Nông dân vùng sâu cần cảnh giác

Ông Hoàng Thái Dương - Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết, công tác kiểm tra, xử lý phân bón giả, kém chất lượng hiện đang gặp khó. Theo quy định, ngành chức năng muốn có cơ sở xử phạt khi DN kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng phải căn cứ vào thông tin công bố trên bao bì và đối chứng kết quả lấy mẫu phân tích.

Cụ thể, nếu hàm lượng phân bón thấp hơn 70% so với công bố trên bao bì sẽ đưa vào hàng giả và trên 70% là hàng kém chất lượng. “Chúng tôi chưa phát hiện phân bón giả tại Đắk Lắk nhưng ghi nhận nhiều trường hợp doanh kinh doanh phân bón kém chất lượng hoặc giả thương hiệu nổi tiếng để qua mắt người tiêu dùng” - ông Dương thông tin.

Trong năm 2016, Sở NN&PTNT Đắk Lắk đã kiểm tra 70 cơ sở cung cấp phân bón và giống cây trồng, qua đó lấy 57 mẫu để phân tích, xét nghiệm. Kết quả phát hiện 10 mẫu kém chất lượng, 3 mẫu vi phạm về nhãn mác. Đầu năm 2017 đến nay, ngành nông nghiệp Đắk Lắk cũng tiến hành lấy mẫu phân bón.

Dù cơ quan chức năng thông tin thực trạng phân bón giả tràn lan xuất phát từ tâm lý lo lắng của người dân nhưng nông dân vẫn có quyền băn khoăn về công tác kiểm tra, xử lý và chất lượng thật sự của các loại phân bón trên thị trường hiện nay. Bởi nếu sử dụng phân không đúng công bố trên bao bì thời gian dài chẳng những ảnh hưởng năng suất mùa vụ mà xa hơn sẽ gây suy giảm chất lượng các thương hiệu nông sản của vùng Tây Nguyên như hồ tiêu, cà phê, sầu riêng…

Tiến sĩ Trương Hồng - quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên - cho rằng, bên cạnh khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ thì quá trình sản xuất, người dân cần sử dụng phân bón để giúp cây trồng tăng cường sức chịu bệnh, tăng năng suất… Theo ông Hồng, quá trình sản xuất nông dân sử dụng phân bón giả, kém chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, hiệu quả kinh tế và tác hại nhiều vụ mùa sau.

Ông Hồng nhận định, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý các loại phân bón giả, kém chất lượng, thì chính người dân phải là người tiêu dùng thông minh; chọn thương hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng… “Thông thường phân bón giả, kém chất lượng thường rơi vào những trường hợp doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, lẻ… Những doanh nghiệp này lựa chọn khu vực vùng sâu, vùng xa để quảng bá, tiếp thị hoặc bán… trả góp tiền mua phân bón nên nông dân cần lưu ý” - tiến sĩ Hồng nói.

Hai tàu cá xa bờ bị thiêu rụi trong đêm

Ngày 10.9, Phòng CS PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, vào lúc 1h cùng ngày, hai tàu cá đang neo tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Việt (thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong) bốc cháy dữ dội. Được biết, hai tàu cá trên là tàu gỗ, có số hiệu Qng 92052 TS và Qng 92391 TS do ông Phạm Văn Lâu, trú tại tỉnh Quảng Ngãi làm chủ tàu.

Khi nhận được tin báo, lực lượng CS PCCC đã huy động lực lượng, phối hợp cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Việt làm công tác chữa cháy. Phải 4h sau, ngọn lửa mới bị dập tắt, tại hiện trường, hai chiếc tàu công suất khoảng 450CV bị thiêu trụi.

Hữu Long

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cau-chuyen-quan-ly/nong-dan-vung-sau-can-canh-giac-563846.ldo