảng 10 nghìn binh sĩ Mỹ ở Qatar tới nơi khác. Tuy nhiên, ưu tiên của Mỹ hiện nay vẫn là “tháo ngòi” căng thẳng giữa Qatar với các quốc gia A-rập ở vùng Vịnh. Trong chuyến thăm Doha của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ R. Tillerson giữa tháng 7 vừa qua, Qatar và Mỹ đã ký thỏa thuận về chống khủng bố và ngăn chặn tài trợ khủng bố. Ông Tillerson bày tỏ hài lòng về những nỗ lực của Qatar trong việc thực thi thỏa thuận này, đồng thời hối thúc các quốc gia A-rập chấm dứt cô lập Doha. Mỹ hy vọng các quốc gia đang áp đặt trừng phạt Qatar coi thỏa thuận chống khủng bố giữa Doha và Washington là một dấu hiệu thể hiện thiện chí của Doha nhằm dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.

Trong bối cảnh tranh cãi giữa Qatar với các nước trong khu vực chưa có hồi kết, các nỗ lực gỡ “mớ bòng bong” ở vùng Vịnh vẫn được các nhà trung gian xúc tiến. Sau những nỗ lực ngoại giao con thoi của Mỹ, Kuwait, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan hôm qua (23-7) đã bắt đầu chuyến thăm Qatar, Kuwait và A-rập Xê-út nhằm hối thúc các nước này đối thoại giải quyết khủng hoảng. Vì thế, cho dù các bên bất đồng hiện được cho là nắm mật mã mở cánh cửa đàm phán, song những nỗ lực ngoại giao quốc tế đang góp phần quan trọng giúp các nước vùng Vịnh có động thái “cơm sôi bớt lửa”, nhân tố cần thiết để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/33557402-no-luc-go-%e2%80%9cmo-bong-bong%e2%80%9d.html