Nong da bao quy đầu cho trẻ: Coi chừng biến chứng xơ sẹo nếu không cẩn thận

Các trường hợp bé trai bị hẹp bao quy đầu thường sẽ được bác sĩ xem xét nong hoặc cắt bao quy đầu.

Cắt hay nong da bao quy đầu là thủ thuật ngoại khoa, vì vậy phải hết sức thận trọng.

Dễ biến chứng xơ sẹo nếu làm thủ thuật và giữ vệ sinh không tốt

Theo ThS.BS Hà Ngọc Mạnh, Bệnh viện chuyên khoa Nam học và hiếm muộn Việt Bỉ, bệnh viện của anh đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đến khám vì có vấn đề ở bao quy đầu. Thường bệnh nhân đến do biến chứng như tiểu phồng (khi tiểu, đầu dương vật phồng to, các tia tiểu rất nhỏ), tiểu buốt, tiểu đau - biểu hiện của viêm đường tiết niệu (trẻ nhỏ không biết nói sẽ có biểu hiện quấy khóc khi đi tiểu).

Do hẹp bao quy đầu thường gây biến chứng viêm đường tiết niệu với các biểu hiện như kể trên nên bác sĩ phải điều trị bệnh viêm đường tiết niệu trước khi làm thủ thuật nong da bao quy đầu.

BS Mạnh cho biết, hiện nay hầu hết trẻ nhỏ được chăm sóc tốt nên ít khi có biến chứng nặng do hẹp bao quy đầu nhưng không phải là không xảy ra. Nhiều người nong ở phòng khám tư hoặc phòng khám không có chuyên khoa, trong quá trình nong bị chảy máu, sau đó về nhà không lộn ra thường xuyên nên gây viêm nhiễm trở lại gây xơ sẹo bộ phận sinh dục.

Nong da bao quy đầu cho trẻ cần được thực hiện ở phòng khám chuyên khoa. Ảnh minh họa

Nong da bao quy đầu cho trẻ cần được thực hiện ở phòng khám chuyên khoa. Ảnh minh họa

Trường hợp đã xơ sẹo thì không có chỉ định nong trở lại mà phải cắt phần đó đi, tức là phải làm tiểu phẫu để cắt vùng xơ sẹo, tạo hình đầu dương vật. Lúc này, bệnh nhân phải chịu chi phí nhiều hơn; một số người có thể gặp sang chấn tâm lý sau phẫu thuật.

Không tùy tiện nong da bao quy đầu ở những nơi không đảm bảo

BS Mạnh cho biết: Nong da bao quy đầu là thủ thuật ngoại khoa (dùng dụng cụ để tách ra), còn cắt da bao quy đầu là phải dùng dụng cụ để cắt và khâu lại. Dù nong da bao quy đầu là một thủ thuật nhỏ nhưng vẫn yêu cầu vô trùng chứ không được làm tùy tiện bởi khi nong, những bệnh lý lây truyền qua đường tiếp xúc như da - da có thể lây truyền nếu bàn tay người làm thủ thuật không sạch.

Bên cạnh đó, trong quá trình nong có thể sẽ chảy máu, có thể khiến nam giới mắc các bệnh lý lây truyền qua đường máu. Sau khi nong xong, gạc vô khuẩn và găng tay phải vứt đi, không dùng tiếp cho bệnh nhân sau để đảm bảo yếu tố vệ sinh. Các dụng cụ khác nếu có sử dụng phải được hấp sấy tiệt trùng trước khi dùng cho bệnh nhân khác.

BS Hà Ngọc Mạnh đã tiếp nhận và xử lý nhiều ca hẹp bao quy đầu. Ảnh HH

Hiện có 2 cách nong da bao quy đầu:

- Nong bằng tay và gạc vô khuẩn: Cách này rất nhẹ nhàng, áp dụng với những trường hợp nhẹ, chỉ gồm nong và tách.

- Dùng panh nhỏ để nong: Áp dụng trong trường hợp hẹp da bao quy đầu nặng hơn.

Để tránh sơ xẹo vùng da bao quy đầu, theo BS Mạnh, ngoài việc chỉ được nong da bao quy đầu ở phòng khám chuyên khoa, sau khi nong xong về nhà, bệnh nhân cũng phải giữ vệ sinh, nong liên tục thì mới tránh hẹp trở lại khiến phải nong nhiều lần mà xơ sẹo.

Có 1 trong 10 dấu hiệu này tức là 99% bạn đã mang bầu bé trai rồi nhé. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

Diệp Lâm - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/can-than-bien-chung-xo-seo-sau-khi-nong-da-bao-quy-dau-26261-9.html