Nỗi niềm của người làm Kiểm Lâm tỉnh Hà Giang trong việc bảo vệ rừng

Do địa hình đồi núi hiểm trở phức tạp, cán bộ Kiểm lâm của tỉnh tương đối mỏng. Trong thời gian qua, đã xảy ra việc người dân lợi dụng, khai thác gỗ trái phép tại rừng đặc dụng Phong Quang, Vị Xuyên.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, ban lãnh đạo tỉnh cùng với các sở, ban ngành trong toàn tỉnh chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tăng cường hơn nữa công tác quản lý và bảo vệ rừng, tránh tình trạng khai thác gỗ trái phép tái diễn. Đến nay, tình trạng khai thác gỗ trái phép đã không còn.

Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề trên, cũng như việc làm thế nào để quản lý, bảo vệ rừng tốt nhất, ông Bùi Văn Đông, Chi Cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cho biết: “Do địa hình trên địa bàn tỉnh Hà Giang đa phần là đồi núi khá phức tạp, lực lượng cán bộ Kiểm lâm trong toàn tỉnh lại mỏng, theo quy định mỗi một cán bộ Kiểm lâm phụ trách 1.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, tổng số cán bộ trong toàn chi cục tính đến nay vẫn còn thiếu gần một nữa, hiện tại vẫn còn tinh giản biên chế tiếp.

Ông Bùi Văn Đông, Chi Cục trưởng, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Hà Giang.

Cũng theo Quyết định 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 100 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đầu tư cho cộng đồng dân cư thôn, bản vùng đệm, vùng lõi để đồng quản lý rừng đặc dụng, mức hỗ trợ là 40 triệu đồng/thôn,bản/năm, các chính sách hỗ trợ cho người dân được giao rừng vẫn chưa đáp ứng được. Ngoài ra, quyền hạn rất hạn chế, đây cũng là lý do lâm tặc vẫn lộng hành…

Tuy nhiên, không phải thế mà Kiểm lâm tỉnh Hà Giang không sát sao, lực lượng Kiểm lâm trong toàn tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền, nhân dân, tăng cường sự hỗ trợ của lực lượng các ngành Công an, Biên phòng, Quân sự của cấp tỉnh, huyện, xã cho công tác bảo vệ rừng, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Tổ chức đối thoại, tuyên truyền, vận động nhân dân với sự tham gia của các ngành; ký cam kết bảo vệ rừng tới từng hộ gia đình; ký cam kết không dùng cưa xăng, thành lập tổ tự quản bảo vệ rừng xuống các thôn bản, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền xã trong công tác bảo vệ rừng.

Phối hợp với chính quyền địa phương lập danh sách, khoanh vùng đối tượng nghi vấn liên quan đến các hành vi vi phạm, xây dựng các biện pháp đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng trên.

Xây dựng hòm thư tố giác các hành vi vi phạm, gồm hòm thư cố định tại các Trạm Kiểm lâm và hòm thư lưu động để lấy ý kiến của người dân tại các buổi tuyên truyền, họp thôn. Khen thưởng đột xuất, tuyên dương, thưởng nóng bằng tiền mặt 01triệu/ 01 cá nhân, người có thành tích tố giác, phát hiện, bắt giữ lâm tặc phá rừng trái phép.

Thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lãnh đạo công chức Kiểm lâm các đơn vị trực thuộc và công chức Kiểm lâm thuộc các Ban quản lý rừng đặc dụng cùng tham gia. Mở lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ sử dụng mẫu biểu xử phạt vi phạm hành chính; phối hợp với Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh mở các lớp tập huấn quản lý sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ đối với lực lượng Kiểm lâm.

Cử cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do ngành tổ chức; tập huấn khuyến lâm và phát triển rừng cho cán bộ Kiểm lâm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thanh tra chuyên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập huấn công tác quản lý, bảo vệ rừng đáp ứng cấp chứng chỉ rừng.

Chi cục Kiểm lâm cũng đã giao cho Đội Kiểm lâm cơ động về công tác phòng cháy & chữa cháy rừng phải đặt lên hàng đầu, thực hiện tốt công tác nắm bắt thông tin, có kế hoạch bố trí lực lượng đủ mạnh, tổ chức tuần tra kiểm soát tại các điểm nóng, hỗ trợ cho Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Thường xuyên tham mưu chỉ đạo các phòng ban, các cơ quan chức năng của huyện, xã tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm”.

Bên cạnh đó, ông Bùi Văn Đông, Chi Cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cũng rất mong Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Hà Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang có hướng giải quyết tình trạng thiếu hụt biên chế về cán bộ trong toàn chi cục, có các chính sách hỗ trợ tốt hơn cho cán bộ ngành Kiểm lâm và người dân được giao bảo vệ rừng.

Thế Thực – Nguyễn Hải/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/noi-niem-cua-nguoi-lam-kiem-lam-tinh-ha-giang-trong-viec-bao-ve-rung-p44309.html