Nỗi ám ảnh của nữ y tá 35 năm 'lập chốt' cứu người trên xa lộ

"Nếu như tôi không còn sức khỏe, đã có cháu và các con của tôi tiếp tục công việc này", bà Liên cho phóng viên biết.

Nữ y tá 35 năm “lập chốt” cứu người gặp nạn trên xa lộ

GiadinhNet - Mặc dù công việc không có lương thưởng, bản thân phải tự bỏ tiền mua các dụng cụ y tế, nhưng nữ y tá Đào Thị Liên vẫn miệt mài với công việc cứu người gặp nạn suốt 35 năm qua. Bà chia sẻ: Đó là mối lương duyên, trách nhiệm với nghề Y chứ không phải sự cầu lợi cho bản thân.

Như đã thông tin, nhiều năm nay, người dân ở thôn Dưỡng Thái Trung, xã Phúc Thành, huyện Kim Thành (Hải Dương) truyền tai nhau câu chuyện về nữ y tá Đỗ Thị Liên (SN 1949) “lập chốt” tại nhà để cứu người gặp tai nạn giao thông trên QL 5. Công việc này được bà Liên tự nguyện làm một mình 35 năm qua và không đòi hỏi chế độ gì cho bản thân.

Bà Liên chia sẻ, hồi còn nhỏ khu nhà bà sinh sống là chiến trường thường xuyên bị giặc bắn phá và diễn ra nhiều trận đánh của bộ đội du kích. Trong những trận chiến đấu đó, có nhiều chiến sĩ bị thương và đã hi sinh do thiếu người cấp cứu. Từ đó, bà đã ấp ủ được trở thành bác sĩ cứu người sau khi lớn lên.

Năm 1969, bà được xã cử đi học tại Trường trung cấp y Hà Bắc (cũ), 2 năm sau bà tốt nghiệp được phân công về Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Đa khoa Hải Dương, nhưng bà đều từ chối. Bà về Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành công tác để được gần nhà.

Đoạn đường trên QL 5 thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Ảnh: Đ. Tùy

Bà Liên kể: "Hôm đó vào buổi trưa năm 1980, khi tôi chuẩn bị đi làm thì thấy có vụ tai nạn giao thông xảy ra ngay trước cửa nhà. Tôi thấy 2 vợ chồng người phụ nữ đang nằm trên vũng máu, mắt ngơ ngác cầu cứu mọi người xung quanh. Vì đến giờ đi làm, nên tôi không để ý gì nữa".

Khi đến bệnh viện, bà không sao quên được hình ảnh người gặp nạn cứ ám ảnh trong đầu, chiều về bà được tin, 2 vợ chồng đã tử vong do không được cấp cứu kịp thời.

Bà thấy lương tâm day dứt lắm, vì bản thân được học nghề y để cứu người mà lại không làm tròn nhiệm vụ. Lúc này, bà Liên bắt đầu công việc cứu người gặp nạn trên QL 5 và dùng một phần của gian nhà đang sinh sống để lập chốt.

Quyển sổ theo dõi người được bà Liên cấp cứu. Ảnh: Đ.Tùy

"Tôi nghĩ rằng, đã cứu người thì không nên kể công, không nên đòi hỏi người ta phải đền ơn, trả nghĩa. Vì bản thân người gặp nạn đã khổ, họ không mong muốn gặp nạn, thậm chí họ còn nghèo khó. Cho nên tôi làm việc này xuất phát từ mối lương duyên với nghề y, không bao giờ đòi hỏi lương thưởng hay sự ban ơn nào khác", bà Liên cho biết.

Năm 2006, bà được Hội liên hiệp Đoàn y tế Quốc tế phối hợp với Hội chữ Thập đỏ Việt Nam chọn tham gia “Dự án nâng cao năng lực hệ thống sơ cấp cứu tai nạn giao thông Quốc lộ 5” , được tập huấn và trang bị một số dụng cụ sơ cứu. Nhưng đến năm 2009, khi dự án kết thúc, bà phải bỏ tiền túi ra mua sắm các thiết bị này.

Bà Liên luôn tâm niệm: Đã theo nghiệp y thì ở hoàn cảnh nào bà vẫn theo, không phải sau khi nghỉ công tác là thôi. Tuy bây giờ không được ai hỗ trợ về dụng cụ để cấp cứu nhưng bà vẫn làm. Bà làm không phải để được khen, được thưởng mà vì tính mạng con người khi gặp nạn.

Chốt cấp cứu của bà vừa được xây dựng kiên cố nhờ phần giúp đỡ rất lớn của mọi người. Ảnh: Đ. Tùy

Anh Đoàn Ngọc Quyến (con trai lớn bà Liên) tâm sự: "Mỗi người có cách khác nhau để làm việc nghĩa. Bản thân mẹ tôi làm việc này cũng chỉ vì yêu nghề và mong muốn không ai bị tai nạn. Trước kia nhiều người hiểu lầm, nhưng bây giờ ai cũng quý, trân trọng và hỗ trợ mẹ tôi mỗi khi việc xảy ra".

Được biết, hiện nay tất cả các thành viên trong gia đình bà Liên và cả khu xóm đều tham gia cứu người gặp nạn. Đặc biệt, vào cuối tháng 8/2016 điểm sơ cấp cứu của bà đã được khánh thành nhờ vào số tiền ủng hộ của một số tổ chức doanh nghiệp, người gặp nạn và chương trình "Vì bạn xứng đáng" - Đài Truyền hình Việt Nam.

“Nếu tôi không còn sức khỏe, không làm được nữa thì đã có cháu gái đang học trường y và các con của tôi tiếp tục làm công việc này”, bà Liên vui vẻ cho biết.

Một số hình ảnh về chốt cấp cứu của y tá Liên

Điểm sơ cứu tai nạn mới được khánh thành tại gia đình bà Liên

Toàn bộ dụng cụ y tế đều được bà Liên bỏ tiền ra mua sắm

Đối với dụng cụ nẹp chân, nẹp tay được bà tự làm

Bà Liên cho rằng: Cứu người gặp nạn chính là nhờ lương duyên đối với nghề y

Từ năm 2006 đến nay, bà đã cấp cứu cho gần 400 người gặp nạn

Những phần thưởng cao quý và xứng đáng từ việc làm thiện nguyện của bà

Nữ y tá kể chuyện cứu người tai nạn

Bài, ảnh, clip: Đức Tùy

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/noi-am-anh-cua-nu-y-ta-35-nam-lap-chot-cuu-nguoi-tren-xa-lo-20160907215120905.htm