Nổ xe khách, 8 người Việt thiệt mạng: Dân nghèo bỏ ruộng, chung 'đại tang'

Có 3 y tá đã được huy động để liên tục thay phiên nhau theo dõi và chăm sóc cho sức khỏe của người thân các nạn nhân. Người dân cả xóm cũng bỏ hết công việc mùa màng đang còn dang dở để cùng nhau chia buồn và lo “đại tang” cho 3 người con của làng.

Nổ xe khách ở Lào làm 8 người Việt thiệt mạng: Vợ trẻ khóc nghẹn khi biết chồng còn sống

GiadinhNet – Suốt nhiều giờ đứng ngồi không yên khi biết chồng có mặt trên chiếc xe gặp nạn, chị Bông như lặng người đứng cầu Trời khấn Phật. Đến khi bên cạnh chồng rồi, người vợ 27 tuổi vẫn chưa ngừng nước mắt.

Cả làng trắng đêm

Tối 2/6 rạng sáng 3/6, không khí ở xóm 3 (xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đau buồn, tang thương hơn bao giờ hết bởi những thi thể các nạn nhân dồn dập được đưa về để mai táng.

Không khí tang tóc, bao thương bao trùm xóm nghèo có 3 người tử nạn trong vụ nổ xe tại Lào. Những mái đầu bạc, với khuôn mặt già nua, khắc khổ ngóng chờ thi thể con về. Những người vợ vật vã đau đớn tột cùng. Những đứa con thơ, khắc khoải đợi mong thấy hình hài người cha lần cuối.

Dường như cả xóm không ai ngủ nổi trước nỗi đau này mà đều tập trung tại nhà của các nạn nhân để an ủi, giúp đỡ gia đình lo việc hậu sự.

Rất đông người dân có mặt để cùng chia buồn và giúp đỡ các gia đình nạn nhân lo hậu sự. Ảnh: Phan Ngọc

“Cả ngày hôm nay, từ lúc nghe tin dữ 3 người trong làng chết ở Lào, chúng tôi ai nấy đều hoang mang. Mọi người tạm thời gác hết công việc, phụ nữ thì đến túc trực, động viên người thân các nạn nhân còn con trai thì đến giúp các gia đình gặp nạn lo phần hậu sự”, chị Trần Thị Cúc (một người dân xóm 3) tâm sự.

Đêm 2/6 là một đêm trắng của người dân xóm 3. Không ai có thể chợp mắt bởi nỗi đau đang thống thiết như muốn xé toang cả màn đêm của thân nhân 3 nạn nhân xấu số. Không một làn gió, chỉ nghe tiếng gào khóc thê lương vọng mãi vào đêm trường.

Càng về khuya, không khí ngột ngạt càng bao trùm lên ngôi làng nhỏ này khi mùi rơm rạ ngày mùa, cộng với mùi khói nhang. Dưới thời tiết như vậy, hàng trăm người dân vẫn tập trung về đây, mỗi người một việc phụ nhau mà không ai bảo ai.

Để không làm chị Mai kích động, mọi người phải khóa trái cửa, chỉ cho nhìn qua song cửa sổ. Ảnh: Phan Ngọc

Nằm sụp mình trên chiếc giường cưới là chị Nguyễn Thị Mai (SN 1974, vợ nạn nhân Nguyễn Khế Hậu), bên cạnh luôn có 3 người túc trực để ngăn không cho chị bỏ chạy ra ngoài tìm chồng. Sát đó là một y tá của Trạm y tế xã luôn sẵn sàng “cấp cứu” mỗi lúc chị Mai ngất xỉu.

Đôi mắt đỏ hoe, giọng nói yếu ớt không còn ra hơi nhưng mỗi lúc tỉnh dậy người vợ 42 tuổi này lại gào khóc tên chồng: “Sao anh bảo về làm mùa cho vợ con mà ló chưa gắt thì đã không thấy anh mô nữa anh ơi. Anh nói mua quà về cho con để động viên con nó thi vào đại học mà quà mô rồi”.

Tại nhà các nạn nhân, những chiếc bàn thờ lập vội nghi ngút khói hương. Người thân, bà con làng xóm đã tập trung rất đông ngóng chờ.

Cả đêm, người ra vào liên tục, nhiều người nóng lòng đứng ngồi không yên thi thoảng lại chạy ra ngõ xem tình hình.

Bốn chị em gái của anh Hậu ôm chầm lấy nhau chờ nhìn mặt bố lần cuối. Ảnh: Phan Ngọc

Chen lẫn trong đám người bận rộn chuẩn bị đón thi thể anh Hậu phía ngoài sân, 4 người con gái của chị Mai ngồi ôm lấy nhau chực chờ trước cổng để mong được nhìn thấy mặt cha lần cuối.

Ở cái tuổi lên 6, có lẽ đứa con gái út của chị Mai vẫn chưa thể cảm nhận được nỗi đau mất bố. Được chị gái ôm vào lòng, nhìn thấy 3 chị đều khóc, em cũng cứ thế mà khóc theo.

Cùng lúc mất 3 người thân

Nằm sát vách với nhà chị Minh là nhà của người em con chú Nguyễn Kế Hải (SN 1973). Trước sự mất mát quá lớn khi cùng lúc mất chồng, anh trai và anh họ khiến chị Nguyễn Thị Luyến (SN 1975, vợ anh Hải) như người mất hồn.

Họ không còn đủ sức để gào thét, kêu khóc nữa. Chị Luyến chỉ liên tục lẩm bẩm như người vô hồn: “Chồng ơi, anh ơi… chơ biết khóc kêu ai bây chừ trời”.

Chị Luyến liên tục bị ngất xỉu trước nỗi đau cùng lúc mất 3 người thân. Ảnh: Phan Ngọc

Một mình ngồi bên cột nhà, bà Phùng Thị Vinh (SN 1944, mẹ anh Hải) buồn bã cho biết, do cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn nên cách đây 3 tháng, anh Hải tạm biệt gia đình rồi cùng anh Hậu và anh Nguyễn Bá Lợi sang Lào làm phụ hồ. Cách đây mấy ngày, anh Hải gọi điện thoại và hữa về quê làm mùa giúp vợ con.

“Chúng rủ nhau đi cùng ngày cùng chuyến, rồi cũng rủ nhau về cùng ngày cùng chuyến để làm mùa cho vợ con cả. Vậy mà sao lại không về được tới nhà gặp mặt vợ con chúng nó cơ chứ”, bà Vinh nói trong nấc nghẹn.

Người thân gào thét khi thi thể các nạn nhân được đưa về tới nhà. Ảnh: Phan Ngọc

Quan tài của hai anh em anh Hậu và Hải cùng được đưa xuống trước một ngõ. Ảnh: Phan Ngọc

Cách đó chừng hơn 100m, rất đông người dân cũng đang tập trung tại nhà để chia buồn và lo hậu sự cho anh Lợi.

Theo người dân trong xóm, dự kiến đến chiều ngày nay (3/6), người thân và bà con lối xóm sẽ cùng nhau đưa cả 3 nạn nhân xấu số này về nơi an nghỉ cuối cùng.

Các y tá của trạm y tế liên tục được chở đi hỗ trợ người bên cạnh. Ảnh: Phan Ngọc

Ông Hoàng Đình Phương – Chủ tịch UBND xã Nghi Kiều cho biết, để đảm bảo cho sức khỏe của người thân các nạn nhân, nhất là 3 người vợ trước nỗi đau quá lớn này, trạm y tế xã đã cử 3 y tá xuống từng gia đình túc trực liên tục để đề phòng những tình huống không hay xảy ra.

Theo ông Phương, hoàn cảnh gia đình của cả 3 nạn nhân tử nạn trong xóm này đều có hoàn cảnh khó khăn do không có công việc làm ổn định ở nhà. Các con cái lại còn đang độ tuổi đến trường nên giờ lại thêm phần khó khăn.

Hiện trong xã này có khoảng 500 người đang đi làm việc tại Lào, chủ yếu là làm phụ hồ và xây dựng.

Phan Ngọc/Báo Gia đình & Xã hội

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/no-xe-khach-8-nguoi-viet-thiet-mang-dan-ngheo-bo-ruong-chung-dai-tang-2016060300531971.htm