Nỗi lo bữa ăn nhóm trẻ gia đình

Nơi tạm yên tâm, nơi lo nơm nớp

Ông Phạm Đình Sơn – Trưởng phòng GD-ĐT Q. Thanh Khê cho biết, trong nhiệm vụ quản lý hoạt động của các nhóm, lớp độc lập tư thục trên địa bàn quận thì vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được chú trọng. Ngoài việc đảm bảo quy định bếp ăn một chiều, lưu mẫu trước và sau khi chế biến, các trường tiểu học, mầm non phải đảm bảo những yêu cầu cơ bản về diện tích phòng bếp, giấy chứng nhận sức khỏe, chứng chỉ, trang phục của nhân viên cấp dưỡng cũng như hợp đồng cung cấp thực phẩm từ các cơ sở kinh doanh đủ điều kiện. Q. Thanh Khê hiện có 10 trường THCS, 16 trường tiểu học, 32 trường mầm non. Diện này thì cơ bản yên tâm về chất lượng bữa ăn, vì các trường tuân thủ nghiêm túc mọi quy định, công tác quản lý cũng thuận lợi.

Giờ ăn cơm của các cháu tại Trường mầm non Cẩm Nhung. Ảnh: C.K

Bà Tạ Mỹ Trâm – Hiệu trưởng trường mầm non Cẩm Nhung chia sẻ, mỗi ngày trường chi khoảng 11 triệu đồng để mua thức ăn phục vụ cho gần 500 cháu. Ngoài việc xây dựng khu bếp đạt chuẩn thì nhà trường cũng hết sức cẩn trọng trong việc hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm, vì gắn với sức khỏe của học sinh chính là thương hiệu, uy tín của nhà trường. “Khi có sự cố liên quan đến loại thực phẩm nào là chúng tôi ngừng nhập và dùng thức ăn thay thế cho tới khi có ý kiến của cơ quan chức năng. Từ lâu, trường không sử dụng chả vì sợ hàn the, tuyệt đối không dùng nấm vì tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc”, bà Trâm cho biết.

Lo lắng lớn nhất hiện nay trên địa bàn thành phố chính là bữa ăn của các nhóm trẻ gia đình trong khu dân cư. Vì điều kiện về kinh tế hoặc không có người đưa đón, để thuận lợi cho công việc, nhiều người phải gửi con vào các nhóm trẻ. Không những luôn lo lắng về sự an toàn trong sinh hoạt mà nhiều bà mẹ luôn nơm nớp về bữa ăn của con, nhưng họ phải chấp nhận. Chị Nguyễn Thị Tố Trâm (trú P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ) tâm sự: “Biết họ chỉ chăm trẻ bằng kinh nghiệm nhưng vì thời gian đi làm ngặt quá nên phải gửi con cho họ trông. Cùng lắm chỉ mua cháo ăn sáng cho cháu, còn buổi trưa, buổi tối thì gia đình họ ăn gì con mình ăn nấy. Mong con lớn để gửi vào các trường chứ mình đi làm mà cứ nơm nớp”.

Về công tác quản lý nhóm trẻ gia đình, ông Phạm Đình Sơn cho hay, qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng thấy rất bất ổn. Ngoài việc bếp ăn của các gia đình không đạt chuẩn, công tác chế biến, bảo quản sơ sài thì nguồn thực phẩm mà các chủ nhóm trẻ sử dụng thường mua từ các chợ, không biết nguồn gốc, không có hợp đồng với nhà cung cấp. Trong đợt kiểm tra gần 100 nhóm trẻ gia đình vừa qua, Q. Thanh Khê đã xử lý 8 trường hợp không đạt yêu cầu, trong đó có chất lượng bếp ăn, bữa ăn của trẻ.

Chất lượng bữa ăn của học sinh tiểu học, mầm non tại Đà Nẵng đang được nâng cao (ảnh), trong khi ở các nhóm trẻ gia đình vẫn tồn tại nhiều lo lắng. Ảnh: C.K

Còn nhiều khó khăn

Theo ông Nguyễn Minh Tiến – Chi cục Trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Đà Nẵng, toàn thành phố hiện có 4 bếp ăn tập thể cấp Đại học, Cao đẳng, 88 bếp ăn tiểu học, 215 bếp ăn mầm non và 682 nhóm trẻ gia đình dưới 30 cháu. Mỗi năm, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra ít nhất một lần đối với một cơ sở. Hiện tại, 100% bếp ăn tập thể được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, còn các nhóm trẻ gia đình thì thực hiện cam kết đảm bảo ATTP. Theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở giáo dục phải có hợp đồng cung cấp thực phẩm, hóa đơn mua bán hàng. Trong khi đó, các nhóm trẻ thường do xã phường quản lý, nấu ăn theo kiểu tự túc nên phụ thuộc chủ yếu vào ý thức, cái tâm của các chủ hộ. Cơ quan chức năng tuyên truyền hướng dẫn họ ghi nhật ký, hoạt động mua bán chứ rất khó để kiểm tra, giám sát.

“Phần đông nhóm trẻ gia đình là tự phát. Họ dùng bếp ăn của gia đình làm bữa ăn cho các cháu luôn. Việc bếp không đảm bảo nguyên tắc một chiều, chế biến chung tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo. Bên cạnh đó, việc dùng thực phẩm mua ở chợ, vỉa hè, không rõ nguồn gốc để chế biến sẽ không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc mà khi có sự cố xảy ra thì khó truy xuất nguồn gốc để xử lý. Nhưng chúng ta đang phải chấp nhận thực tế này vì đây là nhu cầu của người dân”, ông Tiến nói.

Ở khía cạnh nguồn cung thực phẩm, theo đại diện các nhà trường, hầu hết họ hợp đồng với các đối tác có uy tín, được cơ quan chức năng cấp giấy đủ điều kiện ATTP. Tuy vậy, khi nhập cá thịt, rau củ vào thì cũng chỉ là quan sát, đánh giá bằng mắt thường chứ không thể đánh giá chính xác được. Trao đổi về câu chuyện này, ông Phạm Đắc Vinh – Tổng Giám đốc Cty Đắc Vinh, một đơn vị cung cấp lượng lớn thực phẩm cho các trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng cho rằng, gây dựng thương hiệu rất khó khăn, đơn vị nào cũng muốn giữ vị trí để làm ăn lâu dài với các đối tác nên chẳng dại gì mà nhập thực phẩm chất lượng kém để kiếm lời. Tuy nhiên, để đánh giá thực phẩm sạch đến đâu thì không phải là chuyện đơn giản, đặc biệt là rau củ quả. “Có cho thêm tiền chúng tôi cũng chẳng dại gì nhập đồ không rõ nguồn gốc. Nhưng sản phẩm có nguồn gốc rồi thì cũng sử dụng bằng niềm tin dành cho nhau chứ không thể chắc chắn tuyệt đối. Nếu có máy thử rau sạch, chúng tôi sẵn sàng trang bị, vì xét cho cùng là mình có lợi. Lương tâm tôi nói thật sẽ cố gắng hết sức, nhưng thực tế là không dám khẳng định 100%”, ông Vinh thẳng thắn.

Theo bà Lê Thị Bích Thuận – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, hiện toàn thành phố có 576 nhóm trẻ gia đình do chính quyền xã phường quản lý. Hằng năm, Sở và các Phòng GD-ĐT cũng phối hợp, kiểm tra và hỗ trợ họ một số kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cũng như kiến thức về dinh dưỡng. “Ngành giáo dục rất quan tâm đến vấn đến này, tuy nhiên, cái khó lớn nhất chính là số lượng những cơ sở như thế này rất nhiều nên chắc chắn chưa thể bao quát hết được. Chúng tôi cũng đề nghị các xã phường quản lý chặt những cơ sở như thế này. Nếu không có quyết định thành lập của địa phương thì tuyệt đối không cho hoạt động”, bà Thuận cho biết.

Công Khanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_159301_no-i-lo-bu-a-an-nho-m-tre-gia-di-nh.aspx