Nợ xấu thuộc doanh nghiệp lớn: Mặt trái quả đấm thép...

Nợ xấu chủ yếu nằm ở doanh nghiệp lớn, trong đó đa phần là DNNN. Lấy tiền ngân sách giải cứu nghĩa là cứu các doanh nghiệp không thể cứu được nữa.

Đừng lấy tiền thuế của dân để cứu DNNN làm ăn thua lỗ

Mới đây, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nợ xấu chủ yếu nằm ở doanh nghiệp lớn, trong khi nợ xấu ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp.

Đồng tình với thông tin trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, PGS.TS Phạm Quý Thọ, Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, điều này đã được minh chứng bằng các số liệu cụ thể và tương đối tổng quát, có hệ thống. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh những doanh nghiệp lớn này chủ yếu doanh nghiệp nhà nước.

Lý giải căn nguyên của tình trạng này, theo ông, đó là hậu quả của quá trình tăng trưởng nóng trước đây, trong đó có việc áp dụng mô hình Chaebol kiểu Hàn Quốc, hay những quả đấm thép, nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, sự khác biệt ở chỗ: những Chaebol của Hàn Quốc dựa trên lực lượng doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân, trong đó có những tập đoàn gia đình rất lớn. Nó được tích lũy một thời gian dài, từ thời Tổng thống Park Chung Hee với triết lý: chính phủ mạnh thúc đẩy thể chế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân thành lập các tập đoàn và đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc.

Nợ xấu chủ yếu nằm ở doanh nghiệp nhà nước

"Thế nhưng Việt Nam lại chưa có những điều kiện đó. Người ta thúc đẩy việc này bằng phương pháp hành chính, dùng các chỉ thị, nghị quyết, bởi thế mô hình chưa phát huy được hiệu quả.

Việt Nam không lường hết được bối cảnh quốc tế vào năm 1997 khi xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á xuất phát từ Thái Lan và một số nước mới nổi khác.

Việt Nam cũng không lường được những khủng hoảng kinh tế trong đó xuất phát từ khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 mà xuất phát điểm chính lại từ Mỹ. Người ta đã lạc quan rằng từ tăng trưởng nhanh của kinh tế thế giới những năm 80, người ta sẽ hạ thấp các chuẩn về tài chính, trong đó có các chuẩn cho vay và thế chấp về bất động sản.

Khi toàn cầu hóa mức độ cao thì ảnh hưởng của những cuộc khủng hoảng này tới Việt Nam là không tránh khỏi.

Cả điều kiện trong nước và quốc tế làm cho kinh tế vĩ mô Việt Nam bất ổn mà cao điểm là những năm 2011-2012. Biểu hiện của nó là quả bom bất động sản nổ tung, kéo theo đó là khủng hoảng ngân hàng mà hậu quả đến nay vẫn chưa giải quyết xong, trong đó có vấn đề nợ xấu", PGS.TS Phạm Quý Thọ phân tích.

Cũng theo vị chuyên gia, cho đến nay, Việt Nam đang khắc phục điều này nhưng hậu quả của nó đển lại rất nặng nề ở các lĩnh vực sản xuất, thậm chí nó lan truyền và ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế thời kỳ này cũng như việc điều hành của chính phủ.

"Nợ xấu là vấn đề rất lớn hiện nay, nếu không giải quyết được, nó sẽ tiếp tục cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế, không chỉ nhiệm kỳ này mà cả nhiệm kỳ sau", ông Thọ cảnh báo.

Để giải quyết nợ xấu một cách tối ưu, theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, điều trước tiên cần làm là phải công khai nợ xấu. Tuy nhiên, không nên dùng tiền ngân sách để giải cứu nợ xấu.

"Nợ xấu chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp lớn, trong đó phần lớn là DNNN. Nếu giờ lại lấy tiền ngân sách giải cứu nghĩa là cứu những doanh nghiệp không thể cứu được nữa.

Chỉ nên cứu cái gì đáng cứu, không phải phục vụ cho lợi ích nhóm. Một chủ trương có thể đã sai lầm mà còn tiếp tục vực dậy thì đó là tư duy không tốt trong điều hành kinh tế.

Phải tính đến phương án cho phá sản các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không hiệu quả. Thực ra, nếu không cho phá sản thì những doanh nghiệp ấy cũng phá sản, nhưng không nên để chúng chết một cách lâm sàng theo kiểu chết từ từ, chết đau đớn, bởi khi ấy thiệt hại sẽ vô cùng lớn", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Để thị trường quyết định

PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết, tình trạng các doanh nghiệp có yếu tố tư nhân, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn đã được Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan thừa nhận.

Đó là do vướng mắc giữa việc làm ăn, kinh doanh của ngân hàng với các chuẩn mực cho vay áp dụng với các doanh nghiệp nói trên. Chẳng hạn, chuẩn mực đối với doanh nghiệp nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp sạch đang còn vướng mắc do những bài học kinh nghiệm trước đây khiến ngân hàng phải thận trọng để tránh nợ xấu.

"Vấn đề doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn là đúng nhưng ngân hàng cũng phải làm ăn. Quan trọng nhất là vấn đề thị trường, chỉ thị nọ kia hay nhiệt tình cách mạng có thể làm cho người ta hăng say, phấn khích nhưng thị trường khắc nghiệt hơn nhiều.

Những quy luật làm ăn buộc các chủ thể tham gia, trong đó có các ngân hàng, doanh nghiệp nhỏ và vừa hay bất kể thành phần nào cũng phải tôn trọng, nếu không sẽ chịu rủi ro.

Chẳng hạn, nếu thị trường thuận lợi thì doanh nghiệp làm ăn dễ, tiếp cận vốn dễ. Nhưng nếu thị trường khó khăn, cầu giảm, việc tung vốn ra chỉ thúc đẩy cung nhiều hơn nên không thể cho vay một cách dễ dãi mà phải đảm bảo nguyên tắc". PGS.TS Phạm Quý Thọ chỉ rõ.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/no-xau-thuoc-doanh-nghiep-lon-mat-trai-qua-dam-thep-3335886/