Nợ xấu và nỗi lo 'nhóm lợi ích' ... còn đó!

Mấy năm trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn luôn trấn an dư luận rằng nào là nợ xấu của hệ thống Ngân hàng chỉ trên dưới 3%. Nhưng...

Với tỷ lệ này hoàn toàn trong tầm kiểm soát, nào là VAMC (Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) đã mua một phần lớn nợ xấu đó, và đang tìm khách để bán. Tương lai, các ngân hàng sẽ xóa được nợ xấu...

Thế nhưng, thực tế thì số nợ xấu đó lớn hơn nhiều. Và cùng với thời gian, nó đang trở thành một “cục máu đông”, khiến cho mạch máu của nền kinh tế tắc nghẽn, trong khi số nợ xấu do VAMC mua được chẳng đáng bao nhiêu, và số nợ mua được đó gần như không bán được. Tình trạng đó đã khiến NHNN đành phải công khai thật. Và những thông tin về nợ xấu lần này công bố đã khiến cả xã hội choáng váng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu thực là trên 10% số dư tín dụng của toàn bộ hệ thống ngân hàng, tương ứng với con số tuyệt đối là trên 600.000 tỷ đồng.

Trong khi Quốc hội đang loay hoay đến toát mồ hôi, không biết tìm đâu ra 23.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) chi cho việc giải phóng mặt bằng để làm sân bay Long Thành. Trong khi Chính phủ không biết đào đâu ra 300.000 tỷ đồng (gần 15 tỷ USD) để làm đường cao tốc Bắc-Nam, dù dự án đó đã được Quốc hội phê duyệt, thì con số nợ xấu gần bằng 2 con đường cao tốc Bắc- Nam, và gấp 3 lần số tiền để giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành, bị chôn vùi một chỗ, có nguy cơ không thu hồi đủ.

Trước con số nợ xấu khổng lồ này, NHNN phân bua rằng nào là kinh tế tăng trưởng nóng, nào là doanh nghiệp phá sản nhiều...Nhưng có một điều mà NHNN không thể phủ nhận nổi, đó là công tác quản lý, giám sát của mình quá lỏng lẻo, dẫn đến hàng loạt cán bộ ngân hàng biến chất, tham ô, làm trái quy định...

Chỉ trong vòng 5 năm (2011-2016), cơ quan điều tra đã khởi tố, điều tra 95 vụ án, với trên 200 bị can là cán bộ các ngân hàng. Chỉ riêng 3 phạm nhân là Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, đã vứt đi của ngân hàng trên 10.000 tỷ đồng.

Những sai phạm chủ yếu gây nên nợ xấu là định giá tài sản thế chấp lớn hơn giá trị thực, để cho những doanh nghiệp khi không có khả năng trả nợ vay, thì tài sản thế chấp 'thu về' không tương xứng. Ngoài ra, còn cho rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước, như Vinashin chẳng hạn, vay tiền để đầu tư ngoài ngành, vung tiền vào các dự án kiểu “gánh vàng đi đổ sông Ngô”, khiến thua lỗ nặng nề, khó có khả năng trả. Việc đó cũng góp phần làm số nợ xấu phình to.

Rất may là trong kỳ họp thứ 3 này, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc xử lý nợ xấu của hệ thống Ngân hàng. Nhưng, nghị quyết nào thì cũng trở thành ít tác dụng, nếu như trong hệ thống ngân hàng vẫn còn có 'những nhóm lợi ích'.

VŨ HỮU SỰ

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/no-xau-va-noi-lo-nhom-loi-ich-con-do-post196330.html