Nỗ lực trong gian khó

QĐND - Ngày 16-11, tại Hạ Long, Quảng Ninh, Công ty Đóng tàu Hạ Long (thành viên của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin) đã hạ thủy thành công tàu hàng 53.000 tấn. Đây là con tàu thứ 9 trong cùng một sê-ri được Công ty Đóng tàu Hạ Long thực hiện cho các chủ tàu nước ngoài. Sau một năm triển khai đề án tái cơ cấu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị thành viên của Vinashin đã đều đặn cho ra đời những con tàu đóng mới. Còn đó không ít khó khăn, thách thức nhưng "con tàu" Vinashin đang dần lấy lại thương hiệu của mình.

QĐND - Ngày 16-11, tại Hạ Long, Quảng Ninh, Công ty Đóng tàu Hạ Long (thành viên của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin) đã hạ thủy thành công tàu hàng 53.000 tấn. Đây là con tàu thứ 9 trong cùng một sê-ri được Công ty Đóng tàu Hạ Long thực hiện cho các chủ tàu nước ngoài. Sau một năm triển khai đề án tái cơ cấu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị thành viên của Vinashin đã đều đặn cho ra đời những con tàu đóng mới. Còn đó không ít khó khăn, thách thức nhưng "con tàu" Vinashin đang dần lấy lại thương hiệu của mình.

Mục tiêu bàn giao 60 tàu trong năm 2011

Trước tàu 53.000 tấn ký hiệu HL15 được hạ thủy hôm qua, trong năm 2011, Công ty Đóng tàu Hạ Long đã hoàn thành, bàn giao một tàu và hạ thủy một tàu khác cùng sê-ri này, ngoài ra cũng hoàn tất tàu chở 4.900 ô tô thứ hai và hạ thủy tàu chở 1.800 TEU (công-ten-nơ tiêu chuẩn). Đây đều là những con tàu có trọng tải lớn, kỹ thuật cao gắn liền với thương hiệu đóng tàu Hạ Long và Vinashin. Sê-ri tàu 53.000 tấn, riêng tại Công ty Đóng tàu Hạ Long đã bàn giao 8 tàu trước đó cho chủ tàu nước ngoài, được đánh giá là bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng hiện đại, khả năng khai thác đạt hiệu quả cao. Loại tàu này cũng đang được ưa chuộng trên thế giới với vỏ tàu thiết kế đáy đôi, mạn kép, có 5 hầm hàng trong đó nắp hầm hàng đóng mở bằng thủy lực, ngoài ra còn có 4 cần cẩu với sức nâng 36 tấn. Tính tự động hóa của tàu rất cao, hệ thống chân vịt và máy chính được điều khiển từ xa, màn hình của buồng điều khiển sẽ giám sát toàn bộ hệ thống báo động cùng với quản lý năng lượng. Một điều đặc biệt nữa, tàu HL15 mở đầu cho hợp đồng 3 tàu đóng mới cùng loại được thực hiện cho chủ tàu Thoresen (Thái Lan).

Hạ thủy tàu 53.000 tấn tại Công ty Đóng tàu Hạ Long, một trong những mẫu tàu chở hàng được nhiều chủ tàu nước ngoài ưa chuộng.

Một phút hồi tưởng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Đóng tàu Hạ Long nhớ đến những bước phát triển nhanh chóng của ngành đóng tàu. Riêng với Công ty Đóng tàu Hạ Long, từ những sản phẩm tàu 3.500 tấn, 6.500 tấn, 12.000 tấn, sau đó đã có thể đóng được tàu 53.000 tấn, rồi đến tàu chở 4.900 ô tô. “Những con tàu này chứng minh cho sự phấn đấu không mệt mỏi và tinh thần cầu thị cũng như tham vọng vì sự phát triển của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam”, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, Vinashin đang trong quá trình tái cấu trúc lại một cách toàn diện, sự ra đời của mỗi con tàu đều có ý nghĩa rất to lớn, thể hiện sự quyết tâm vươn lên trong khó khăn, sự chung thủy với bạn hàng và nguyên vẹn ước mơ xây dựng một ngành công nghiệp tàu thủy (CNTT) Việt Nam lớn mạnh và vững chắc trong tương lai của những người thợ đóng tàu Việt Nam.

Năm 2011, lãnh đạo Tập đoàn Vinashin đã phát động đợt thi đua 120 ngày hoàn thành và bàn giao 60 tàu trước ngày 31-12 đối với 18 đơn vị thành viên. Ông Trương Văn Tuyến, Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin cho biết, đến nay đã bàn giao được hơn 30 tàu, với sự nỗ lực cao độ của các đơn vị, đồng thời được sự giúp đỡ của Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin, các khó khăn về vốn, tài chính cũng dần được giải quyết. “Chúng tôi khẳng định mục tiêu bàn giao 60 tàu trong năm nay chắc chắn sẽ đạt được”, ông Trương Văn Tuyến chia sẻ. Năm 2012, Vinashin dự kiến sẽ bàn giao hơn 80 tàu, trong đó có những sê-ri tàu xuất khẩu như tàu 34.000 tấn, tàu 56.000 tấn…

Mấu chốt là công tác quản lý hiệu quả

Ngay trong lễ hạ thủy tàu chở hàng 53.000 tấn, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Vinashin thẳng thắn nhìn nhận, ngoài nguyên nhân khách quan do thị trường, ngân hàng thắt chặt tín dụng, những khó khăn của Công ty Đóng tàu Hạ Long cũng như nhiều đơn vị khác thuộc Vinashin là do công tác quản lý và điều hành sản xuất chưa thật tốt, dẫn đến tiến độ thi công rất chậm. “Không có cách nào để đạt được mục tiêu đẩy nhanh tiến độ đơn giản hơn là mỗi cán bộ, công nhân viên phải tìm ra được các hạn chế của mình trong công việc và cùng với lãnh đạo tìm ra các biện pháp khắc phục”, ông Nguyễn Ngọc Sự khẳng định.

Sau một năm thực hiện tái cơ cấu, theo ông Trương Văn Tuyến, Vinashin đang tập trung vào hai nhiệm vụ trọng tâm, thứ nhất là chuyển nhượng, thoái vốn ở những dự án, doanh nghiệp không thuộc ngành nghề của mình, thứ hai là bảo đảm duy trì sản xuất, việc làm cho người lao động. “Để ổn định sản xuất, một mặt phải hoàn thành sản phẩm dở dang, một mặt tìm kiếm thị trường nước ngoài và trong nước. Các chủ tàu trong nước như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào các dòng tàu mới, như vậy Vinashin sẽ có thể duy trì và bảo đảm việc làm trong những năm tới”, ông Trương Văn Tuyến cho biết. Để thoát ra khỏi khủng hoảng, lãnh đạo Vinashin mong muốn có những cơ chế đặc biệt của Chính phủ như cơ chế về giải quyết vốn cho sản xuất, tái cơ cấu nợ, ưu đãi về thị trường… “Nhưng cơ chế chỉ có trong một giai đoạn nhất định, còn để tồn tại và cạnh tranh trên thị trường, bản thân Vinashin phải biết quản lý thế nào để đóng tàu có hiệu quả, đó là vấn đề mấu chốt và sống còn”, ông Trương Văn Tuyến bày tỏ. Hiện nay, Vinashin đang thực hiện từng bước quy chế về quản lý, trong đó có quản lý về vật tư, lao động, tiến độ, chất lượng với mục tiêu đáp ứng được yêu cầu của thị trường, của chủ tàu.

Một thời gian khá dài, Vinashin không thể duy trì sản xuất đều đặn, người lao động thiếu việc làm, bị nợ lương, một số lượng không nhỏ công nhân, kỹ sư đã chuyển đi, tìm môi trường tốt hơn. Chính vì vậy, giữ chân được người lao động là bài toán không dễ giải quyết. “Ai cũng có quyền lựa chọn môi trường làm việc tốt nhất cho mình, vì vậy Vinashin muốn giữ được lao động phải cho họ có đủ việc làm, đủ thu nhập, đồng thời cũng phải tạo cơ hội cho người lao động có nơi làm việc tốt, cùng chính sách ưu đãi xã hội hấp dẫn để thu hút”, ông Trương Văn Tuyến chia sẻ. Với những công nhân, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật lành nghề vẫn đang gắn bó với Vinashin, ông Trương Văn Tuyến tin rằng họ còn rất nhiều tâm huyết với ngành đóng tàu, đó là một trong những cơ sở để tập đoàn này hướng đến mục tiêu lớn nhất là làm ăn ổn định, có lãi và dần dần trả được nợ.

Bài và ảnh: Mạnh Hưng - Ngọc Minh

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/26/26/166996/Default.aspx