Nóng lòng chờ dỡ bỏ trần giá vé máy bay

Dù Thông tư liên tịch 103 của Bộ Tài chính và Bộ GTVT về việc bỏ giá trần đối với những đường bay có từ hai hãng trở lên khai thác có hiệu lực từ tháng 12/2008, nhưng đến nay vẫn chưa thể áp dụng vì vướng… luật.

Việc dỡ bở giá trần sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) chủ động trong chính sách giá, nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh tốt. Thế cho nên nhiều hãng hàng không nóng lòng được thực hiện chính sách thông thoáng này. Thông tư “đá” luật Giám đốc một hãng hàng không cho rằng quy định giá vé trần trong những năm qua khiến hầu hết hãng hàng không khai thác các đường bay nội địa lỗ nặng, trừ những hãng quản lý tốt chi phí, chất lượng dịch vụ cao, có uy tín thương hiệu. “Gánh nặng lỗ đường bay nội địa không cho phép các hãng hàng không Việt Nam mạnh dạn cạnh tranh với các hãng nước ngoài, nên rất dễ mất dần thị phần”, vị giám đốc này lo ngại. Đến nay, đã có 9 đơn vị đăng ký điều chỉnh giá theo tinh thần của Thông tư 103. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh Yến, Giám đốc văn phòng khu vực miền Nam, hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airline), hiện DN vẫn chưa có kế hoạch về việc điều chỉnh giá vé bởi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ban hành năm 2006 bắt buộc phải có giá trần, nên chưa thể áp dụng thông tư vì nó “đá” luật. Ông Lưu Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cũng xác nhận, việc chậm trễ trong dỡ bỏ giá trần là do vướng luật. Hiện Chính phủ đã đồng ý giao Bộ GT-VT báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhưng vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi. Nếu không có ý kiến của UBTVQH, các hãng hàng không phải chờ sửa luật. Trong văn bản gửi UBTVQH, Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng cho rằng việc liên bộ xây dựng và ban hành Thông tư 103 đảm bảo tính thống nhất, không chồng chéo giữa Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh Giá và các văn bản pháp luật liên quan. Sẽ có thêm nhiều vé giá rẻ Theo quan điểm của ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc hãng hàng không Jetstar Pacific, khi giá trần được bỏ, giá vé các chuyến bay trong giờ cao điểm sẽ tăng cao hơn giá trần hiện nay. Ngược lại, giá vé giờ thấp điểm sẽ giảm, từ đó số lượng chỗ dành cho vé giá rẻ sẽ tăng, kích thích thị trường tăng trưởng, làm cho nhu cầu đi lại trên hai chiều cân bằng. Ông Nam tính toán, giá vé trong các giờ cao điểm có thể sẽ tăng lên 3,5 triệu đồng/vé/chiều (giá vé trần quy định không được quá 1,7 triệu đồng mỗi vé cho một chặng Hà Nội - TP HCM và ngược lại), nhưng những ngày thấp điểm thì giá vé có thể chỉ còn 15.000 đồng. Sức ép tăng chuyến bay gấp nhiều lần so với ngày thường và số lượng chuyến bay vắng khách giữa các sân bay phía Bắc và phía Nam sẽ giảm xuống, tiết kiệm cho DN và xã hội. “Khi bỏ giá trần, việc bay tăng chuyến không còn là gánh nặng đối với các hãng hàng không mà trở thành cơ hội kinh doanh. Ngoài ra, bỏ giá trần thì số lượng chỗ dành cho giá vé rẻ sẽ tăng lên nhiều so với hiện nay”, ông Nam cho biết. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cũng đồng tình với việc bỏ giá trần vé máy bay để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường này, từ đó người tiêu dùng sẽ có điều kiện tiếp cận với những dịch vụ, giá vé tốt nhất. Tuy nhiên, ông Doanh lưu ý, trong điều kiện Vietnam Airline vẫn đang chiếm thị phần chi phối thì Nhà nước nên có những biện pháp giám sát để tránh xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. “Hiện tượng tăng giá quá cao sẽ không xảy ra vì bị yếu tố cạnh tranh cản trở, đồng thời việc tăng giảm giá sẽ được DN tính toán kỹ, phù hợp với nhu cầu khách hàng từng giai đoạn”, ông Doanh nói.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/kinhte/Nong-long-cho-do-bo-tran-gia-ve-may-bay/200910/64193.datviet