Nở rộ nghề thông hút tắc cống cùng những mánh lới

Mỗi lần tắc bất cứ đường thoát nước thải nào hay là bồn cầu, là chủ nhà ngay lập tức phải lên mạng tìm công ty thông tắc hoặc ra phố tìm những tờ rơi quảng cáo thông tắc...

Thông tắc đường thoát nước thải

Bởi nhịn ăn còn được, chứ không thể nhịn tắm giặt, rửa ráy hay nhịn một trong tứ khoái.

Có cầu ắt có cung

Người được các công ty thông tắc, hút phốt ở Hà Nội hiện nay tôn làm tổ sư của nghề là ông Nguyễn Văn Cuông, người thị trấn Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Năm 1980, ông lên Hà Nội làm phụ bếp cho một khách sạn. Lúc đó, thành phố còn rất ít nhà có công trình vệ sinh khép kín. Phần lớn vẫn là hố xí hai ngăn.

Một lần, đường thoát nước thải nhà bếp của khách sạn bị tắc, nước ứ lên. Mọi hoạt động nấu ăn phải ngừng, rồi phải đặt nhà hàng nơi khác nấu ăn, chở đến phục vụ khách. Mấy ngày liền như vậy, ban lãnh đạo khách sạn đã tính đến nước phải đào đường ống lên lắp lại.

Nhưng đào đường ống lên thì phức tạp vô cùng. Thấy vậy, Cuông xung phong thông thử. Và chỉ bằng mấy dụng cụ tự chế, ông đã giải quyết xong một cách vô cùng mỹ mãn.

Từ đó, tiếng lành đồn xa. Những khách sạn hay những nhà khác có đường thoát nước thải, bồn cầu bị tắc, đều gọi đến ông. Và ông chưa từng thất bại vụ nào. Thấy nhu cầu thông tắc, hút phốt ngày càng nhiều, Cuông xin nghỉ việc ở khách sạn, thành lập công ty chuyên thông tắc, hút phốt.

Lúc đầu, chỉ có những dụng cụ rất thô sơ do ông tự chế ra. Hồi đó chưa có những xe chuyên dụng để hút bể phốt như bây giờ, ông nghĩ ra một cách, là hàn những thùng vuông có nắp đậy trên những chiếc xe cải tiến hai bánh. Bể phốt nhà ai đầy ứ, ông cho kéo xe đến rồi đục nắp bể ra, dùng xô múc đổ vào thùng, đậy nắp kín lại, chở đi.

Dần dần, những công cụ chuyên dùng xuất hiện, càng ngày càng tinh vi, càng đặc hiệu. Bản thân Cuông từng đào tạo ra không biết bao nhiêu thợ có tay nghề giỏi. Rồi những thợ đó lần lượt tách ra, thành lập công ty riêng. Mới đây, ông đã “rửa tay gác kiếm”, mang theo một khối tài sản rất lớn, có được từ nghề thông tắc đường nước thải và dọn sạch bể phốt (gọi tắt là nghề thông và hút) vào một tỉnh phía Nam để dưỡng già.

Bây giờ thì chỉ riêng Hà Nội đã có hàng chục công ty chuyên thông và hút, cả công lẫn tư. Ngoài việc lập những trang mạng, các công ty còn dán tờ rơi khắp nơi để quảng cáo cho dịch vụ của mình. Công ty nào cũng được trang bị những dụng cụ chuyên dùng.

Trong đó, về thông, thì phổ biến nhất là hai loại máy. Thứ nhất là máy nén hơi. Loại máy này nhỏ gọn, có thể để trên xe máy được nên rất cơ động, có thể luồn lách khắp các ngõ hẻm. Đường ống thoát nước thải nhà ai bị tắc, thợ chỉ việc chở máy đến nơi, cắm điện cho máy hoạt động để nạp hơi. Nạp đầy rồi thì xả hơi đó vào đầu ống thoát nước thải. Sức mạnh của hơi sẽ thổi bay những vật gây tắc.

Nếu sức mạnh của hơi không đủ thổi bay vật gây tắc, thì đã có một thứ máy khác hữu hiệu hơn. Đó là máy xoáy lò xo. Loại máy này cũng gọn nhẹ, cũng chất lên xe máy chở đi được. Ngoài máy, còn thêm một đoạn dây thép xoắn như lò xo, dài chừng 40 đến 50 mét, có thể tháo rời thành những đoạn ngắn hơn.

Đến nơi, thợ luồn một đầu sợi dây thép đó vào đường ống thoát nước thải bị tắc, còn đầu kia cho vào máy. Máy hoạt động, làm sợ dây thép lò xo đó xoay tít, đánh tan những vật gây tắc rồi xả nước cho những vật đó trôi ra đầu kia.

Còn về hút, thì đã có những xe chuyên dùng, có thùng kín để chứa chất thải và có vòi hút khá dài, có xe vòi dài cả trăm mét. Bể phốt bị tắc, chỉ cần đục một lỗ nhỏ rồi cắm vòi vào đó. Xe sẽ tự tạo lực hút. Nhưng không phải công ty nào cũng có những xe hút này, vì cần vốn rất lớn, mà có những công ty kinh doanh xe riêng. Nhưng bất cứ công ty nào cũng có thể nhận hút, và sau khi làm giá với chủ nhà xong, thì gọi điện thuê xe của công ty có xe, để ăn chênh lệch.

Mánh lới và cạnh tranh

Theo Nguyễn Văn Quang, một người thợ chuyên thông tắc của Công ty Môi trường M&T ở Hà Nội, đi “hành nghề” một ngày, tôi đã biết được vô số “mánh lới” hành nghề của cánh thợ, cũng như sự cạnh tranh hết sức gay gắt, quyết liệt của những công ty chuyên thông và hút.

Quang được trang bị một chiếc máy nén hơi. Theo quy định của công ty anh, thì khi được công ty trang bị máy, thợ được quyền tự lập trang mạng hay dán tờ rơi để tìm khách. Nhưng mỗi ngày phải nộp cho công ty một số tiền là bao nhiêu đó, còn lại mới là của mình.

Nhận được cuộc gọi của một hộ dân ở quận Cầu Giấy, nói nhà có đường thoát nước thải nhà tắm bị tắc, Quang kéo tôi đi theo. Nhưng khi vừa đến đầu cái ngõ có nhà dân vừa gọi, thì chúng tôi bị hai thanh niên chặn lại:

- Mày đi đâu?

- Dạ, em đến thông tắc ạ.

- Mày có biết đây là địa bàn của ai không?

- Không biết ạ.

- Cút mẹ mày đi. Không, chúng ông lại giã cho lìa phụ mẫu bây giờ.

Khi đã ra khỏi cái ngõ ấy, tôi hỏi Quang:

- Tại sao lại thế. Nhà ấy nó gọi cho mình đến thông tắc cơ mà.

- Đây là địa bàn của một công ty khác. Hà Nội này có hàng chục công ty như vậy. Mỗi công ty “chiếm” một lãnh địa riêng. Thợ của công ty này đến dán tờ rơi trong lãnh địa của công ty khác, lập tức những tờ rơi đó bị lột sạch ngay. Thợ nào đang dán tờ rơi mà vô phúc bị người của công ty đó bắt được, có khi còn bị đấm vỡ hàm.

Có lãnh địa riêng, các công ty tha hồ ép giá. Khi được chủ nhà gọi đến, người của công ty đưa ra một cái giá rất cao. Chủ nhà lắc đầu, lên mạng tìm một công ty khác, thỏa thuận với giá thấp hơn. Nhưng thợ của công ty khác đừng hòng đến được. Vì khi không được chủ nhà đồng ý, thì người của công ty ban đầu đã ra ngõ ngồi chờ rồi. Bất cứ người của công ty nào xuất hiện, cũng bị gây sự, đuổi đi.

Theo Quang vào nhà một hộ dân thuộc lãnh địa của công ty hắn. Nhà này có đường ống thoát nước thải ở khu rửa ráy cạnh nhà bếp bị tắc. Lúc nãy, trên điện thoại, hai bên đã thỏa thuận với nhau giá thông tắc là 1 triệu đồng. Quang chuyển máy vào và bắt đầu làm việc.

Nhưng để ý, tôi thấy hắn nén hơi không hết công suất. Bởi khi hơi được nén đầy bình hơi, thì máy nén sẽ tự động ngừng. Nhưng đằng này máy nén vẫn đang hoạt động, hắn đã mở van xả hơi vào đường ống nước thải bị tắc, hơi không đủ mạnh nên thử đi thử lại mà ống vẫn chưa thông. Lát sau, hắn bảo chủ nhà:

- Vật gây tắc của nhà bác quá cứng. Máy hơi không thổi bay được. Bây giờ phải dùng đến loại máy có công nghệ cao hơn để đánh tan vật tắc ấy ra. Nhưng như vậy thì giá sẽ cao hơn nhiều. Bác có đồng ý thì cháu gọi giúp.

Không còn cách nào khác, chủ nhà đành phải chấp nhận nhờ Quang gọi thợ mang máy xoáy lò so đến. Quang bấm máy rồi đưa máy cho chủ nhà nói chuyện với thợ điều hành máy xoáy lò so.

Thấy thợ phát giá 5 triệu đồng, chủ nhà thất sắc. Nhưng sau một hồi “cò kè bớt một thêm hai”, chủ nhà chấp nhận giá 3 triệu đồng. Thợ đến. Và khi mọi việc đã xong, ra quán nước ngoài đường ngồi nghỉ. Tôi hỏi Quang:

- Ban nãy, rõ ràng là tôi thấy cậu dùng chưa hết công suất của máy nén hơi. Nếu dùng hết công suất, thì rất có thể đã không phải gọi thợ khác đến. Tại sao lại thế?

- Thế ra bác cũng tinh đấy nhỉ. Nói thật với bác. Nếu dùng hết công suất, thì máy này thừa sức thổi bay vật gây tắc đường ống dẫn nước thải của nhà ấy. Nhưng làm thế, thì cháu chỉ được một triệu, mà phải nộp cho công ty hết tám trăm ngàn đồng rồi, phần mình còn lại có hai trăm ngàn. Thế nên cháu phải bày ra mánh ấy.

Thấy máy của cháu không thông được, chủ nhà tin là việc thông đường ống nhà mình cực kỳ khó khăn, phải huy động loại máy tối tân hơn, thì tất nhiên giá phải đắt hơn. Làm như vậy, chúng cháu được 3 triệu, chia đều nhau, mỗi người được triệu rưỡi. Nộp cho công ty tám trăm, cháu còn được bẩy trăm ngàn.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/no-ro-nghe-thong-hut-tac-cong-cung-nhung-manh-loi-post169121.html