Nông dân mất trắng do bị mưa lũ và thủy điện “đánh úp”

Ảnh hưởng từ đợt mưa lũ dài ngày, kết hợp cùng việc xả lũ lưu lượng lớn từ các hồ đập thủy điện, thủy lợi, vụ mùa, hoa màu của bà con nông dân tại khu vực hạ du tỉnh Quảng Nam hầu như đều mất trắng, khiến đời sống người dân nơi đây rơi vào cảnh khó khăn trăm bề, nhất là khi Tết Nguyên Đán đang đến rất gần.

Theo VOV, mưa lũ ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã khiến 2 người thiệt mạng, làm hơn 1.000ha rau, hoa màu bị ngập nước. Một trong số những địa phương ngập sâu nhất của huyện là xã Đại An, với toàn bộ hơn 200ha rau màu bị dập nát và phải trồng lại. Hiện bà con nông dân đang phải đi gom từng hạt giống rau để gieo, kịp thu hoạch bán trong dịp Tết.

Bà Bùi Thị Một, ngụ ở thôn Bàu Tròn, xã Đại An, huyện Đại Lộc, cho biết chỉ mới tuần trước, hai vợ chồng bà nhẩm tính rằng gia đình sẽ thu được vài chục triệu đồng từ 3 sào khổ qua, dưa leo, nhưng trận lụt đã khiến cánh đồng ngập gần 2m. Do không còn biết trồng loại hoa màu gì cho kịp vụ Tết, bà đành phải trồng rau cải. Bà Một xót xa nói: “Già rồi, 2 vợ chồng làm gì đây, thử hỏi đầu tư biết bao nhiêu mà hư hết. Thủy điện xả từ từ, chứ xả nhanh quá, dồn lại xả một lần, dân chịu không nổi. Thôn Bàu Tròn mất quá nhiều”.

Theo báo Giao thông, các cánh đồng tại xã Đại An đã xơ xác, tiêu điều, nhiều ruộng vẫn xâm xấp nước, các loại rau, gốc cây hoa màu thối đen, hư hại hoàn toàn. Bà Lê Thị Chín (59 tuổi, thôn Bàu Tròn, xã Đại An) cho biết: “Hai sào đu đủ giờ chỉ còn trơ vài gốc cây. Cả mùa vụ chăm bón, đến lúc chuẩn bị thu hoạch đón Tết thì lũ về cuốn trôi tất cả, thiệt hại hơn 30 triệu đồng”. Bà Nguyễn Kim Cúc, một nông dân ở thôn 5, xã Đại An cũng cho biết, 5 xào đậu cove, ớt xen canh bắp của gia đình bà đã hỏng hết. “Cả năm đã thất bát, trông cả vào vụ Tết, giờ tay trắng”, bà Cúc buồn bã nói.

Đại Lộc từ lâu được xem là vựa rau cung cấp cho Đà Nẵng và các vùng lân cận với diện tích canh tác đến 2.000ha/năm, thiệt hại sau lũ lụt lần này lên đến hơn 12 tỷ đồng, trong đó các xã mất nhiều diện tích hoa màu nhất là Đại Hồng (200ha), Đại An (164ha), Đại Lãnh (110ha)… Ông Ông Lê Trọng Quốc, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại An, cho biết người dân đã căn thời tiết để tổ chức gieo trồng sao cho phù hợp, nhưng lại gặp đúng đợt lũ tháng 11 hiếm khi xảy ra, khó lường trước. Theo ông Quốc, mưa lũ chỉ là một phần, nhưng nếu không có tình trạng thủy điện xả tràn gây lũ trồng lũ thì thiệt hại sẽ thấp hơn.

Ông Quốc cho biết khó khăn nhất hiện nay của bà con nông dân là tìm nguồn giống cây trồng, do thời điểm đầu vụ, các loại giống như cây ớt và một số cây trồng khác cũng rất khan hiếm: “Trên thị trường hiện nay cây ớt cũng rất hiếm nên bà con rất thiếu thốn về cây giống. Sản xuất vùng rau này để cung cấp cho Tết Nguyên đán, nhưng hiện nay bà con nông dân đã mất trắng hoàn toàn. Vấn đề thủy điện xả lũ, chỗ địa phương không nhận được bất cứ thông tin nào về xả lũ, cho nên người dân cũng bị động trong việc phòng chống”.

Ông Trần Văn Mai, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cũng cho rằng đợt lũ vừa qua là bất ngờ. Hiện chính quyền huyện đang tìm cách chỉ đạo xuống cấp xã, động viên bà con khắc phục hậu quả, tiến hành gieo trồng những vùng hoa màu hư hỏng bằng các loại quả ngắn ngày để phần nào đem lại thu nhập. Ngoài ra, huyện sẽ đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ phần nào cho người sản xuất để bà con an tâm hơn trong đầu tư tiếp theo. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàng, Phó chánh Văn phòng UBND huyện Đại Lộc, địa phương đang thống kê, báo cáo đề nghị tỉnh Quảng Nam hỗ trợ cho bà con nông dân.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/nong-dan-mat-trang-do-bi-mua-lu-va-thuy-dien-%e2%80%9cdanh-up%e2%80%9d