'Nóng' đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Loay hoay tìm 'kế sách khả thi'

“Theo tôi, chưa nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với nhóm trực tiếp lao động sản xuất”, ông Đặng Quang Điều, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN nói.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu phương án tăng tuổi nghỉ hưu, để đề xuất Chính phủ đưa vào dự thảo luật Lao động (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội năm 2017.

Với đề xuất lần này, bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang thể hiện 2 phương án để xin ý kiến. Phương án 1: Giữ như hiện hành nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi.

Phương án 2: Tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60, tăng theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu được vận hành... “mượt mà”, không gây xáo trộn mạnh đến việc bố trí và sử dụng lao động.

Dự kiến, bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ vào tháng 1/2017 và tháng 4/2017 sẽ trình Quốc hội dự án Luật.

Ông Đặng Quang Điều: "chưa nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với nhóm trực tiếp lao động sản xuất". Ảnh: Internet

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Đặng Quang Điều, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Chính sách kinh tế - xã hội và thi đua khen thưởng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra ý kiến: “Theo quan điểm của riêng tôi, việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động cần tính đến đặc điểm của từng nhóm khác nhau để xem xét vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu. Ví dụ, đối với lao động khu vực hành chính, lao động ở khu vực sự nghiệp có thể tăng tuổi nghỉ hưu cho hợp lý, còn với người lao động ở khu vực trực tiếp lao động sản xuất thì phải tính toán kỹ hơn. Và theo tôi, chưa nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với nhóm trực tiếp lao động sản xuất”.

Về việc bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu được vận hành “mượt mà”, không gây xáo trộn mạnh đến việc bố trí và sử dụng lao động, theo ông Điều không cần thiết phải chia nhỏ như vậy, mà nên chăng 3 năm hay 5 tăng lên 1 tuổi. Lý giải cho ý kiến này, ông nói: “Việc tăng như này thuận cho tất cả các khâu như nâng lương, đóng BHXH, BHYT... Tăng thêm 3 tháng thì làm được thêm cái gì, theo tôi không nên chia nhỏ như đề xuất”.

Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu, đoàn ĐBQH Hà Nội nhấn mạnh: “Việc tăng tuổi nghỉ hưu, chúng ta phải tính đến rất nhiều yếu tố. Thứ nhất là căn cứ vào điều kiện lao động, sức khỏe của người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Đặc biệt, chúng ta phải đặt trong điều kiện đang thực hiện giảm biên chế và trong yêu cầu của tinh giản biên chế hiện nay là cho bộ máy gọn đi trong mối quan hệ với lực lượng lao động, trẻ, khỏe có năng lực, được đào tạo rất bài bản. Họ ra trường thì vấn đề công ăn, việc làm của họ như thế nào. Cùng với đó, chúng ta phải tính toán đến những khu vực lao động rất khác nhau”.

Theo quan điểm của ĐBQH Ngọ Duy Hiểu, trên thực tế, nhiều người lao động mong muốn nghỉ hưu sớm vì công việc cực nhọc cần sớm được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực do tính chất đặc thù, họ có thể tiếp tục cống hiến. Cùng với đó, chúng ta phải tham khảo các nước có điều kiện tương tự Việt Nam, phải tính toán các yếu tố tác động đó rất kỹ lưỡng”.

Một trong các lý do được đưa ra, theo cơ quan soạn thảo, nếu cứ giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì quỹ hưu trí, tử tuất không đảm bảo trong dài hạn, ông Điều nhấn mạnh: “Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì lý do theo tôi là sử dụng có hiệu quả nguồn lao động để đóng góp vào sự phát triển KT-XH. Bởi thực tế, hiện nay rất nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Đó là nguồn lực dồi dào, mạnh khỏe đang ngồi chờ thì làm sao lại trình lý do này”.

Trước đây, việc nâng tuổi nghỉ hưu đã được đề xuất rất nhiều trước đó nhưng đều phải bỏ do vấp phải phản ứng của xã hội, đặc biệt là khu vực lao động nặng nhọc. Gần đây nhất, năm 2014, trong dự thảo luật BHXH (sửa đổi) 2014 cũng tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 58 tuổi, nam lên 62 tuổi và định hướng tuổi nghỉ hưu của nam và nữ như nhau nhưng đến khi dự thảo trình ra QH thảo luận và thông qua, đề xuất này đã không được đưa vào.

Đỗ Thơm – Vi Hậu

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nong-de-xuat-tang-tuoi-nghi-huu-loay-hoay-tim-ke-sach-kha-thi-a309920.html