Nỗi niềm phố Tây - nhà cổ

Giữa một Đà Nẵng đang phát triển với những tòa cao ốc lưng trời, những chiếc cầu hiện đại lấp lánh ánh đèn đêm... vẫn tồn tại những ngôi nhà cổ mang nét kiến trúc Pháp với những chủ nhân hoài cổ...

Giữa một Đà Nẵng đang phát triển với những tòa cao ốc lưng trời, những chiếc cầu hiện đại lấp lánh ánh đèn đêm... vẫn tồn tại những ngôi nhà cổ mang nét kiến trúc Pháp với những chủ nhân hoài cổ...

Một thuở phố Tây

Đi dọc những con đường ở Đà Nẵng, ngoài những kiến trúc đô thị hiện đại, bất chợt nhìn thấy những ngôi nhà mang phong cách cổ điển, bản chỉ tên đường có từ thời Pháp thuộc... hẳn không ít người thấy lạ lẫm và thú vị. Đó là chứng nhân về một đô thị Đà Nẵng được hình thành từ lâu. Trong những miêu tả thì Đà Nẵng trước đây “chỉ là một ngôi làng ở giữa một đồng bằng cát không có cây cối và nơi trú ẩn, một con đường mòn xấu ven bờ sông mà người đi bộ có thể qua lại được lúc thủy triều xuống nhưng không thể qua lại được lúc thủy triều lên”.

Nhưng từ ngày trở thành nhượng địa, để phục vụ cho ý đồ khai thác thuộc địa, thực dân Pháp xây dựng Đà Nẵng thành một đô thị trung tâm của Trung kỳ. Hình ảnh “phố Tây” đầu tiên của Đà Nẵng là khu vực đóng quân của liên quân Pháp–Tây Ban Nha trên bán đảo Sơn Trà vào năm 1858 đến năm 1860. Tại đây, Rigault de Genouilly đã thiết lập nhà thương, căng tin, khu vui chơi, nhà nguyện... theo lối ô bàn cờ để phục vụ binh lính. Năm 1886, ngay sau khi “trở lại Cửa Hàn”, hoạt động đầu tiên của người Pháp là phá bỏ những cây gỗ ngang đường nước cửa vào Đà Nẵng, để thiết lập một bến tàu. Người Pháp cũng thiết lập tại Tiên Sa một bãi chứa than, để xuất cảng than đá Nông Sơn đi Hồng Kông, Macao, thiết lập con đường nối liền Tiên Sa với thành phố. Đến năm 1888, dưới áp lực của Pháp, vua Đồng Khánh xuống Dụ nhượng đất Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho chính phủ Pháp để từ năm 1930 trở đi, Đà Nẵng đã có đủ điều kiện cho một đô thị hiện đại mang phong cách Tây Âu...

Cho đến nay, chưa ai tìm thấy đồ án thiết kế ban đầu của Đà Nẵng, song căn cứ vào việc bố trí của thành phố thời Pháp về các khu: hành chính, dân cư, thương mại, quảng trường, vườn hoa... thì sẽ thấy cách bài trí rất độc đáo và hiện đại. Từ các trục đường chính, Đà Nẵng dưới thời Pháp thuộc hình thành nên hai thế giới riêng biệt: khu vực dân cư phía Bắc chợ Hàn dành cho các cơ quan của Pháp, kiều dân Pháp và Âu-Mỹ sinh sống (gọi là khu phố Tây), phía Nam chợ Hàn là khu dân cư người Việt (phố Ta). Phố Tây là các ngôi biệt thự lộng lẫy, kiến trúc đẹp mắt, còn phố Ta là các khu nhà tranh vách ván, xen lẫn những ngôi nhà rường bề thế của những chức sắc và doanh nhân người Việt.

Những ngôi nhà Tây cổ còn lại ở Đà Nẵng rất hiếm hoi.

Những ngôi nhà Tây cổ còn lại ở Đà Nẵng rất hiếm hoi.

Hãy nghe Tòa Khâm sứ Trung kỳ giới thiệu về Đà Nẵng: “Thành phố này có đường số một, tàu hỏa xuyên Đông Pháp và đường biển. Đà Nẵng là vị trí đình bạc của các tàu viễn dương của các hãng Messageries - Marintimes và Chageurs Réunis. Đà Nẵng là cảng chính của Trung kỳ, chuyên chở hàng hóa xuất và nhập của Trung kỳ, các tàu cập bến dễ dàng thuận lợi bất kỳ thời tiết nào trong năm. Đà Nẵng có nhà máy điện, nhà máy nước đá, hai cơ sở chế biến nước giải khát, sở làm gạch bông, nhà in, ba hãng chế biến chè, xà phòng, thuốc lá. Khách sạn Morin Frères tại Bà Nà, khách sạn Morin Frères tại đường bến Courbet...”.

Chừng đó cũng đủ thấy rằng, từ xưa Đà Nẵng đã là đô thị trung tâm của Trung kỳ, với nhiều ngôi biệt thự mang phong cách Châu Âu, đường phố được thiết kế theo ô bàn cờ, đèn điện, cống ngầm và cây xanh đô thị. Minh chứng cho điều đó, dân gian có câu ca: “Từ ngày Tây lại đất Hàn/ Dưới sông tàu chạy, trên đàng ngựa xe”.

Chị Võ Thị Oanh, giới thiệu về ngôi nhà Tây hơn 100 năm tuổi của gia đình.

Nỗi niềm

Sau hơn 1 thế kỷ và trải qua bao thăng trầm, bóng dáng của phố Tây - nhà cổ ở Đà Nẵng đã khuất lấp trong những dãy phố hiện đại, còn hiếm lắm những ngôi nhà Tây được xây dựng cách đây hơn 100 năm. Sống trong căn nhà Tây cổ ở số 56 đường Trần Quốc Toản, chị Võ Thị Oanh (chủ nhân ngôi nhà) cho biết: “Ngôi nhà này đã hơn 100 năm và đã truyền qua 3 thế hệ. Nhà được ông nội tôi là cụ Võ Hồ Kiệm xây dựng, nghe kể rằng để xây dựng căn nhà này ông phải đưa xi- măng và các vật liệu xây dựng từ Pháp về, làm mấy năm mới xong. Hơn 100 tuổi nhưng nhà không hư hại gì, chỉ bong tróc vài mảng vôi gia đình đã sửa lại. Khi đóng cửa lại ngôi nhà cách âm với bên ngoài, mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp...”.

Ngôi nhà của chị Oanh đến nay vẫn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc độc đáo, với 3 lớp cửa và các chi tiết mang đậm phong cách Tây. Để xây được ngôi nhà này, hẳn xưa kia cụ ông Võ Hồ Kiệm phải là người giàu có, bởi chính quyền Pháp ở Đà Nẵng ban hành văn bản quy định 30 điều liên quan đến xây dựng nhà cửa. Đáng chú ý có điều: “tuyệt đối cấm xây nhà ở, lán hàng, hàng rào bằng tranh, ván gỗ, phên tre, đất nhồi rơm” ở nội thị thành phố. Thế nên những người Hoa, người Việt có thế lực, tiền bạc mới đủ điều kiện xây dựng nhà kiên cố trong “nhượng địa”.

Nhưng buồn thay, những ngôi nhà như của chị Oanh ở Đà Nẵng đang dần mất đi, bởi tốc độ phát triển đô thị. Không ít ngôi nhà Tây cổ đã bị bán và đập bỏ để lấy chỗ kinh doanh, buôn bán hay chỉ xây những căn nhà tiện nghi hơn. Chị Oanh nói: “Trước đây trên đường Trần Quốc Toản cũng có một ngôi nhà Tây như nhà tôi, nhiều gia đình cùng ở trong đó, sau có người bỏ tiền ra mua, rồi đập bỏ. Trong di chúc ông tôi dặn phải giữ bằng được ngôi nhà này, nên con cháu quyết tâm gìn giữ, nhiều người đến hỏi mướn để mở nhà hàng nhưng gia đình cương quyết từ chối. Thỉnh thoảng có nhiều đoàn khách nước ngoài liên hệ vào tham quan và họ rất thích ngôi nhà, hay các cặp đôi xin vào chụp hình đám cưới”...

Mỗi ngôi nhà Tây theo phong cách Châu Âu còn lại ở Đà Nẵng đều chứa đựng trong nó giá trị văn hóa, lịch sử và là hồn cốt của thành phố. Vì vậy, thật xót xa nếu mai này đô thị Đà Nẵng không còn dấu tích của phố Tây – nhà cổ.

Hoàng Anh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_121276_no-i-nie-m-pho-tay-nha-co-.aspx