Nỗi đau da cam của 3 thế hệ trong một gia đình

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau của nó để lại vẫn còn kéo dài mãi. Đó là nỗi đau của những gia đình nạn nhân chất độc da cam.

Nỗi đau mang tên da cam

Tháng 2 năm 1963, mới bước vào tuổi 17, chàng thanh niên Cao Sỹ Tuất (SN 1946, trú xã Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An) đã xung phong đi bộ đội. Do thiếu cân, anh xin vào làm công nhân quốc phòng trở thành thủy thủ thuộc đơn vị vận tải công ty đường thủy Nghệ An, chuyên chở khí tài quân lương, phục vụ chiến trường miền Nam.

Tháng 8/1968, anh viết quyết tâm thư bằng máu và được gia nhập quân đội nhân dân Việt Nam thuộc đơn vị D1E27 - F320 (Tiểu đoàn 1, trung đoàn 27 (Trung đoàn Triệu Hải anh hùng) - Sư đoàn 320) tăng cường cho chiến trường Quảng Trị.

Ngày 01/08/1972, trong một cuộc chiến đấu ác liệt bảo vệ Triệu Phong (Quảng Trị), anh bị thương, được đưa vào tuyến sau. Tuy nhiên sau 3 tháng điều trị, khi lành vết thương, anh không chịu về hậu tuyến mà trở lại cùng đơn vị, sau đó cơ động lên chiến trường Tây Nguyên.

Tháng 11/1974, vết thương tái phát, sức khỏe sa sút, anh được đơn vị cho phục viên về lại quê nhà kết duyên cùng cô thôn nữ Nguyễn Thị Ái (SN 1954) cùng quê.

Mang trên mình vết thương chiến tranh, nhưng nghĩ rằng mình còn sống sót trở về đã là điều may mắn hơn những đồng đội khác còn nằm lại ở chiến trường, nên vợ chồng anh ra sức lao động xây dựng quê hương, không đi giám định tỉ lệ thương tật để làm chế độ.

Rồi chị Ái mang thai đứa con đầu lòng, nhưng hạnh phúc chưa kịp đến lại trở thành tai họa. Chị sinh ra một bé gái đủ mặt mũi, mình nhưng …không chân, không tay tựa như một cục thịt. Cháu chỉ ở với anh chị được 2 ngày rồi lặng lẽ bỏ đi không khóc, không cười.

Di chứng da cam đã cướp đi sinh mạng của ông Tuất....

Giai đoạn này, chưa ai biết chất độc màu da cam là gì mà chỉ cho rằng, chị bị tà ma nên sinh ra quái thai. Năm 1976, anh chị lại vui sướng tột đỉnh khi cậu con trai Cao Bá Thanh ra đời, khôi ngô tuấn tú, đầy đủ các bộ phận. Năm 1978, cháu trai thứ 2 Cao Bá Hải ra đời, đẹp như một thiên thần.

Vậy nhưng tai họa tiếp tục ập xuống gia đình người cựu chiến binh này khi đến hai tuổi thì chân tay Hải, Thanh bắt đầu teo tóp dần, chỉ ngồi một chỗ không thể đi được.

Anh chị đưa các cháu đi khắp bệnh viện trong Nam ngoài Bắc như Bạch Mai, Ngô Quyền, Trung tâm phục hồi chức năng…nhưng vô vọng. Các bác sĩ cho biết: “Chất độc màu da cam đã ngấm vào cơ thể bố trong những ngày ở chiến trường khói lửa, nay di căn sang con không thuốc gì chữa được”.

Anh chị gạt nước mắt, đưa 2 cháu về nhà chăm sóc nuôi dưỡng. Cứ thế, dài theo những năm tháng khổ sở, thiếu thốn, hai anh em lớn dần lên ở....trên giường.

Với khát khao cháy bỏng, anh chị quyết định sinh đứa con thứ 4, trời không phụ lòng người, năm 1980, Cao Bá Minh ra đời, tuy rằng ốm yếu dặt dẹo, đầu óc hơi ngớ ngẩn nhưng chạy nhảy nói cười được.

Anh chị đồng cam cộng khổ ra sức lao động nuôi các con. Dù hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn, ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, kinh qua các chúc vụ: Chủ nhiệm HTX, xã đội trưởng, trưởng ban kiểm soát…được nhân dân tin yêu, cấp trên khen ngợi.

Các con ông Tuất....

Nhưng tai họa vẫn chưa tha gia đình bất hạnh này, khi các con bước vào tuổi 16, 17 thì chất độc màu da cam trong người ông Tuất bắt đầu phát tác. Tháng 11/1995, ông đột nhiên thấy tê dại nửa đầu, điếc một bên tai, liệt một bên tay rồi dần dần, tay chân, và các bộ phận trong cơ thể cứ teo tóp dần. Cuối cùng, ông cũng giống 2 con, không thể tự đi lại được. Ông vào Bệnh viện đa khoa Diễn Châu (Nghệ An) được bác sỹ xác định, bị nhiễm chất độc da cam và chuyển đi tuyến trên.

Nhà quá đói nghèo, người vợ đành đưa chồng về nhà chăm sóc, phó mặc cho số phận. 6 tháng nằm trên giường, thể tạng ông suy yếu dần, thân hình ông và các con gầy còm, da vàng rực như nghệ bọc lấy bộ xương.

Ông ốm, lao động chính của gia đình không còn, toàn bộ gánh nặng chất lên vai một mình bà Ái. Thời này, chưa có chế độ dành cho những người bị chất độc màu da cam, mà đi giám định để hưởng chế độ thương binh thì không có tiền. Bởi vậy, gia cảnh đã khó khăn càng thêm túng quẫn, cả nhà bữa rau, bữa cháo, bữa đói, bữa no theo từng ngày thu nhập từ làm thuê của bà Ái.

Cơm không đủ ăn, thuốc không có uống, ông nằm trên giường chống chọi với bệnh tật được hơn 6 tháng thì qua đời. Hai năm tiếp theo (1997,1998) hai anh em Thanh, Hải bỏ mẹ ra đi theo bố, tang chồng tang con, bà Ái không còn nước mắt để khóc nữa, nhưng bà không thể gục ngã, nhiệm vụ của bà là phải tiếp tục sống để nuôi bố mẹ chồng khi họ đã bước vào tuổi 80.

Cảm thương sự gian lao vất vả của bà, cảm phục người thanh niên yếu đuối nhưng thật thà và chăm chỉ, năm 2000, cô láng giềng đẹp người đẹp nết Vũ Thị Hương (1982) nhận lời lấy Minh, về làm dâu bà Ái.

Hạnh phúc được nhân lên khi 10 tháng sau ngày cưới, chị Hương sinh con trai Cao Sỹ Tuấn. Nhưng rồi, cả nhà lại lặng đi trong nỗi đau khi cháu mới sinh ra đã miệng méo, tay khèo, chân cẳng co quắp, cháu cứ vậy lớn dần lên.

Năm 2004, chị Hương sinh cháu thứ hai Cao Thị Tố Uyên nhưng cũng như người anh, cháu Uyên không khá gì hơn.

Tột cùng khốn khó

Trong sâu thẳm vô vọng, chị quyết sinh đứa thứ 3 với ước mơ cháy bỏng là nó sẽ may mắn hơn. Có lẽ trong cuộc đời, cũng có những chuyện thần kì, hay vì tấm lòng của chị đã làm cho ông trời cảm động. Chị Hương sinh lần thứ 3 để có cháu Cao Bá Tú (SN 2005) may mắn nguyên vẹn.

Dù cũng ốm yếu, nhưng Tú không bị khiếm khuyết bộ phận nào. Hai người đàn bà bước tiếp vào một hành trình cam go vất vả. Chị Hương đầu tắt mặt tối làm lụng quanh năm, tần tảo kiếm đủ cơm gạo nuôi 5 miệng ăn. Bà Ái chăm sóc 2 cháu nằm liệt tại chỗ, và canh chừng thằng con trai thỉnh thoảng lại mất trí, nhiều khi đi không biết đường về.

Vùng thôn quê này, dân chủ yếu đi biển, đất chật, người đông, không ruộng, không ngành nghề, buôn bán cá thì không vốn, chị Hương đã từng đi lao động chui ở Trung Quốc nhưng bị đuổi về. Do chưa có quy định cho di chứng thế hệ thứ 3 nên các con chị không được hưởng chế độ chất độc màu da cam.

Các cháu của ông Tuất cũng không ngoại lệ

Vượt qua một con ngõ lầy lội, chúng tôi tìm đến gia đình bà Ái ở xóm Tây Lộc, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) vào một ngày đầu tháng 04/2015, trước mắt chúng tôi là 3 gian nhà tan hoang, xuống cấp nghiêm trọng, tường vôi lở loác, mái ngói tiêu điều, mọt rơi trắng xóa.

Trong nhà, không có bất cứ một tài sản gì có giá, trên bàn thờ, những di ảnh kề nhau khói hương nghi ngút, trên tường, Huân chương chiến sỹ giải phóng quân, Huân chương chiến công, Huân chương kháng chiến, giấy chứng nhận chiến sỹ bảo vệ thành cổ Quảng Trị…cấp cho thiếu úy Tuất treo xiêu vẹo.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Vân, Phó chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: "Gia đình bà Ái khó khăn số 1 của xã, hàng năm xã và các đoàn thể hết sức quan tâm nhưng xã nghèo, đối tượng chính sách nhiều nên sự giúp đỡ với gia đình bà như gió vào nhà trống".

Hiện nay, gia đình bà Ái đang cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng, những tấm lòng vàng, các nhà hảo tâm để bà tiếp tục đứng vững, nuôi sống toàn thể gia đình tột cùng bất hạnh.

Mọi đóng góp xin gửi về địa chỉ: Nguyễn Thị Ái, thôn Tây Lộc, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An), hoặc Chuyên mục Nhân Ái - Báo Công lý, địa chỉ: 48A Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. SĐT: 043.9365550.

Nguyễn Đình Kim Cương

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/nhan-ai/hoan-canh-kho-khan/noi-dau-da-cam-cua-3-the-he-trong-mot-gia-dinh-91570.html