'Nói TTCK là sòng bạc chỉ là sản phẩm của truyền thông'

Dùng từ sòng bạc rất nguy hiểm đối với các cơ quan quản lý và những cơ quan không hiểu rõ về vấn đề này. Chúng ta cần luôn nhìn đúng bản chất và đưa ra từ ngữ phù hợp.

Ngày chính thức vận hành thị trường chứng khoán phái sinh đã rất gần, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại về những rủi ro khi tham gia vào sản phẩm mới này khi những bài học trong nhưng năm đầu vận hành TTCK vẫn còn in đậm. Thậm chí, nhiều cơ quan truyền thông còn ví TTCK là sòng bạc. Vậy các cơ quan quản lý có lường trước được điều này và làm thế nào để giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư là các câu hỏi mà các nhà báo đặt ra cho các diễn giả tại buổi tọa đàm NDH Talk 4 với chủ đề “Cơ hội và rủi ro khi ra mắt thị trường phái sinh” do báo NDH.VN tổ chức sáng ngày 15/06.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI cho rằng đâu đấy trong quá khứ chúng ta nói chứng khoán là sòng bạc, nhưng phải thừa nhận đó là sản phẩm của truyền thông. Bản chất của TTCK là huy động vốn mà huy động vốn phải có thanh khoản. Trên thị trường có nhiều cổ phiếu nhìn vào có rủi ro nhưng NĐT tham gia rất nhiều.Thị trường không chỉ có người tiến mà phải có cả người lùi, đó chính là sự hấp dẫn của TTCK với các nhà đầu tư. Chúng ta đang truyền thông cho cả những người hiểu bản chất và chưa hiểu bản chất, vì vậy nếu nói "chứng khoán là sòng bạc" là không trách nhiệm, mặc dù việc mua bán sản phẩm tương lai tiềm ẩn yếu tố đỏ đen trong đó.

Ông Hưng cho rằng dùng từ sòng bạc rất nguy hiểm đối với các cơ quan quản lý và những cơ quan không hiểu rõ về vấn đề này. Chúng ta cần luôn nhìn đúng bản chất và đưa ra từ ngữ phù hợp.

Giống như trên thị trường cơ sở, ban đầu khi tỷ lệ margin ở mức thấp nhà đầu tư luôn mong muốn UBCK cởi mở tỷ lệ margin rộng hơn. Thời gian đầu vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, rất có thể nhà đầu tư sẽ kêu nhiều về "khóa" và "phanh" mà không kêu về rủi ro,nhưng đó là để chúng ta đưa ra các phương án phòng vệ. Hiện, Sở GDCK Hà Nội và VSD giới hạn vị thế tối đa mà cá nhân được tham gia là 5.000 vị thế trên một tài khoản,NĐT chứng khoán chuyên nghiệp được nắm giữ tối đa 20.000 vị thế và NĐT tổ chức nắm tối đa 10.000 vị thế.

Còn ở trong vai trò là cơ quan quản lý, ông Nguyễn Anh Phong - Phó TGĐ Sở GDCK Hà Nội cho biết cơ chế của thị trường phái sinh cho phép nhà đầu tư và các bên theo dõi lãi và lỗ phát sinh hàng ngày do đó dễ kiểm soát rủi ro hơn. Bên cạnh đó, bản thân các giao dịch trên thị trường phái sinh là để hưởng chênh lệch giá và nếu có mức lãi hay lỗ thì nhà đầu tư rất nhanh chóng cân nhắc về việc nên đóng vị thế.

Về lo ngại về việc thao túng giá, điều này phải nói về giá sản phẩm phái sinh luôn đi sát với giá cơ sở. Đến gần ngày đến hạn thì giá trên thị trường phái sinh phải tiệm cận với giá cơ sở. Thị trường sẽ tự điều tiết theo nguyên lý vận động của nó và sự hoạt động của các nhà đầu tư.

Trong khi đó, ông Dương Ngọc Tuấn - Phó TGĐ Trung tâm lưu ký chứng khoán cho biết, dựa trên các kinh nghiệm của nhiều nước mà cơ quan quản lý xây dựng hệ thống để đảm bảo được yếu tố an toàn. Sự chuẩn bị là vậy nhưng trong quá trình vận hành sẽ tiếp tục giám sát và rút kinh nghiệm

Quy định về ký quỹ cho thị trường phái sinh khác với thị trường cơ sở là trên thị trường phái sinh hoạt động ký quỹ đảm bảo cho nhiệm vụ thực hiện nghĩa vụ của mình nên tiền là tiền nhà đầu tư bỏ ra nộp vào VSD, thành viên bù trừ để thực hiện.

Trên thị trường phái sinh, giao dịch là nhà đầu tư thực hiện nhưng thành viên bù trừ phải chịu trách nhiệm đến cùng. Nếu nhà đầu tư mất thanh toán thì trách nhiệm sẽ thuộc về thành viên bù trừ nên phải có biện pháp kiểm soát được điều này. Đồng thời, nhà đầu tư là một phần nhưng CTCK và thành viên bù trừ phải nhận diện rủi ro để sẵn sàng cho các kịch bản đỗ vỡ.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/-noi-ttck-la-song-bac-chi-la-san-pham-cua-truyen-thong--20170615033234877p4c146.news