Nỗ lực ngăn chặn tận gốc

Do lợi nhuận từ việc buôn lậu đem lại rất lớn nên các đối tượng buôn lậu không chỉ hoạt động công khai bất kể ngày đêm, mà còn tỏ ra cực kỳ xảo quyệt, liều lĩnh. Bọn chúng chấp nhận “bỏ của chạy lấy người” hoặc sẵn sàng tấn công lực lượng chức năng để “bảo vệ” hàng lậu khi bị ngăn chặn, bắt giữ.

Lợi nhuận quá lớn, các đối tượng bất chấp pháp luật

Những tháng cuối năm 2016, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng buôn lậu câu kết, móc nối với nhau hình thành đường dây, tổ chức trong địa bàn khu vực biên giới và nội địa. Tổ chức các đầu nậu, đường dây vận chuyển chuyên nghiệp.

Qua điều tra cho thấy, hầu hết các đối tượng tham gia vào hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới đều là người địa phương. Vì vậy, đối tượng không những rất thông thạo địa bàn mà còn huy động lực lượng đông đảo nhằm chống trả lực lượng chức năng khi bị bắt giữ hàng hóa mà vụ việc diễn ra hồi đầu năm 2016 tại khu vực khóm Xuân Biên, thị trấn Tịnh Biên, tỉnh An Giang là một ví dụ điển hình.

Bộ đội Biên phòng An Giang tăng cường tuần tra kiểm soát chống buôn lậu dịp cuối năm trên tuyến biên giới.

Khi tổ công tác của Phòng phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng An Giang), phối hợp Đồn Biên phòng Nhơn Hưng bắt một vụ vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới, trên đường đưa tang vật về trụ sở thì bất ngờ có trên 20 đối tượng dùng hung khí tấn công các chiến sỹ Biên phòng, cướp lại 1 bao tải chứa 500 gói thuốc lá. Tình thế cấp bách buộc tổ công tác phải bắn chỉ thiên cảnh cáo.

Hay vụ việc diễn ra vào ngày 31-1, một cửu vạn vận chuyển thuốc lá lậu đã đâm thẳng xe gắn máy vào lực lượng Công an huyện Châu Thành (An Giang) rồi bỏ chạy, bỏ lại tang vật là 800 bao thuốc lá lậu. Vào trung tuần tháng 9-2016, tại tỉnh Long An xảy ra vụ cướp lại số thuốc lá lậu và đối tượng dùng cây đánh chết một cán bộ QLTT tỉnh Long An.

Lý giải tình trạng thuốc lá nhập lậu càng chống càng tăng, theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, lợi nhuận thu được từ việc buôn lậu, kinh doanh thuốc lá nhập lậu rất cao (thuốc Hero chênh lệch từ 8.000-10.000 đồng/bao, Jet 10.000-12.000 đồng/bao, Esse là 3.500-4.000 đồng/bao).

Trong khi đó, thuốc lá điếu hợp pháp trong nước đang bị áp thuế cao, vì vậy lợi nhuận thu được từ kinh doanh thuốc lá hợp pháp chỉ bằng 1/30 so với thuốc lá nhập lậu.

Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết: “Buôn lậu thuốc lá đang thu siêu lợi nhuận. Từ đầu năm 2016 đến nay, giá bán sản phẩm thuốc lá điếu chính ngạch được điều chỉnh tăng xấp xỉ 4%, tương ứng mức tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt từ 65% lên 70% và tỷ lệ đóng góp vào Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá từ 1-1,5%...

Chính vì vậy, tình trạng buôn bán kinh doanh thuốc lá nhập lậu ngày càng gia tăng do lợi nhuận thu được ngày càng cao. Bên cạnh đó, môi trường pháp lý nghiêm ngặt với thuốc lá trong nước đang vô tình gián tiếp tạo điều kiện cho thuốc lá nhập lậu phát triển nhanh chóng”.

Đối với hoạt động buôn lậu đường cát, sau khi đường dây buôn lậu của “Tỷ đường”, tức Vi Ngươn Thạnh và 3 đường dây, ổ nhóm khác bị bóc gỡ, tình hình buôn lậu đường chỉ lắng xuống trong thời gian ngắn sau đó lại “trỗi dậy”, diễn biến phức tạp hơn với thủ đoạn tinh vi hơn, nhiều biến tướng mới.

Đường lậu khi vận chuyển qua biên giới sẽ được đựng trong rất nhiều bao đường của các công ty đường Việt Nam nhằm gây khó khăn cho việc xác minh, đấu tranh làm rõ của cơ quan chức năng.

Một điểm rất đáng quan tâm hiện nay, đó là ngoài đường cát trắng thì các lực lượng chức năng còn thu giữ khá nhiều đường phèn các loại. Đây là một trong những biến tướng mới nhất của đường lậu. Do bị kiểm tra gắt gao, các đối tượng chuyển sang “hóa lỏng” đường cát, sau đó chế biến thành đường phèn. Rõ ràng, đường lậu đã có những kế sách mới để đối phó với các lực lượng chức năng nhằm tiếp tục “bành trướng”.

Ngoài mặt hàng thuốc lá, đường cát thì thời gian gần đây, trên tuyến biên giới An Giang diễn ra tình trạng buôn lậu vàng với số lượng cực “khủng”.

Điển hình, lúc 17h ngày 25-11, lực lượng chức năng bắt giữ Rim Ri Linh (50 tuổi, ngụ huyện Kirivong, tỉnh Tà Keo, Campuchia), điều khiển ôtô BKS Campuchia 2A-0879 qua Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang) vận chuyển 18 thỏi vàng lậu, trọng lượng trên 479 lượng, với tổng giá trị trên 17 tỷ đồng…

Cần giải pháp căn cơ chống buôn lậu

Ông Phan Lợi - Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT An Giang cho biết, 11 tháng của năm 2016, các lực lượng chống buôn lậu tỉnh An Giang đã kiểm tra, phát hiện 2.632 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, tăng 7% so cùng kỳ năm.

Tổng giá trị hàng hóa là 53,3 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng tịch thu gần 20 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Khởi tố 17 vụ, với 32 đối tượng, tang vật khởi tố trên 21 tỷ đồng.

Đối với mặt hàng thuốc lá, thu giữ 791.275 gói, giảm 14%; thu giữ 896 tấn đường cát, tăng 65%; trên 40 tấn đường phèn; thu giữ 18kg vàng 24k… Trong đó, lực lượng Công an An Giang phát hiện, bắt giữ 1.697 vụ, tổng giá trị hàng hóa thu giữ trên 18 tỷ đồng…

Những số liệu thống kê kết quả chống buôn lậu của các lực lượng chức năng tỉnh An Giang trong năm qua chỉ phần nào phản ánh được “phần nổi tảng băng chìm” chứ chưa thể hiện hết tính chất phức tạp của hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới An Giang.

Ông Lê Văn Nưng - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cho biết: “Để hạn chế tình trạng buôn lậu, trước hết cần giải quyết tận gốc những nguyên nhân dẫn đến nạn buôn lậu. Bắt đầu từ những việc căn cơ, như: xóa hẳn sự tiếp tay vận chuyển hàng lậu của một bộ phận người dân; khắc phục những yếu kém trong công tác thu thập thông tin chưa theo kịp những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng buôn lậu; hoàn thiện nghiệp vụ phòng, chống buôn lậu, trong đó có yếu tố cán bộ, bởi đây là lực lượng có vai trò hết sức quan trọng trong công tác đấu tranh trực tiếp với các đối tượng buôn lậu”.

V.Đức – Đ.Thắng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/no-luc-ngan-chan-tan-goc-420612/