Nóng: Diễn biến mới về cơn bão số 4

Dự kiến trong sáng nay (13/9), bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đêm 12/9, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã có mưa rất to, nhiều điểm trên 200mm như: Tiên Sa (Đà Nẵng), Tam Kỳ (Quảng Nam) 200mm; An Chỉ, Sông Vệ (Quảng Ngãi) 230mm; Hoài Nhơn (Bình Định) 240mm; Bồng Sơn (Bình Định) 270mm…

Về diễn biến của bão số 4, tính đến khoảng 23h ngày 12/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp giật cấp 9-11. Theo dự báo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc tiến vào vùng biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng.

Tại TP Đà Nẵng, nhiều cây xanh bật gốc

Dự kiến trong sáng nay (13/9), bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh miền Trung tiếp tục có gió mạnh, biển động mạnh và suy yếu dần từ tâm bão trở ra.

Cũng theo dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với đới gió Đông Bắc nên khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có khả năng cao xảy ra mưa dông kèm lốc xoáy và gió giật mạnh.

Theo ghi nhận trực tiếp của PV tại TP Huế, TP Đà Nẵng vào lúc 0h ngày 13/9, mưa vẫn lớn kèm theo gió mạnh dần.

Đường đi và vị trí bão. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn T.Ư

Tại khu vực Quảng Nam, mưa lớn cũng đang xuất hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh. Thành phố Tam Kỳ mưa đang dần nặng hạt, nhiều tuyến đường có nguy cơ ngập úng. Để đối phó với cơn bão số 4, UBND tỉnh Quảng Nam đã có nhiều công điện khẩn yêu cầu các ngành chức năng lên các phương án chuẩn bị.

Thượng tá Trần Văn Ba, Trưởng Đồn Biên phòng Cửa Đại (Quảng Nam) cho hay: Chiều và tối ngày 12/9, cán bộ đồn đã sẵn sàng túc trực 24/24 để đón và đưa tàu ngư dân vào bờ an toàn. Bởi tính đến thời điểm chiều cùng ngày, vẫn còn hơn 400 tàu đánh bắt hải sản ở ngoài biển của tỉnh Quảng Nam, với gần 4800 lao động vẫn chưa vào bờ neo đậu.

Để kịp thời sẵn sàng cứu người, cứu tài sản khi có thiên tai xảy ra, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã tổ chức triển khai đồng bộ với nhiều biện pháp nhằm chủ động đối phó với mọi tình huống.

Quảng Nam có gió rất mạnh, thiệt hại ban đầu chưa thể thống kê

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động ứng phó kịp thời với bão lũ.

Theo đó, công điện yêu cầu huy động tất cả mọi lực lượng, phương tiện và mọi biện pháp để chủ động ứng phó; phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và các đơn vị liên quan trên địa bàn chỉ đạo thực hiện khẩn trương, đồng bộ các biện pháp phòng, chống. Sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân triệt để đến nơi an toàn. Công điện chỉ đạo khẩn trương tổ chức các biện pháp thu hoạch lúa vụ Hè Thu; di chuyển các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản đến nơi an toàn.

Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho học sinh nghỉ đến trường ngày 13/9 để tránh bão.

Để đối phó với cơn bão số 4, lãnh đạo TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vừa có công văn chỉ đạo cho phép học sinh nghỉ học trong ngày hôm nay (13/9).

2h sáng 13/9, tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9. Cù Lao Chàm (Đà Nẵng), Lăng Cô (Huế) có gió giật mạnh cấp 8. Tại Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi, bao gồm cả Cù Lao Chàm và huyện đảo Lý Sơn) cấp 7-8, giật cấp 9-11; sóng biển cao 3-4 mét, biển động mạnh.

Tại TP Đà Nẵng bão đã làm nhiều cây xanh bị ngã đổ, nhà cửa tốc mái, cột điện bị đổ. Tuy nhiên, mọi thiệt hại do bão số 4 gây ra chưa thống kê được.

Trước đó, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ, khoảng 12h30 ngày 12/9, hai tàu của ngư dân Quảng Ngãi đang trên đường về Cửa Đại tránh trú đã bị sóng đánh chìm.

Hai tàu của ngư dân Quảng Ngãi đang trên đường về tránh bão đã bị sóng đánh chìm.

Hai tàu bị chìm là QNg TS 44627 của ông Nguyễn Ka và tàu QNg TS 92936 của ông Phạm Văn Hùng đều ở xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi. Trong đó, tàu QNg TS 92936 có công suất 380 CV đã bị sóng đánh gần như gãy làm đôi.

May mắn, 6 lao động trên 2 tàu đều an toàn

Nhâm Thân - Quốc Hoàn

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nong-dien-bien-moi-ve-con-bao-so-4-a257941.html