Nỗi đau còn đó

PN - Chị H.N.L. và anh P.M.H. tự nguyện kết hôn, có đăng ký kết hôn tại UBND xã, nơi anh H. cư trú. Thời gian đầu ngắn ngủi họ sống khá hạnh phúc. Ít lâu sau, mâu thuẫn gia đình thường xuyên xảy ra do anh H. đi nhậu về rồi chửi mắng, đánh đập vợ. Thậm chí lúc vợ mang thai anh cũng không tha. Thấy vậy, cha mẹ chị L. rước con gái về nuôi đến lúc sinh nở.

Những tưởng khi thấy con thơ, vợ dại thì anh H. sẽ sửa đổi, biết chăm lo cho gia đình, nhưng anh vẫn chứng nào tật nấy, thường xuyên uống rượu và chửi mắng vợ. Không chịu nổi những trận đòn, chị đành về nhà mẹ ruột ở, hy vọng chồng sẽ nghĩ lại. Nhưng mỗi lần chị đến thăm con là anh chì chiết, đánh chửi. Khi con hơn hai tuổi, chị L. làm đơn xin ly hôn với lý do là bất đồng quan điểm sống. Ngày 6/5/2009 TAND huyện Chợ Lách, Bến Tre đã ra bản án số 52/DSST-HN xử cho chị L. và anh H. ly hôn, theo đó chị được quyền nuôi con. Cầm bản án, chị L. vui mừng khôn xiết vì nghĩ rằng được thoát khỏi cảnh bạo hành. Nhưng niềm vui vụt tắt khi anh H. nộp đơn yêu cầu phúc thẩm bản án của tòa Chợ Lách. Ngày 29/7/2009 TAND tỉnh Bến Tre mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án xin ly hôn với phần kháng cáo của anh H. là không đồng ý cho chị L. nuôi con. Anh đưa ra chứng cứ là tờ giấy xác nhận việc anh nuôi con từ khi chị L. bỏ về nhà mẹ ruột. Chị L. trình bày, con còn nhỏ nên ở với mẹ để được chăm sóc tốt hơn. Cơ sở nơi chị đang làm việc cũng đồng ý cho chị làm giờ hành chính để tiện chăm sóc con. Điều 92, Luật HN&GĐ năm 2000 quy định "...Về nguyên tắc, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác”. Với những thông tin trên, chị tin mình sẽ được quyền nuôi con. Nhưng thật bất ngờ, sau phần nghị án, HĐXX lại chấp nhận kháng cáo, anh H. được quyền nuôi con, không yêu cầu chị L. cấp dưỡng. Lúc này, cháu bé mới được 32 tháng tuổi. Làm việc ở trung tâm trợ giúp pháp lý, gặp biết bao trường hợp bạo hành, chứng kiến rất nhiều phụ nữ đến yêu cầu tư vấn xin ly hôn với mắt thâm quầng, mặt bầm tím nhưng chúng tôi thật đau lòng vì không thể cử người tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi cho các chị. Bởi vì những phụ nữ ấy không có giấy tờ gì xác nhận bị bạo hành. Những người thân thích tuy chứng kiến việc bạo hành hàng ngày, nhưng khi được nhờ ký tên vào giấy xác nhận thì e ngại đủ điều. Trường hợp chị L. cũng thế, chính cậu ruột chị cũng không dám xác nhận vào đơn để trung tâm làm thủ tục cử người tham gia tố tụng. Mới đây, chị L. gọi điện cho tôi trong tiếng khóc vì chị đến thăm con mà bị anh H. ngăn cản, đánh đuổi. Tôi xót xa vô cùng vì quyền làm mẹ của chị bị vi phạm, nhưng không có cơ quan nào đứng ra bảo vệ chị. Minh Khuê

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/honnhan-giadinh/2009/Pages/noi-dau-con-do.aspx