Nông nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức trong AEC

Nhập khẩu từ các nước ASEAN chiếm 20% tổng nhập khẩu, trong khi đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này chỉ chiếm 10%.

Tại Hội thảo quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững trong hội nhập ASEAN diễn ra sáng 15/9,Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập nhằm tạo lập thị trường, cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, thúc đẩy dòng trung chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư…AEC là nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới, với 600 triệu người, GDP hơn 2.000 tỉ USD.

Hội thảo quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững trong hội nhập ASEAN

Theo đánh giá, Hội nhập ASEAN nói riêng và hội nhập kinh tế nói chung đã mang lại cơ hội đáng kể cho nông dân, nông nghiệp trong việc mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, trao đổi công nghệ nhưng hội nhập cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, nông dân là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Theo TS. Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn), AEC tạo ra cơ hội thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam 10 năm qua liên tục tăng nhưng từ năm 2014 cán cân thương mại đã bắt đầu thay đổi. Nhập khẩu từ các nước ASEAN chiếm 20% tổng nhập khẩu, trong khi đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này chỉ chiếm 10%.

“Chúng ta luôn đảm bảo cán cân thương mại thặng dư với ASEAN nhưng từ 2013- 2014, cán cân thương mại âm vì chúng ta nhập khẩu nhiều hơn. Nhập khẩu chủ yếu từ các nước như Lào, Indonesia…”, TS. Khôi cho biết.

Việt Nam nhập khẩu nhiều gỗ nguyên liệu từ Lào. Từ năm 2012 đến nay, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu nhiều đường của Thái Lan và có xu hướng nhập khẩu gạo chất lượng cao, giá cao. Dù khối lượng nhập khẩu ít nhưng giá cao nên giá trị nhập khẩu lớn. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu các mặt hàng nhạy cảm từ ASEAN như lá thuốc lá, muối, trứng, đường.

Còn các nông sản chủ lực của Việt Nam như gạo được xuất khẩu chủ yếu sang Philippine; cao su sang Malaysia; hàng thủy sản sang Thái Lan, Singapore….

TS. Khôi cho biết, theo cam kết cắt giảm thuế quan của Việt Nam trong AEC: Năm 2015, tổng số 1539 dòng thuế nông sản và thủy sản thì có 1434 dòng thuế đã về 0%: 123 dòng thuế ở mức 5% hoặc chưa cam kết cắt giảm; 89 dòng thuế giữ ở mức 5%, chủ yếu là gia cầm chặt mảnh tươi hoặc ướp lạnh, phụ phẩm (cánh, đùi, gan), trứng gia cầm, cà phê Arabica, gạo Thái Hom-mali, quả có múi, đường (đường củ cải, đường mía, cả thô và tinh luyện); 34 dòng thuế không cam kết cắt giảm.

Đến năm 2018 còn 55 dòng thuế giữ mức 5% (cà phê Arabica, đường củ cải phải giảm xuống 0%) và tiếp tục duy trì 34 dòng thuế chưa cam kết cắt giảm. Lâm sản và đồ gỗ: 149 dòng thuế phần lớn đã giảm xuống mức 0%, chỉ còn 9 dòng sản phẩm đồ gỗ và nội thất là duy trì mức 5% năm 2015 và toàn bộ về 0% năm 2018.

Các mặt hàng đang áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) như đường, trứng, muối và lá thuốc giá sẽ phải bỏ hạn ngạch trong ASEAN từ 2018 và sẽ áp dụng mức thuế suất 0 – 5%.

Theo ông Khôi, hiện nay các dòng thuế của ASEAN đã rất thấp, nhìn chung ở mức 5%. Chỉ còn một số quốc gia chậm phát triển còn có mức thuế có dư địa cắt giảm.

Trước những cam kết trong AEC, Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu gạo sang Philippine, Malaysia, Indonexia; rau quả sang Campuchia, Myanmar, …Nhập khẩu lá thuốc lá phục vụ cho sản xuất thuốc lá trong nước

Tuy nhiên cũng phải đối mặt với những thách thức như tăng sức ép cạnh tranh với nông lâm thủy sản nhập khẩu (Thái Lan, Lào …), đặc biệt các ngành hàng nhạy cảm (khi phải dỡ bỏ việc áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) với trứng, muối, đường năm 2018) nguy cơ thu hẹp sản xuất; Tăng cạnh tranh với đối thủ lớn khác như Thái Lan trong xuất khẩu gạo, rau quả, thủy sản.

“Khi gia tăng sức ép với nông sản nhập khẩu đặc biệt là các đối thủ lớn như Thái Lan. Khi các mặt hàng nhạy cảm bị dỡ bỏ cả hạn ngạch, thuế chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chúng ta sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ lớn khác như Thái Lan- cường quốc xuất khẩu gạo, rau quả.”

Bên cạnh đó là những thách thức cam kết SPS (nhằm tránh 4 nguy cơ: xâm nhập lây lan dịch bệnh, thực phẩm không an toàn, bệnh truyền qua động vật, bệnh truyền qua cây trồng) hay cam kết TBT. Những cam kết này thúc đẩy xây dựng và áp dụng quy trình sản xuất và chế biến VietGAP, ASEAN GAP, Global GAP hoặc Euro GAP, HACCP, phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu, làm tăng khả năng cạnh tranh và giá trị NLTS của Việt Nam.

Tuy nhiên, nó cũng khiến Việt Nam đối mặt với những thách thức trong việc thực thi các quy định VSATTP trong khi trong nước chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, cạnh tranh về chất lượng thấp.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam là quốc gia có lợi thế về nông nghiệp: vị trí kinh tế, địa lý thuận lợi cho vận chuyển bằng đường bộ, đường không, đường thủy; Lực lượng lao động cần cù, có truyền thống; Nông dân VN có truyền thống sản xuất nông nghiệp…Nhưng nông nghiệp hiện đang bộc lộ nhiều bất cập như tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, phát triển chưa bền vững, có biểu hiện chậm, sức cạnh tranh thấp.

Chính vì thế thông qua hội thảo này ông mong muốn có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước, có các giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Diệu Thùy

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nong-nghiep-viet-nam-doi-mat-voi-nhieu-thach-thuc-trong-aec-post209175.info