Nobel Kinh tế 2016 dành cho "góc khuất" trong quan hệ lao động

Nobel Kinh tế học 2016 được trao cho những cái tên ít được ngờ đến nhất, với một lý thuyết nghe ít thú vị nhất.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố trao giải Nobel Kinh tế học 2016 vào hôm thứ Hai (10/10) cho 2 nhà khoa học Oliver Hart và Bengt Holmström với nghiên cứu về Lý thuyết Hợp đồng, cải thiện thiết kế hợp đồng, giao dịch ràng buộc giữa người sử dụng lao động và người lao động, giữa các công ty và khách hàng của họ.

Trước khi Giải Nobel Kinh tế 2016 được công bố, chẳng ai ngờ hai nhà khoa học Oliver Hart và Bengt Holmström sẽ giành giải. Ứng viên sáng giá nhất là chuyên gia kinh tế người Pháp Oliver Blanchard, từng đảm nhiệm vị trí chuyên gia kinh tế trưởng ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và hiện đang công tác tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson và Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), với những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu kinh tế vĩ mô, đặc biệt các yếu tố quyết định biến động kinh tế và việc làm.

Tuy nhiên, cuối cùng, nghiên cứu về các một trong những mối quan hệ phổ biến nhất giữa người với người - “hợp đồng” - đã giành chiến thắng. Theo đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, thoạt nghe có vẻ không thú vị, song lý thuyết này giúp trả lời cho nhiều câu hỏi không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà cả xã hội-chính trị, đặt nền móng cho việc hoạch định chính sách và thể chế trong nhiều lĩnh vực, từ luật phá sản cho đến các hiến chế chính trị.

Nghiên cứu của hai ông có thể trả giúp lời cho các câu hỏi: Liệu các tổ chức cung cấp dịch vụ công (trường học, bệnh viện hay nhà tù) nên thuộc sở hữu công hay tư? Liệu giáo viên, nhân viên y tế và nhân viên nhà lao nên được trả lương cố định hay dựa vào thành quả công việc? Các lãnh đạo nên được trả lương bằng tiền thưởng hoặc quyền chọn cổ phiếu?...

TS Oliver Hart sinh ra tại London (Anh), học tập, làm việc và hiện là công dân Mỹ. Ông là giáo sư kinh tế của Đại học Harvard và có tầm ảnh hưởng quan trọng đến cơ cấu sở hữu và các thỏa thuận hợp đồng trong công tác điều hành và các giới hạn của doanh nghiệp.

Bengt Holmström là công dân Phần Lan, hiện đang cư trú lâu dài tại Mỹ, là giáo sư giảng dạy tại MIT, từng là thành viên ban lãnh đạo tập đoàn Nokia, đã góp phần vào cuộc tranh luận về thuê ngoài dịch vụ công như nhà tù và thu gom rác thải. Khi được hỏi về các khoản tiền thưởng cho CEO, TS Bengt Holmstrom cho biết trong kinh tế không có tiêu chuẩn về thưởng cho lãnh đạo. Nhưng theo ông, vấn đề này cực kỳ phức tạp.

Công việc của Tiến sĩ Holmstrom đã có tác động đến thời gian trao thưởng cho một nhà quản lý. Các công ty ngày nay ngày càng chuộng hình thức thưởng chậm, đặc biệt với giám đốc cao cấp. Tuy nhiên, những lời khuyên của ông về việc đánh giá hiệu suất của một CEO nên nhìn vào thị trường nhiều hơn mà ít dựa vào giá cổ phiếu lại không được coi trọng.

Giải thưởng Nobel Kinh tế trong những năm gần đây đã tránh xa các lý thuyết kinh tế lớn, thay vào đó tập trung vào những nghiên cứu cẩn thận trả lời những câu hỏi nhỏ hơn. Kinh tế vĩ mô, lĩnh vực thường đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi rộng hơn, đã rơi một cuộc khủng hoảng hiện sinh trong những năm gần đây. Patrick Bolton, nhà kinh tế học tại Đại học Columbia, bình luận: Nghĩ về kinh tế cần nghĩ từ móng lên, tức là đi từ nhỏ đến lớn. Và rằng, hiện có quá nhiều quan điểm phi kinh tế về việc cách Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ.

TD

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/kinh-te-quoc-te/nobel-kinh-te-2016-thuoc-ve-ly-thuyet-thoat-nghe-it-%e2%80%9csang-gia%e2%80%9d-nhat