Nối kết nhân dân - đất nước

Tính ngưỡng vọng và tri ân tổ tiên, thể hiện cao nhất ở tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, là cách người Việt khẳng định niềm tự hào về quá khứ, truyền thống dân tộc. Trải qua các thời kỳ, tín ngưỡng này luôn được bồi đắp và phát triển, tạo nên nét đặc trưng văn hóa Việt Nam.

Từ huyền sử linh thiêng

Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn.

Câu ca dao xưa còn vang vọng, mở rộng ra về tinh thần quốc gia, dân tộc. Trong dòng chảy hàng nghìn năm lịch sử, cội nguồn dựng nước của người Việt Nam, điểm phát tích được khởi nguyên từ thời đại các Vua Hùng.

Bác Hồ dừng chân bên cổng chính vào Đền Hùng năm 1954. Nguồn ảnh tư liệu: baotanglichsu.vn

Bác Hồ dừng chân bên cổng chính vào Đền Hùng năm 1954. Nguồn ảnh tư liệu: baotanglichsu.vn

Theo nghiên cứu, các nền thông tin về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chủ yếu được truyền lại qua các thế hệ thông qua truyền miệng. Truyền thuyết kể rằng, Hùng Vương thứ nhất là con trai của Lạc Long Quân, lên ngôi năm 2524 TCN, đặt quốc hiệu là Văn Lang. Nhà nước Văn Lang tồn tại đến năm 258 TCN.

Bên phía tay trái Đền Thượng trên đỉnh núi Hùng có một cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, thề nguyện sẽ trọn đời bảo vệ giang sơn, gấm vóc mà vua Hùng trao lại và đời đời hương khói trông nom lăng miếu Tổ tiên.

Về sau, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được miêu tả chi tiết trong nhiều tài liệu văn hóa và lịch sử quan trọng. Có thể kể đến năm 1372, Hàn lâm viện học sĩ Hồ Tông Thốc với sách Việt Nam thế chí lần đầu tiên đưa vào chính sử các vị Hùng Vương vừa như nhân vật lịch sử, lại vừa như là tinh thần dân tộc để nhắc nhở, răn dạy con cháu theo quan niệm trung hiếu của Nho giáo với những người có công dựng nước. Năm 1435, trong sách Dư địa chí, Nguyễn Trãi đã nhắc đến Hùng Vương theo thư tịch thời Trần như một niềm tự hào dân tộc.

Năm 1470, vua Lê Thánh Tông - niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497) cho lập ngọc phả Hùng Vương với tên gọi đầy đủ là “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng”, Hùng Vương được chính thức hóa trong tòa chính sử Việt Nam, và từ đây vua Hùng đã có tông phả. Nhờ có tông phả đó, triều đình Hậu Lê có đủ điều kiện để làm lễ “tế giao” như các vua phương Bắc, xác nhận quyền độc lập quốc gia.

Năm 1497, trong Đại Việt sử ký toàn thư, nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã đưa họ Hồng Bàng vào chính sử Việt Nam. Từ đây về sau vua Hùng được gọi là Thánh tổ và được chính quyền trung ương công nhận, nhân dân trên khắp mọi miền đất nước xây đền thờ phụng. Năm 1917, triều đình nhà Nguyễn giao cho Bộ Lễ chính thức định ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vào mùng 10.3 âm lịch hàng năm.

Theo TS. Lê Tâm Đắc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, từ huyền sử lưu truyền trong dân gian đến những ghi chép trong chính sử, từ tín ngưỡng thờ thần đến thờ phụng thủy tổ khai sinh ra đất nước, từ một nghi lễ địa phương đến một lễ trọng quốc gia… là kết quả của sự vận động lịch sử liên tục. “Tín ngưỡng này là sự kết hợp giữa văn hóa dân gian (các huyên thoại, nghi lễ thờ tổ tiên của dòng họ nơi thôn dã) với ý thức hệ của các trí thức Nho giáo và các bậc minh quân qua nhiều triều đại phong kiến; là sự vận động vừa từ dưới lên (dân gian, cộng đồng), vừa từ trên xuống (nhà nước, sĩ phu), vừa tích tụ từ ngoài vào, vừa lan tỏa từ trong ra. Tất cả sự vận động đó tạo nên tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với tư cách là biểu tượng của cội nguồn của quốc gia”.

Đến nâng tầm di sản

Theo nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Chí Bền, trong tâm thức dân gian, Hùng Vương vừa là thánh vương, vừa là người lập nước, nhưng cũng là người chăm lo cuộc sống cho dân, vừa thiêng liêng lại thế tục, có mặt ở mọi tình huống của cuộc đời mỗi con người, trong cuộc sống cộng đồng theo vòng quay của thiên nhiên và mùa vụ.Sang thời đại mới, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được coi trọng và tôn vinh thông qua pháp lệnh và các hoạt động chính thức, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị tín ngưỡng này.

Ngày 18.2.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/LCT đưa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10.3 âm lịch hàng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc và cho phép viên chức nhà nước được nghỉ lễ, hưởng nguyên lương. Vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm ấy, Bác đã cử một đoàn đại biểu Chính phủ lên dự Hội đền Hùng đầu tiên sau khi nước nhà giành được độc lập.

“Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu đoàn dâng lên ban thờ Tổ bản đồ non sông gấm vóc Việt Nam cùng thanh gươm thể hiện ý chí của toàn dân quyết giữ vững nền độc lập non trẻ của Tổ quốc. Thời điểm lịch sử ấy, cũng là thời điểm cả dân tộc đối mặt với giặc ngoại xâm từ quân Tưởng đến quân Pháp, cả miền Bắc lẫn miền Nam. Khơi dậy tinh thần dân tộc ở thời điểm vận nước đứng trước hiểm nguy, khó khăn, gai góc là tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho nên dân tộc ta đã chiến thắng”, GS.TS. Nguyễn Chí Bền nói.

Từ đấy về sau, Nhà nước Việt Nam rất coi trọng hoạt động giữ gìn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đền Hùng được công nhận là di tích cấp quốc gia ngay trong đợt xếp hạng di tích đầu tiên, theo Quyết định số 313 ngày 28.4.1962 (đến 2009 được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt). Năm 1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị về tổ chức các ngày lễ lớn trong năm, trong đó có ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Năm 1999, 2004, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ/TW và Nghị quyết số 33-NQ/TW về tổ chức các ngày lễ lớn, trong đó có ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Năm 2007, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động cho phép người lao động được nghỉ làm và hưởng nguyên lương trong ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm. Đặc biệt, từ năm 2012, sau khi UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công việc thiêng liêng này càng được tổ chức trang trọng hơn.

Như vậy, nhìn tổng thể, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trải qua một quá trình ghi nhận và phát triển. TS. Lê Tâm Đắc nhận định: “Đó là sợi dây kết nối lịch sử, vượt qua rào cản của các triều đại phong kiến, vượt lên trên sự khác biệt của chính trị, xã hội, giai cấp, tôn giáo. Trong thời đại hiện nay, biểu tượng Hùng Vương đứng ở tầm cao mới của sự tôn vinh trong ý thức hệ của dân tộc Việt Nam. Tất cả những điều này, từ việc xây dựng biểu tượng cội nguồn Hùng Vương đến thực hành tín ngưỡng thờ phụng, rất đáng được nhân dân tự hào, gìn giữ và tôn vinh”.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/noi-ket-nhan-dan-dat-nuoc-i325496/