Nỗ lực vì nền giáo dục tiến bộ trong khu vực

Sáng nay (15.9), tại TP.Đà Nẵng diễn ra lễ khai mạc Hội nghị Hội đồng Giáo giới các nước ASEAN+1 (ACT+1) lần thứ 33 với chủ đề 'Vai trò của giáo dục trong tiếp biến văn hóa toàn cầu và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc', do CĐ Giáo dục VN đăng cai tổ chức. Hội nghị tiến hành trong 3 ngày từ 15 - 17.9.

TS Vũ Minh Đức - Chủ tịch CĐ Giáo dục VN - chủ trì buổi tiếp và làm việc với các trưởng đoàn thành viên ACT+1 ngày 29.3 tại Hà Nội. Ảnh: VIỆT DŨNG

TS Vũ Minh Đức - Chủ tịch CĐ Giáo dục VN - chủ trì buổi tiếp và làm việc với các trưởng đoàn thành viên ACT+1 ngày 29.3 tại Hà Nội. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tham gia hội nghị có trên 400 đại biểu là cán bộ, nhà giáo của các tổ chức CĐ Giáo dục, Hiệp hội Giáo viên các nước ASEAN và Hàn Quốc. Trả lời phỏng vấn của Báo Lao Động về vai trò của CĐ Giáo dục VN tại hội nghị này, TS Vũ Minh Đức - Chủ tịch CĐ Giáo dục VN - cho biết:

- Được sự đồng ý của BCH T.Ư Đảng, ý kiến chỉ đạo của Tổng LĐLĐVN và Ban Cán sự Đảng Bộ GDĐT, CĐ Giáo dục VN đăng cai tổ chức hội nghị này. Để chuẩn bị chu đáo cho hội nghị này, ngày 29.3, tại Hà Nội, CĐ Giáo dục VN đã tổ chức và tôi đã chủ trì Hội nghị Trưởng đoàn ACT+1 lần thứ 33 với sự tham gia của các đại biểu là chủ tịch, phó chủ tịch và tổng thư ký của các tổ chức CĐ Giáo dục, CĐ Giáo viên và các Hiệp hội Giáo viên các nước ASEAN, cùng đại diện lãnh đạo các ban của cơ quan CĐ Giáo dục VN. Tại hội nghị, tôi cùng các nhà lãnh đạo ACT+1 đã tập trung rà soát và hoàn tất chương trình hoạt động, chương trình nghị sự, nội dung báo cáo quốc gia, các phiên thảo luận và công tác chuẩn bị cho Hội nghị ACT+1. Hội nghị cũng đã nhất trí về thời gian, địa điểm tổ chức và các nội dung liên quan khác. Các khâu chuẩn bị đến nay đều đã được hoàn tất.

Là đơn vị tổ chức Hội nghị ACT+1 lần thứ 33, CĐ Giáo dục VN không ngừng nỗ lực để hội nghị thực sự là diễn đàn lớn để các nhà giáo cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển giáo dục, tận dụng các cơ hội cũng như vượt qua thách thức của quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra; đồng thời trao đổi, thảo luận các giải pháp giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa, các giải pháp hỗ trợ nhà giáo trong phát triển nghề nghiệp; giảm thiểu chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, các quốc gia trong khu vực và thống nhất chương trình hợp tác “Vì một nền giáo dục phát triển tiến bộ trong khu vực và trên thế giới”.

Hội nghị gồm phiên toàn thể (trình bày các báo cáo quốc gia theo chủ đề hội nghị) và phiên thảo luận nhóm về những nội dung chi tiết của các vấn đề đặt ra của hội nghị. Bên cạnh hoạt động chính của hội nghị, các đoàn sẽ có các hoạt động chung như tham quan học tập, giao lưu thể thao, vui chơi giải trí, hội thảo và các sự kiện văn hóa giữa các thành viên.

Tại hội nghị này, CĐ Giáo dục VN sẽ đưa ra những sáng kiến gì và quan tâm những vấn đề gì nhất, thưa ông?

- Tại hội nghị này, CĐ Giáo dục VN sẽ đưa ra những sáng kiến của mình, đó là: Giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động giáo dục thích hợp; tổ chức cho học sinh trải nghiệm qua các hình thức trực tiếp cũng như gián tiếp để thông qua mỗi bài học, các em được trở lại với những không gian, thời gian đã trôi qua trong lịch sử, để cảm nhận được những giá trị, tinh hoa văn hóa dân tộc. CĐ Giáo dục VN cũng sẽ đề xuất việc liên kết giữa các đơn vị quản lý di sản và các cơ sở giáo dục.

Các vấn đề CĐ Giáo dục VN quan tâm nhất, đó là những kinh nghiệm quý báu của các nước thành viên ACT+1 trong việc giáo dục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Kinh nghiệm trong việc giải quyết những mâu thuẫn giữa hội nhập toàn cầu với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; tránh tư tưởng dân tộc cực đoan hẹp hòi hoặc xu hướng lai căng khi hội nhập quốc tế. Xác định vai trò quan trọng của giáo viên trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế. Giao lưu, giới thiệu tinh hoa văn hóa VN đến bạn bè trong Hiệp hội ACT+1.

Xin ông cho biết vài nét về ACT+1 và quá trình tham gia của CĐ Giáo dục VN?

- Hội đồng Giáo giới ASEAN (ASEAN COUNCIL OF TEACHER - ACT) được thành lập vào ngày 23.11.1978 tại Singapore với các thành viên là CĐ Giáo viên các nước Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan; đến năm 1984 kết nạp thêm CĐ Giáo viên Brunei và hội nghị đầu tiên tổ chức thành công vào năm 1979. ACT được thành lập dựa theo nhu cầu hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn giữa các tổ chức giáo viên của các nước ASEAN. Mục tiêu của ACT là hợp tác để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và hiểu biết thêm về các hoạt động cũng như văn hóa, con người ASEAN. Năm 2015, Hội đồng ACT đã đồng ý cho phép Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc được tham gia ACT và năm 2016 Hàn Quốc đã là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị ACT. Từ đó ACT được đổi thành ACT+1.

CĐ Giáo dục VN gia nhập ACT năm 1995. Sau khi gia nhập ACT, CĐ Giáo dục VN luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong ACT với việc tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến trong nhiều quyết định quan trọng của ACT; tham gia đầy đủ hội nghị thường niên của ACT tổ chức tại các quốc gia thành viên. Tại các hội nghị thường niên, CĐ Giáo dục VN đều có báo cáo quốc gia theo chủ đề của hội nghị, tham gia thảo luận nhóm, trao đổi những kinh nghiệm của VN trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, bảo vệ quyền lợi và chăm lo điều kiện làm việc cho giáo viên. Đến nay, CĐ Giáo dục VN đã tham gia 22 hội nghị thường niên của ACT; trong đó đăng cai tổ chức 3 hội nghị ACT vào các năm 2000, 2009 và 2017.

- Xin cảm ơn ông!

XUÂN TRƯỜNG (thực hiện)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/no-luc-vi-nen-giao-duc-tien-bo-trong-khu-vuc-564658.ldo