Nông nghiệp công nghệ cao góp phần hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn

Ngày 2-12, tại TP Đà Lạt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo 'Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn'.

Sản xuất rau thủy canh tại trang trại Phong Thúy, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.

NDĐT - Ngày 2-12, tại TP Đà Lạt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn”.

Hơn 200 đại biểu đại diện bộ, ngành trung ương; các tỉnh, thành phố có nền nông nghiệp phát triển trong cả nước; cùng các doanh nghiệp, nhà nông ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tham dự hội thảo.

Nông nghiệp có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là hướng đi tất yếu. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thuộc chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, đạt mức tăng trưởng hàng năm hơn 3,5%, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Thời gian qua, các đề tài, dự án thuộc chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đều tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhằm mang lại giá trị gia tăng cao. Đặc biệt là sản xuất rau, quả ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động phục vụ xuất khẩu; công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp cung cấp dinh dưỡng cho cây; công nghệ sản xuất rau, hoa trong nhà kính chủ động thời tiết, với hệ thống kiểm soát độ ẩm, ánh sáng tự động…

Hiện, cả nước có hai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Hậu Giang và Phú Yên; ba địa phương là: Thái Nguyên, Thanh Hóa và Lâm Đồng thuộc quy hoạch tổng thể đã xây dựng đề án thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao; 25 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đã có hàng nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao từ trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp, nhà nông trong cả nước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng: “Thời gian qua, các địa phương, doanh nghiệp rất chủ động, sáng tạo, tìm tòi các biện pháp thúc đẩy phát triển công nghệ cao. Đến nay đã khẳng định được ưu thế của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cả về khía cạnh phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và xã hội hóa sâu rộng. Đây là những tín hiệu tốt, tạo diện mạo mới cho nền nông nghiệp Việt Nam, xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại trong thời gian tới”.

Sản xuất hoa lan công nghệ cao tại công ty Trường Hoàng, Đơn Dương, Lâm Đồng.

Sản xuất hoa lan công nghệ cao tại công ty Trường Hoàng, Đơn Dương, Lâm Đồng.

Riêng tại Lâm Đồng, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là tỉnh đi đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện, Lâm Đồng có hơn 49 nghìn ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, hơn 21 nghìn ha rau, hoa, cây đặc sản ứng dụng tưới phun tự động; 50 ha hoa, dâu tây áp dụng công nghệ cảm biến, tự động đồng bộ; 6,5 ha rau thủy canh và 41 ha canh tác trên giá thể; hơn 2.200 ha chè ứng dụng hệ thống đồng bộ hệ thống tưới, bón phân tự động; 18.781 ha cà phê ứng dụng công nghệ cao được chứng nhận 4C, UTZ, Rainforest…

Theo đánh giá mới đây của địa phương, năng suất bình quân nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng đến 50% so với sản xuất thông thường, đạt từ 200 đến 300 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 11 nghìn ha đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm; trong đó, 700 ha đạt từ một đến ba tỷ đồng và 10 ha cho doanh thu hơn ba tỷ đồng trên một ha mỗi năm. Hiện, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Lâm Đồng. “Đến nay, có thể khẳng định nông nghiệp công nghệ cao đã tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng, tỷ trọng xuất khẩu chiếm tỷ lệ 80%. Lâm Đồng có tám doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 30% trên cả nước. Nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Lâm Đồng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, cho biết.

Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao cả nước nói chung và tại Lâm Đồng vẫn tồn tại một số hạn chế như: tổ chức sản xuất chưa đồng bộ, giá trị sản xuất chưa cao; khoa học công nghệ chưa phát huy vai trò động lực, là đòn bẩy trong sản xuất, sự gắn kết giữa khoa học công nghệ và hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều bất cập. Công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật chưa theo kịp yêu cầu thực tế; sản xuất nông nghiệp còn bị tác động điều kiện ngoại cảnh.

Sự hỗ trợ của nhà nước trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế. Nhà nông và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn thiếu vốn đầu tư. Việc xây dựng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn quốc và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đáp ứng kế hoạch đề ra…

Theo Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt G.A.P Lê Văn Cường: “Có thể khẳng định, nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng và một số tỉnh, thành phố trong nước phát triển rất tốt, nhưng sự hỗ trợ của nhà nước mới ở mặt tinh thần, còn vật chất chưa có, kể cả hỗ trợ về lãi suất vay ngân hàng, nhập khẩu thiết bị, giống mới… Những chính sách từ trung ương về đến địa phương là quãng đường khá dài”.

Thời gian qua, việc liên kết “bốn nhà” trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao còn là câu chuyện dài, sự “đánh đồng” giữa nông sản công nghệ cao và nông sản sản xuất kiểu truyền thống trên thị trường, khiến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp gặp khó khăn. “Hiện, việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn nhiều hạn chế. Sản phẩm rau VietGAP đang được thị trường tiêu thụ ngang bằng rau truyền thống, gây khó khăn cho đơn vị sản xuất”, Giám đốc HTX Tiến Huy (Đức Trọng, Lâm Đồng), ông Võ Tiến Huy, bộc bạch.

Nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong cả nước, thời gian tới, ngành nông nghiệp đặt ra các giải pháp như: tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; chính sách hợp tác công - tư, liên kết tổ chức khoa học - công nghệ với doanh nghiệp; xây dựng chuỗi liên kết bền vững giữa nhà nông với doanh nghiệp; tăng cường vốn đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao năng lực các tổ chức nghiên cứu khoa học - công nghệ ứng dụng vào nông nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh phát triển thị trường… Với mục tiêu, phát triển nền nông nghiệp đồng bộ, hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và sự phát triển kinh tế đất nước.

Sản xuất chè ô long xuất khẩu tại vùng chè Cầu Đất, Đà Lạt.

MAI VĂN BẢO

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31441502-nong-nghiep-cong-nghe-cao-gop-phan-hien-dai-hoa-nong-nghiep-nong-thon.html