Nơi lắng nghe và đồng cảm

PN - Nguyễn Trung Nguyên đã phải nghỉ học khi vào năm thứ ba, ĐH Kiến trúc (TP.HCM) sau sự ra đi đột ngột của người cha. Thuở nhỏ ba mẹ ly hôn, Nguyên và hai em sống với cha.

Ông nuôi con không chỉ bằng đồng lương hưu, mà còn bằng lối sống đạm bạc, đầy lý tưởng, nhiệt tình phục vụ cộng đồng của một người đảng viên. Không còn cha, để nuôi hai em ăn học, Nguyên chấp nhận cái lam lũ của nghề thợ hồ. Vận may đầu tiên trong đời của Nguyên là khi anh được nhận vào làm ở công trình trường đua Phú Thọ. Không có bằng cấp, nhưng kinh nghiệm thực tế và chuyên môn kiến trúc giúp Nguyên nhận được một vị trí khá hấp dẫn: triển khai bản vẽ và giám sát công trình. Mỗi khi được tham gia những công trình là Nguyên lại có cảm giác được tiếp tục học trong một giảng đường rộng lớn và nhiều môn học hơn. Khi đã tích lũy được một số vốn, Nguyên thành lập công ty xây dựng, trang trí nội thất, thiết kế đồ lưu niệm... Rồi Nguyên trở lại giảng đường, nhưng lần này là vào một ngành chẳng liên quan gì đến công việc: ngành tâm lý học. Bạn bè và người thân của Nguyên càng ngạc nhiên hơn khi hay tin Nguyên khai trương trung tâm Lắng nghe và đồng cảm vào giữa tháng 10 này, tại đường D1, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Đây cũng là thời điểm Nguyên chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Nguyễn Trung Nguyên tại văn phòng của Trung tâm Lắng nghe và đồng cảm Nguyên giải thích: "Đang thời khốn khó, tôi muốn được giúp những người khổ hơn mình. Trong các hoạt động xã hội, tôi thích nhất là mô hình tư vấn tâm lý. Từ bản thân và bạn bè xung quanh, tôi biết người trẻ rất cần được hướng dẫn, tư vấn. Vì thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm sống, nhiều người trẻ dễ vấp váp, sa ngã, đau khổ lãng phí năng lượng sống. Nhiều người tìm được việc làm, có gia đình, nhưng vẫn không hạnh phúc, hài lòng. Bởi thế, ngay từ năm thứ nhất đại học ngành tâm lý, tôi đã lên kế hoạch xây dựng một địa chỉ dành cho các bạn trẻ muốn giải tỏa bức xúc. Tôi đã tìm hiểu nhiều mô hình tư vấn, trị liệu tâm lý trên thế giới và quan trọng hơn là "nghiên cứu" những rắc rối mà giới trẻ đang gặp phải. Không thu phí của khách hàng, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tư vấn là thử thách lớn nhất Nguyên phải vượt qua. Anh cho biết: "Họ không trả tiền, không có nghĩa là họ chẳng mang lại gì cho chúng tôi. Họ cho chúng tôi thời gian, sự tôn trọng, sự hợp tác và tin tưởng. Những câu chuyện của họ cho chúng tôi kinh nghiệm sống. Làm việc với họ, cùng họ giải quyết vấn đề, là cơ hội để chúng tôi nâng cao nghiệp vụ. Giúp đỡ cho người khác loại bỏ đau khổ, cũng là làm cho bản thân mình mạnh mẽ hơn. Vì thế, khách hàng đến trung tâm miễn phí, nhưng vẫn được hưởng dịch vụ tư vấn đúng chuẩn. Với sự giúp đỡ của chuyên viên tư vấn, khách hàng sẽ tự mình tìm cách giải quyết một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện, khả năng của họ. Tôi sẽ dùng một phần lợi nhuận của công ty để "nuôi" trung tâm". Tính năng động và tâm huyết của Nguyên đã thu hút được sự hợp tác của nhiều chuyên gia. Trung tâm có sự cố vấn của Tiến sĩ Trần Tuấn Lộ, Trưởng khoa tâm lý của trường ĐH Văn Hiến. Để nuôi dưỡng nguồn nhân lực trẻ, là các bạn sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý, Nguyên đã đầu tư xây dựng một thư viện chuyên ngành phong phú, giúp các bạn có điều kiện tiếp cận ngay với các thành tựu khoa học về tâm lý trên thế giới, học hỏi và biết chọn lọc những gì phù hợp với văn hóa người Việt. Các bạn trẻ từ năm thứ nhất của ngành tâm lý học, có thể đến trung tâm để học hỏi, làm quen với nghề nghiệp. Trường Sơn

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/honnhan-giadinh/2009/Pages/noi-lang-nghe-va-dong-cam.aspx