Nông dân tố độc quyền gặt lúa: Lãnh đạo giải thích ngược

Theo Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, không có chuyện độc quyền máy gặt, chỉ là phân chia cho hợp lý, không để hỗn loạn.

Liên quan đến những bức xúc của người nông dân ở thị trấn Mộ Đức, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) về sự độc quyền trong gặt lúa, sáng ngày 29/4, chia sẻ với báo Đất Việt, ông Trần Văn Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức khẳng định không có chuyện độc quyền đó.

Theo ông Mẫn, khi hợp tác xã có nhiều máy gặt thì đương nhiên họ phải phân chia ra theo lô để không gây hỗn loạn.

"Vừa rồi, có sự cố mưa trái mùa 1 số ngày làm cho bà con sợ lúa đổ, gãy nên gọi máy gặt. Tuy nhiên, gặt thì cũng phải có trước có sau chứ, không thể nhanh chóng theo ý của riêng nhà mình được. Đấy, họ không được theo ý mình, phải gặt sau thì sốt ruột rồi lại "phác họa" lên với báo chí là độc quyền máy gặt. Như vậy là không đúng", ông Mẫn nói.

Nhiều diện tích lúa chín, ngã rạp ở thị trấn Mộ Đức vẫn chưa được thu hoạch. Ảnh: TNO

Vị Chủ tịch huyện giải thích, nóng ruột của dân bên huyện đã ghi nhận, nhưng người dân cũng phải hiểu là máy gặt nào cũng có công việc của mình rồi bởi mỗi máy gặt có 1 lô nên phải gặt theo trật tự, không làm tùy tiện được. Kể cả lúa đổ nhưng cũng phải chờ đến lượt. Không chỉ riêng 1, 2 nhà, mà mưa xuống thì rất nhiều nhà đổ giống nhau.

"Ai đi làm chuyện đó làm gì, hàng chục máy gặt nếu không tổ chức sắp xếp mà để tự do, họ chèn ép giá đủ thứ như thế sao được. Bởi vậy, phải có sự thống nhất, điều tiết máy gặt chứ", ông Mẫn cho biết thêm.

Cũng theo lời ông Mẫn, giá của máy gặt đều được thống nhất trên cả tỉnh với mức 170.000 đồng/sào, không có chuyện máy gặt độc quyền giá cao hơn. Hiện phía huyện đã chỉ đạo điều tiết, tăng cường thêm các máy gặt để bà con được mang thóc về nhà theo đúng thời vụ. Khu vực nào chưa cần gặt sẽ điều máy sang khu khác để bà con không bị sốt ruột.

Về việc này, trước đó theo phản ánh trên báo chí của bà Bùi Thị Phổ ở đội 1, thị trấn Mộ Đức, cho biết, vụ đông xuân 2016-2017, gia đình bà trồng 3 sào lúa. Năm nay thời tiết thuận lợi nên năng suất đạt rất cao.

Lúa được mùa nhưng niềm vui của bà con lại chưa trọn vẹn. Mấy hôm nay, bà Phổ đứng ngồi không yên, bởi lúa ngoài đồng đã chín mà chưa thể thu hoạch, gặp mưa giông mấy ngày qua làm cây lúa đổ ngã. Bà Bùi Thị Phổ than phiền, toàn bộ cánh đồng này được giao cho một chủ máy gặt tại địa phương phụ trách, bà con chỉ biết ngồi chờ mà không thể kêu các chủ máy khác vào thu hoạch.

Qua tìm hiểu, được biết cánh đồng của Đội 1 gần 20ha thuộc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Trường quản lý. Hợp tác xã này giao ông Lê Thanh Vân, chủ máy gặt thực hiện việc thu hoạch. Do đó, toàn bộ quá trình thu hoạch nhanh hay chậm, nông dân đều phải phụ thuộc vào chủ máy. Điều này khiến cho nhiều nông dân bức xúc.

Thực tế, hiện nay tại nhiều địa phương, việc thu hoạch và làm đất đều do các chủ máy điều hành. Chủ máy từ địa phương này không thể sang địa phương khác thu hoạch và ngược lại, đó chính là “quy định ngầm” của các chủ máy.

Thanh Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/nong-dan-to-doc-quyen-gat-lua-lanh-dao-giai-thich-nguoc-3334381/