Nơi nào công tác ứng phó, tìm kiếm hiệu quả kém thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm

Theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương, tính đến sáng 6/8/2017, mưa lũ tại Điện Biên, Sơn La, Yên Bái… đã làm 33 người chết và mất tích, gần 300 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 997/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Bắc bộ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai; Công điện số 1131/CĐ-TTg về tập trung ứng phó khắc phục hậu quả mưa lũ.

Các khu vực cảnh báo hình thái thời tiết nguy hiểm.

Người dân còn chủ quan là trách nhiệm của cán bộ, các tổ chức, các cấp chính quyền

Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở tập trung cứu chữa miễn phí đối với những người bị thương; hỗ trợ hướng dẫn nhân dân bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút, khôi phục cơ sở khám chữa bệnh.

Cũng ngay sau khi xảy ra lũ quét, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo một số bộ đã trực tiếp đến hiện trường nơi xảy ra lũ quét để chỉ đạo tìm kiếm người mất tích, khắc phục hậu quả, thăm hỏi, động viên gia đình người dân bị thiệt hại. Trước dự báo về diễn biến thiên tai còn phức tạp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, trước hết phải khẩn trương tập trung tìm kiếm trong thời gian ngắn nhất những người mất tích.

Trạm y tế xã Nậm Păm, huyện Mường La, Sơn La bị san phẳng sau khi lũ tràn

Cũng liên quan đến đối phó với sự cố thiên tai, tại Hội nghị đánh giá công tác tìm kiếm cứu nạn năm 2016, những tháng đầu năm 2017 và triển khai công tác thời gian tới ngày 4/8, Phó Thủ tướng cho rằng, việc chủ quan, lơ là của người dân chính là từ sự chủ quan của cán bộ, chính quyền các cơ quan chức năng. Theo Phó Thủ tướng: “Người dân nắm chưa vững, còn chủ quan, chính là trách nhiệm của cán bộ, các tổ chức, các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền về ứng phó thiên tai, sự cố”. “Phải có cơ chế gắn trách nhiệm các bộ, ngành, các địa phương với kết quả ứng phó với thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn. Nơi nào xảy ra sự cố mà công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn hiệu quả kém thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nói.

Y tế các tỉnh nỗ lực tham gia cứu hộ và cứu chữa nạn nhân

Tại tỉnh Sơn La, BS. Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc TTYT huyện Mường La cho biết, riêng xã Nặm Păm bị thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng: Khoảng 200 nhà dân bị cuốn trôi, hầu hết tuyến đường nhựa từ đầu xã Nặm Păm đến Ngọc Chiến bị hư hỏng hoàn toàn. Mưa lũ đã gây ra không ít thiệt hại đối với các cơ sở y tế trên địa bàn huyện. Đặc biệt, Trạm Y tế xã Nặm Păm đã bị lũ cuốn trôi cùng toàn bộ tài sản, trang thiết bị. Trung tâm Y tế huyện bị đất đá trên đồi sạt lở xuống phía sau trụ sở làm việc, Trạm Y tế thị trấn Ít Ong có nguy cơ bị sạt lở.

Ca cấp cứu nạn nhân tại Trung tâm y tế Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

Trạm Y tế xã Nặm Păm bị đổ nghiêng, sau đó đổ sập hoàn toàn ngay trong sáng 3/8/2017, toàn bộ trang thiết bị của trạm bị vùi lấp. Trạm Y tế thị trấn Ít Ong có nguy cơ ảnh hưởng vì dòng chảy của cơn lũ hướng thẳng vào trạm, 14 trạm y tế còn lại chưa bị ảnh hưởng. Nhà của hai cán bộ của BVĐK huyện Mường La cũng bị lũ cuốn trôi hoàn toàn.

U xơ tử cung - Một trong những nguyên nhân gây khó đậu thai, hiếm muộn

Thoát nỗi khổ 23 năm Đờm ho, Khó thở, Hen suyễn

BS. Thắng cho biết thêm, ngay khi nhận được thông tin, Trung tâm Y tế huyện Mường La đã huy động lực lượng cùng tham gia khắc phục hậu quả, hỗ trợ nạo vét bùn đất cho các hộ bị ảnh hưởng. Tổ chức phun khử trùng toàn bộ các vùng bị ngập lụt tại khu vực thị trấn Ít Ong (bên phía tả ngạn dòng Nặm Păm) và hướng dẫn xử lý nước uống, nước sinh hoạt cho người dân.

Hiện nay, các trạm y tế xã, thị trấn đã tăng cường công tác khám, chữa bệnh, sơ cứu ban đầu. Đặc biệt, điều động cán bộ y tế từ nơi khác đến cắm chốt tại các bản để xử lý sơ cứu, cấp cứu ban đầu; khám chữa bệnh; giám sát và hướng dẫn người dân triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước, phòng chống các loại bệnh, dịch truyền nhiễm có thể xảy ra sau bão lũ, bố trí màn tuyn hỗ trợ dân.

Các lực lượng tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại Mù Cang Chải.

BS. Nguyễn Trung Khải, Giám đốc Sở Y tế Sơn La cho biết thêm, ngay sau khi nhận được thông tin về tình hình các cơ sở y tế của huyện Mường La bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lũ, các phòng, ban, đơn vị chức năng trong ngành đến huyện Mường La kiểm tra, giám sát, chỉ đạo và hỗ trợ các đơn vị y tế trong huyện ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Sở Y tế đã có công văn gửi Chủ tịch UBND huyện Mường La đề nghị bố trí địa điểm làm trạm y tế tạm thời để khám chữa bệnh cho nhân dân trong khi chờ xây mới trạm y tế. Theo đó, Nhà văn hóa bản Hốc thuộc xã Nặm Păm cách trạm y tế cũ 500m tạm thời là nơi khám chữa bệnh cho nhân dân.

Tại tỉnh Yên Bái, ThS. Lê Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết: Trước hậu quả nặng nề của trận lũ, hơn nữa chưa thể lường hết mức độ thiệt hại nên BVĐK KV Nghĩa Lộ đã cử 1 kíp cấp cứu lên đường vào ngay Mù Cang Chải. Kíp cấp cứu đã trực tiếp phối hợp cùng với các bác sĩ của Mù Cang Chải khám, chữa cho bệnh nhân. Sau khi cùng các cán bộ của Trung tâm Y tế Mù cang Chải sơ cứu và hội chẩn, quyết định: đưa nạn nhân bị bỏng về Nghĩa Lộ điều trị, hai bệnh nhân gãy xương được chỉ định phẫu thuật tại Mù Cang Chải. Thông tin ban đầu cho biết, các cuộc phẫu thuật đã thành công.

Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ đã có mặt tại Mù Cang Chải để cấp cứu người dân gặp nạn do lũ quét.

Sở Y tế Yên Bái đã cử lãnh đạo và cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật lên giám sát, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ như vệ sinh môi trường, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho Trung tâm Y tế Mù Cang Chải về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường và an toàn thực phẩm.

Sở Y tế đã quyết định cấp bổ sung thuốc, vật tư, hóa chất gồm: cơ số thuốc, bộ dụng cụ cấp cứu, Cloramin B... cho Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải để hỗ trợ cấp cứu nạn nhân và phun thanh khiết môi trường, khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt...

BS. Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết, hiện nay, đội cấp cứu của BVĐK KV Nghĩa Lộ và Đội phòng chống dịch vẫn đang có mặt tại Mù Cang Chải để sẵn sàng xử lý và cứu chữa người bệnh. Lãnh đạo sở đã có văn bản chỉ đạo Trung tâm Y tế Mù Cang Chải và các đơn vị khác trên địa bàn thường xuyên theo dõi tình hình mưa lũ, thường trực 24/24 giờ tại các cơ sở y tế và báo cáo kịp thời tình hình diễn biến mưa lũ về Sở Y tế; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về vệ sinh phòng bệnh, giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời và tổ chức điều trị, xử lý các dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo cảnh báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, ngày 6/8, khu vực tỉnh Lào Cai và Yên Bái đã có mưa rất to. Mực nước sông Thao tại Yên Bái đang lên rất nhanh. Dự báo 12 giờ tới, mực nước tại Yên Bái sẽ lên mức 31,0m (mức BĐ2). Cảnh báo: Sạt lở đất và lũ quét trên các sông suối nhỏ có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các huyện của tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Nhóm PV, CTV Y tế địa phương

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/noi-nao-cong-tac-ung-pho-tim-kiem-hieu-qua-kem-thi-lanh-dao-phai-chiu-trach-nhiem-n134880.html