Nỗi lo mất an toàn lao động trong khai thác khoáng sản

Thời gian qua, các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh không chỉ đáp ứng nhu cầu về nhiên liệu, vật liệu xây dựng cho các công trình, nhà máy mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động (ATLĐ).

Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) toàn tỉnh hiện có 59 doanh nghiệp (DN) hoạt động khai thác khoáng sản; tập trung chủ yếu tại một số huyện như: Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc… Hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu là khai thác đá vôi, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng, khai thác than làm nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện.

Hoạt động khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng tại xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng

Hoạt động khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng tại xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng

Hữu Lũng là huyện có nhiều DN hoạt động khai thác khoáng sản nhất trên địa bàn tỉnh. Ông Cao Văn Hòa, Trưởng Phòng TN&MT huyện Hữu Lũng cho biết: Toàn huyện hiện có 26 DN hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó có 21 DN khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng; tập trung chủ yếu tại các xã: Yên Vượng, Đồng Tiến, Đồng Tân… Các DN hoạt động khai thác khoáng sản không chỉ đáp ứng nhu cầu nhiên liệu, vật liệu xây dựng mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, các mỏ khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATLĐ. Năm 2023, trên địa bàn huyện có 1 DN khai thác khoáng sản để xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) làm 1 người chết.

Không chỉ riêng tại huyện Hữu Lũng, theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), từ năm 2023 đến nay, cả tỉnh có 6 đơn vị để xảy ra TNLĐ làm 6 người chết, các vụ tai nạn phần lớn xảy ra trong lĩnh vực khai thác khoáng sản (3 vụ làm 3 người chết).

Ông Nông Văn Đạt, Chủ tịch UBND xã Tri Phương, huyện Tràng Định cho biết: Năm 2023, trên địa bàn xã xảy ra 1 vụ TNLĐ trong lĩnh vực khai thác khoáng sản làm 1 người chết (mỏ khai thác đá của Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Dụ, thị trấn Thất Khê). Nguyên nhân do trong quá trình lao động khai thác, người lao động đã chủ quan, tự ý tháo dây an toàn trong thời gian nghỉ giải lao.

Theo Sở LĐTB&XH, bên cạnh công tác tuyên truyền của các ngành chức năng, thời gian qua, các DN khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, chú trọng hơn đến đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho công nhân làm việc tại các điểm mỏ. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra cho thấy vẫn còn một số DN khai thác khoáng sản chưa chú ý tới việc đào tạo công nhân, vẫn sử dụng phương tiện máy móc cũ, thiết bị khai thác còn thiếu. Ngoài ra, đa số các mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh khai thác theo hình thức cắt lớp xiên nên trong quá trình nổ mìn đã làm om các phiến đá gây mất an toàn cho thợ khoan và công nhân làm việc ở chân núi. Đặc biệt, công nhân, người lao động làm việc tại các mỏ khai thác khoáng sản còn rất chủ quan, lơ là, chưa thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật, không sử dụng đầy đủ trang bị, phương tiện bảo hộ trong quá trình lao động… Ðây là những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ gây TNLĐ rất cao. Qua kiểm tra, giám sát, ngành chức năng đã nhắc nhở, yêu cầu DN hoạt động khai thác tại các điểm mỏ tuân thủ nghiêm quy định về an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động; xây dựng, ban hành và yêu cầu người lao động tuân thủ nghiêm nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; tổ chức huấn luyện, hướng dẫn quy trình kỹ thuật đảm bảo ATLĐ cho công nhân của đơn vị.

Ông Ngô Văn Tình, Giám đốc Công ty TNHH đá Thượng Thành (huyện Chi Lăng) cho biết: Là đơn vị khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng, thời gian qua DN luôn quan tâm, trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân lao động tại mỏ đá. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, yêu cầu công nhân tuân thủ nghiêm quy định về ATLĐ trong quá trình hoạt động khai thác. Từ năm 2023 đến nay, tại đơn vị không xảy ra tai nạn lao động. Để phòng tránh tốt hơn nữa, đảm bảo an toàn tính mạng cho người lao động, thời gian tới, DN tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của công nhân trong đảm bảo ATLĐ; tích cực tổ chức huấn luyện cho công nhân trước khi bố trí vào vị trí làm việc...

Bà Hoàng Thị Hải, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Khai thác khoáng sản là ngành sản xuất đặc thù, có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Để đảm bảo ATLĐ, Sở LĐTB&XH đã tăng cường công tác tuyên truyền, đôn đốc cả doanh nghiệp và người lao động nâng cao ý thức và trách nhiệm, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, quy định về ATLĐ trong hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra các vụ TNLĐ trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về ATLĐ, vệ sinh lao động, đặc biệt là các biện pháp bảo đảm ATLĐ tại nơi làm việc, khi khai thác. Cùng đó, yêu cầu các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản phải tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật an toàn đã ban hành; thực hiện khai thác theo đúng phương án, thiết kế được phê duyệt; sử dụng, bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ đúng quy định nhằm đảm bảo tuyệt đối ATLĐ trên địa bàn.

Có thể thấy chính ý thức của chủ DN và người lao động là yếu tố quyết định tới vấn đề an toàn trong hoạt động lao động khai thác khoáng sản. Hy vọng rằng, thời gian tới, bên cạnh công tác quản lý Nhà nước của ngành chức năng thì các DN và cá nhân người lao động hoạt động khai thác khoáng sản sẽ chủ động, nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm các quy định về ATLĐ.

LIỄU CHANG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/noi-lo-mat-an-toan-lao-dong-trong-khai-thac-khoang-san-5009114.html