Nỗi niềm phạm nhân nam 'vợ bỏ vẫn vui'

Không giống như đa số phạm nhân nam cầm đơn ly dị của vợ là gào hét, là chửi rủa và đe dọa trả thù, Quang cười rất tươi bảo vợ lấy chồng khác một phần cũng vì cả anh ta nữa.

Người đàn ông có tấm lòng bao dung không phải ông chồng nào cũng sẵn có ấy là Vũ Hồng Quang, sinh năm 1969, ở Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội. Còn 2 tháng nữa là mãn hạn sau hơn chục năm sống trong trại cải tạo, Quang bảo giờ chỉ nghĩ đến con, mong sớm về với cha mẹ già, ngoài ra không nghĩ gì nữa.

Kể cả khi chúng tôi nhắc tới người vợ đã bỏ đi với người khác, Quang vẫn cười hiền hậu: “Cô ấy làm thế cũng là vì tôi đấy. Ngày xưa chúng tôi lấy nhau vì yêu, bỏ nhau cũng vì yêu, tôi càng đỡ áy náy”. Từng chứng kiến nhiều phạm nhân nam án dài, vì vợ gửi đơn ly hôn mà đâm ra chán đời, bi quan và có những lời nói cực đoan, thù hận nên những lời nói của Quang khiến tôi hơi bất ngờ.

Thành kẻ giết người vì muốn can tội ác

Quang sinh ra trong một gia đình công chức, sống ở khu tập thể đường sắt, làng Ngọc Hà nên cuộc sống cũng đơn thuần, không có gì gọi là phức tạp. Ba lần thi đại học không đỗ, Quang xin bố mẹ mở quán bán hàng ngay tại nhà gọi là vừa có việc làm vừa đỡ đần bố mẹ nuôi 2 em đang ăn học.

Thời điểm người người thích chọc bi-a, Quang cũng đầu tư sắm 2 bàn bi-a nên trong nhà lúc nào cũng tấp nập. Hỏi Quang thu nhập có khá không, anh ta cười bảo cũng tạm thôi vì một bàn để kinh doanh còn bàn kia chủ yếu để bạn bè tụ tập cho vui.

Vũ Hồng Quang.

Rồi Quang cũng có người yêu, một cô gái kém 2 tuổi sống cùng khu tập thể. Quang bảo đó là khoảng thời gian anh ta có nhiều ước mơ nhất và cũng lo sợ nhất vì người yêu của Quang khá xinh đẹp và chăm chỉ. Cùng là con công nhân, lớn lên cùng một khu tập thể nên tuổi thơ của hai người dường như là một, yêu nhau và cũng hiểu hoàn cảnh, tính cách nhau hơn.

Sau 3 năm hò hẹn, thuộc hết các gốc cây, gờ đá trong công viên Thủ Lệ, hai người nên vợ nên chồng. Quán bi-a nhường cho vợ quản lý, Quang tìm việc khác để làm như thợ xây, làm mộc, phu hồ. Thi thoảng nhận công trình ở tỉnh xa, anh cũng phải xa nhà tới vài tháng. 23 tuổi, Quang lên chức bố. Đứa con gái đầu lòng khiến anh cảm thấy có trách nhiệm hơn với gia đình.

Quang bảo nhiều lúc nghĩ lại, điểm lại những việc mình đã làm từ lúc thôi học đến bây giờ thì đó là quãng đời anh hạnh phúc nhất. Những ngày ở nhà không phải đi công trình xa, Quang giành phần đi đón con ở trường mẫu giáo, một công việc mà thường ngày mẹ vợ anh vẫn làm.

Khoảng 17h ngày 14.6.1996, Quang phóng xe đạp ra trường mầm non Ngọc Khánh đón con, lúc quay về thì bắt gặp cảnh một nhóm thanh niên choai choai đang nắn túi áo những học sinh tiểu học, bắt phải đưa tiền, sách vở.

Nghĩ con mình sau này đi học, không biết chừng cũng bị những kẻ này đe dọa, trấn lột, Quang không kìm được bất bình liền lên tiếng la mắng. Tiếng quát mắng của anh kèm theo những lời xỉ nhục khiến đám thanh niên từ bỏ ý định khám xét túi cặp của những học sinh nhỏ tuổi, song vì bỗng dưng có kẻ phá đám nên chúng quay sang cà khịa với Quang.

Ban đầu là lời qua tiếng lại rồi khi thấy Quang chỉ có một mình, không ai bênh vực thì những thanh niên này liền nhặt gạch đá ném “kẻ phá hoại”. Quang cũng muốn dựng xe, đánh trả nhưng tiếng khót thét vì sợ hãi của đứa con gái nhỏ ngồi phía sau đã khiến anh bừng tỉnh. Anh lặng lẽ đạp xe về nhà, bỏ lại phía sau những lời chửi bới như tát nước vào mặt của đám choai choai, hư hỏng.

“Tôi cũng định quên đi rồi nhưng nhóm bạn chợt tới chơi. Bực mình, tôi kể lại chuyện đâu ngờ sự nóng giận đã khiến tôi phải trả cái giá đắt”, Quang kể. Điều khiến anh day dứt nhất là chính câu chuyện của anh đã khiến người bạn thân nhất dính vòng lao lý.

Nghe Quang kể lại chuyện suýt xảy ra ẩu đả với nhóm trai làng mới lớn chỉ vì phản đối việc chúng chặn học sinh lấy tiền, mấy người bạn tỏ ra bất bình bảo phải dạy cho chúng nó một bài học, lần sau chừa cái thói du côn, ăn hiếp kẻ yếm thế hơn mình.

Quang cũng muốn thế song vì mới ở Sơn La về được mấy tiếng, vợ lại gàn vì mồi nhậu cho anh đãi bạn cũng đã chuẩn bị xong, Quang bảo thôi nhưng Hải, người bạn thân nhất của Quang thì không chịu để yên. Hải bảo Quang chỉ chỗ để anh ta ra dạy cho bọn thanh niên kia biết thế nào "là lễ độ". Biết Hải nóng tính nên khi thấy bạn phóng xe ra đầu ngõ, Quang cũng khoác vội cái áo vào người, lao theo.

“Chúng tôi ra đến nơi thì nhóm choai choai kia đã tản mát hết rồi, còn vài đứa đang ngồi hóng mát”, Quang kể, nét mặt lộ vẻ trầm ngâm. Nhận ra anh chính là người đã mắng mình trước đó, nhóm thanh niên gồm Thành, Cương, Long, Hường liền té tát chửi Quang.

Những câu thóa mạ như: đồ “sĩ vỏ”; “ăn bám còn lên mặt dạy đời”; nào là “dân ngụ cư” (vì quê gốc Quang ở Hưng Yên) đã khiến cả Quang và Hải đều không nhịn được. Họ xông vào nhóm thanh niên kia, so tài cao thấp.

Cuộc ẩu đả giữa lúc trời đã nhá nhem tối khiến Hải lầm tưởng một người đi đường là đồng bọn của đối phương nên khi thấy anh này đi qua, Hải rút con dao mang theo, đâm một nhát. Lúc đó Quang đang rút chiếc cọc chống lều chợ tạm đuổi đánh mấy người khác, không nhìn thấy cảnh trên nên khi Hải rủ về, Quang đồng ý.

“Tôi có biết anh Hải đâm chết người đâu, trời chập choạng, tôi lại mắt kém nên cứ tưởng anh ấy đạp ngã một người thôi chứ”, Quang nhớ lại. Sau khi về nhà Quang, mọi người còn ngồi lai rai đến khuya mới chia tay. Hải không hề đả động tới việc đã đâm người nên Quang cũng chẳng hay biết gì, cho đến vài hôm sau.

“Hôm ấy tôi chuẩn bị lên công trình nên tính đưa con đi mẫu giáo rồi mới ra bến xe Kim Mã đón xe khách. Lúc đi ngang qua chợ, nghe mọi người kháo nhau có một thanh niên bị đâm chết, bỗng nhiên tôi thấy chột dạ…”, Quang kể. Dắt vội con gái vào nhà trẻ, Quang phóng xe đi tìm Hải để rồi chết lặng khi được biết sự thật. Nỗi sợ hãi đã khiến Quang chẳng còn kịp suy nghĩ gì nữa ngoài việc phải làm sao để đi càng xa càng tốt.

Nghĩ mình gây tội tày trời, thế nào cũng bị khép tội chết nên Quang đón xe đến tất cả những người ruột thịt đang sống ở các tỉnh, thành phố. Đến nhà ai, Quang cũng ở lại một đêm, khóc và kể chuyện tội của mình, mong mọi người coi đây là chuyến viếng thăm cuối cùng. Sau nửa năm đi hết các tỉnh trong Nam ngoài Bắc chào cô dì, chú bác, người thân, cuối tháng 3.1997, Quang về Hà Nội đầu thú.

Vợ lấy chồng, chỉ thấy thương con

“Tôi với anh Hải cùng lên trại Nam Hà cải tạo một ngày. Anh ấy án chung thân còn tôi 20 năm tù”, Quang tiếp tục kể rồi khẽ đưa tay vuốt những giọt mồ hôi đang chảy dọc thái dương. Chỉ vì chuyện của mình làm bạn thân liên lụy, Quang thương Hải lắm nhưng anh em mỗi người cải tạo một đội nên rất ít khi có điều kiện gặp nhau.

Có năng khiếu đá bóng nên Quang được chuyển về đội văn hóa, lao động. Công việc hàng ngày là sắp xếp tủ sách, quét dọn và cắt kẻ pa-nô, áp phích, khẩu hiệu. Một việc không thể thiếu là rèn luyện đôi chân, vì thế cứ chiều về, khi đã sắp xếp xong công việc ở đội, với đôi giày vải, Quang lại làm vài vòng chạy bộ quanh phân trại.

Thi thoảng ngang qua chỗ Hải lao động, Quang cũng dừng lại hỏi thăm vài câu, động viên bạn cố gắng để sớm trở về. Theo lời Quang thì Hải tuy nóng tính như rất ủy mị, gia đình sẵn có trúc trắc về tình cảm vợ chồng nên tư tưởng nhiều lúc không ổn định, vì thế hay vi phạm nội quy.

Hỏi Quang về chuyện gia đình, anh ta cười bảo vợ đi lấy chồng rồi, nghe đâu không dám sinh con.

“Đêm trước hôm ra đầu thú, tôi có khuyên vợ đi bước nữa, đừng chờ. Cô ấy lắc đầu quầy quậy, ai dè lên thăm tôi đến năm 2004 thì thôi. Cô ấy làm thế tôi lại thấy thanh thản, chỉ thấy tội con gái”, Quang kể.

Vợ vui duyên mới, bỏ con gái đang tuổi dậy thì ở với ông bà nội, Quang chỉ lo con hụt hẫng làm điều dại dột nên tháng nào cũng đều đặn gọi điện về động viên. Anh bảo vẫn còn may mắn vì bố mẹ đều khỏe và con gái ngoan, thi đại học còn vào tận nơi bố đang cải tạo để “xin ý kiến”.

Đôi bướm bằng sợi nilon Quang học bạn tù, tết những khi rảnh rỗi được chuyển tới tay vợ, coi như một lời chúc phúc, Quang không hề giận cho dù đã vô cùng sốc khi nhận được tin vợ lấy người khác. Anh bảo mục tiêu của anh bây giờ là tương lai của con gái và bố mẹ già.

“Con gái tôi học trường du lịch, nghỉ hè lại đi làm thêm ở khách sạn. Tôi mừng lắm khi thấy con vượt qua được mặc cảm gia đình để vươn lên. Chị hỏi tương lai ư? Tôi ở trong này lâu quá rồi, 16 năm còn gì, không dám định gì cả vì sợ lỗi thời. Thôi thì cứ về đã rồi từ từ tính”, Quang tâm sự.

Anh chẳng mong một điều gì to tát ngoài khao khát được ăn bữa cơm sum họp với bố mẹ, con gái. Suốt thời gian cải tạo, anh được 4 lần giảm án, tính ra cuối tháng 9.2013 này anh sẽ mãn hạn tù. Chắc hẳn lúc này, phạm nhân Quang đang rạo rực lắm đếm thời gian trôi.

Minh Châu (Xzone/Tri thức thời đại)

Nguồn XZone: http://xzone.vn/xa-hoi/noi-niem-pham-nhan-nam-vo-bo-van-vui_112180.html