Nông dân và doanh nghiệp đều lao đao

Chưa bao giờ nông dân và doanh nghiệp trồng thuốc lá ở Đắc Lắc phải đối mặt với thảm cảnh “rớt giá” như vụ đông xuân 2010 này. Người sản xuất thuốc lá thua lỗ hàng tỷ đồng, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nợ nần chồng chất.

Ở Đắc Lắc, cây thuốc lá được trồng chủ yếu ở các huyện Krông Bông, Ea Súp. Diện tích năm đầu chỉ khoảng 100ha, nhưng từ năm 2007, do cho thu nhập cao nên diện tích tăng vọt lên vài trăm héc-ta. Đến năm 2009 giá lá thuốc khô đã sấy loại 2 đạt tới 57.000 đồng/kg, bình quân năng suất đạt 3 tấn lá khô/ha, trừ chi phí sản xuất, người trồng thuốc lá còn lãi từ 70 đến 80 triệu đồng/ha. Thời vụ trồng thuốc lá từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau cho thu hoạch. Đây là thời điểm đất thường để hoang, nông dân lại nhàn rỗi, vì vậy khi giá cao, năm 2010 diện tích gieo trồng thuốc lá tăng vọt lên đến hơn 1.000ha. Diện tích tăng mạnh, nhưng do khâu chăm sóc không đúng kỹ thuật, thời tiết lại nắng nóng khô hạn kéo dài khiến cho năng suất giảm, chỉ đạt từ 2 đến 2,2 tấn/ha, tổng sản lượng lá thuốc khô đạt khoảng 2.100 tấn. Hiện giá thu mua trên thị trường tự do từ 24.000 đến 25.000 đồng/kg thuốc lá đã sấy khô. Tổng thu nhập 1ha được khoảng 50 triệu đồng, trong khi đó chi phí đầu tư sản xuất 80 đến 90 triệu đồng/ha, bình quân mỗi héc-ta thuốc lá người sản xuất thua lỗ 30 đến 40 triệu đồng. Với 1.000ha, nông dân Đắc Lắc lỗ khoảng 35 tỷ đồng. Đó là chưa kể khoản tiền không nhỏ người dân đầu tư xây dựng khoảng 500 lò sấy thuốc, bình quân chi phí xây dựng từ 35 đến 50 triệu đồng/lò. Ông Phạm Phú Thiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông cho biết: Năm 2010, toàn huyện trồng hơn 700ha thuốc lá, gấp đôi so với quy hoạch cũng như so với diện tích các doanh nghiệp thu mua đăng ký đầu tư và bao tiêu sản phẩm, dẫn tới sản phẩm làm ra bị dư thừa. Thêm vào đó giá thu mua thuốc lá khô trên thị trường năm nay lại xuống quá thấp, khiến cho cả doanh nghiệp và nông dân cùng khốn đốn. Theo phản ánh của ông Bùi Duy Đề, cán bộ kỹ thuật Doanh nghiệp tư nhân Nguyên Phương: Diện tích cây thuốc lá tăng vọt, trong khi các doanh nghiệp chỉ đủ năng lực đầu tư, hướng dẫn nông dân trồng và chăm sóc diện tích đã ký hợp đồng, phần diện tích tự phát người dân chăm sóc không đúng kỹ thuật, nên sản phẩm làm ra kém chất lượng, tỷ lệ thải loại chiếm tới 5 đến 10%. Hiện giá bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp từ 27 đến 30.000đồng/kg thuốc lá đã sấy khô (bằng nửa giá bán năm 2009). Đã vậy, khi giá sản phẩm xuống quá thấp, nông dân thua lỗ, lại vi phạm hợp đồng đã ký với doanh nghiệp. Nhiều hộ không chịu giao nộp sản phẩm, mà bán ra thị trường tự do (dù giá bán thấp hơn) để khỏi phải khấu trừ khoản tiền doanh nghiệp đầu tư ứng trước. Doanh nghiệp tư nhân Nguyên Phương, năm 2010 ký hợp đồng đầu tư bao tiêu sản phẩm với 150 hộ dân, trên diện tích 93ha. Doanh nghiệp ứng đầu tư cho nông dân khoảng 35 đến 40 triệu đồng/ha, tổng vốn doanh nghiệp đã ứng cho nông dân trong vụ này là hơn 3,5 tỷ đồng. Với diện tích 93ha đã ký kết hợp đồng, thì sản lượng thuốc lá sấy khô đơn vị cần thu mua khoảng 250 tấn. Nhưng do nhiều hộ nông dân trốn giao nộp sản phẩm cho doanh nghiệp, nên hiện đơn vị mới chỉ thu mua được 70 tấn (!). Nếu không thu mua hết số sản phẩm trên phần diện tích đã ứng vốn đầu tư, thì doanh nghiệp này phải gánh món nợ vay ứng trước cho nông dân lên đến hàng tỷ đồng. Đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ tịch UBND phụ trách nông-lâm nghiệp xã Hòa Lễ, địa phương trồng nhiều thuốc lá nhất tỉnh Đắc Lắc khẳng định: Năm 2010, kế hoạch huyện chỉ đạo toàn xã Hòa Lễ trồng 100ha thuốc lá, nhưng bà con trồng tới 280ha. Chất lượng sản phẩm thấp, giá bán hạ nên nông dân xã Hòa Sơn thua lỗ nặng, đang phải nợ ngân hàng hơn 10 tỷ đồng, chưa kể khoản nợ ứng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp và khoản vay nóng ngoài thị trường tự do. Phát triển ồ ạt không theo quy hoạch, chăm sóc không đúng quy trình kỹ thuật làm cho sản phẩm vừa dư thừa, vừa kém chất lượng - phong cách làm ăn này đã dẫn tới tình trạng người trồng thuốc lá ở Đắc Lắc lao đao, thua lỗ. Thực trạng này đã từng xảy ra với nhiều loại cây trồng khác. Để xảy ra tình trạng trên, có một phần lỗi không nhỏ từ phía chính quyền, nhất là ngành nông nghiệp đã buông lỏng khâu tuyên truyền, quản lý, quy hoạch, gây tác động tiêu cực cho phát triển kinh tế. Bài và ảnh: Kiều Bình Định

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/2/97/97/113530/Default.aspx