"Nóng" những đòi hỏi chất lượng dân sinh trên diễn đàn QH

"Báo động đỏ về lãng phí, thất thoát", đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Như Tiến đã nêu như vậy và cho rằng hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản đang bộc lộ nhiều bất cập từ khâu cấp phép đến quản lý, khai thác, sử dụng.

Hàng loạt những vấn đề nóng, bức xúc của dân sinh, của nền kinh tế đã được các đại biểu đưa ra khiến phiên họp toàn thể ngày 27/5 của Quốc hội trở nên sôi động. Nhiều vấn đề bức xúc, lo ngại được bày tỏ, nhưng đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành qua những giải pháp và kết quả cụ thể về KT-XH những tháng đầu năm 2010. Thất thoát, lãng phí còn nhiều "Báo động đỏ về lãng phí, thất thoát", đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Như Tiến đã nêu như vậy và cho rằng hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản đang bộc lộ nhiều bất cập từ khâu cấp phép đến quản lý, khai thác, sử dụng. Thất thoát, lãng phí, tài nguyên, môi trường bị tàn phá ở một số nơi đã kéo theo những hệ lụy về mặt xã hội như tội phạm và tệ nạn xã hội, băng hoại về đạo đức, mất an ninh, an toàn xã hội. "Top gây lãng phí, thất thoát lớn có lẽ là lĩnh vực đất đai, theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường chúng tôi có được trong tay, có 3.311 tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích, để hoang hóa, lãng phí với diện tích 25.587,82ha. Sau 1 năm với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của các địa phương cũng chỉ thu hồi được 4.731 ha, bằng 1/5 diện tích. Đến cuối năm 2009, trên cả nước có 1.763 trường hợp quy hoạch treo và dự án treo với tổng diện tích là 110.447ha. Sau 1 năm xử lý vẫn còn trên 20.000ha đất dự án treo với 1.000 khu "đất vàng, đất ngọc" hiện còn đang treo lơ lửng như thách thức các cơ quan quản lý, kéo theo hàng trăm nghìn tỷ đồng giá trị đất đang bị chôn vùi trong đất". Đại biểu cũng cho rằng lãng phí thất thoát còn xảy ra trong quản lý điện năng với mức khoảng 11 - 15% tổng lượng điện cả nước. Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) phát biểu tại Quốc hội ngày 27/5. Nhiều ý kiến đại biểu cũng bày tỏ lo ngại trước tình hình giá cả, nhiều mặt hàng bị đẩy giá lên quá mức, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị Chính phủ hết sức chú ý đến việc kiểm soát giá cả để không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân lao động. Bức xúc về những yếu tố xã hội thiếu lành mạnh Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến công tác giảm nghèo và việc giải quyết các vấn đề xã hội. Đặc biệt, khi kết quả năm 2009 cả 8 chỉ tiêu Quốc hội đặt ra không đạt đều thuộc lĩnh vực xã hội. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, các chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch là những chỉ tiêu ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Phân tích nguyên nhân các chỉ tiêu về xã hội được thực hiện kém hơn các chỉ tiêu về kinh tế, đại biểu Bùi Sĩ Lợi cho rằng một số chỉ tiêu được đặt ra chưa dựa trên cơ sở khoa học vững chắc và tình hình thực tế. Như chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 1,7 triệu lao động năm 2009 không đạt do chúng ta chưa cân nhắc một cách cụ thể về cơ sở của việc xác định kế hoạch, trong khi suy giảm kinh tế năm 2009 là điều đã được dự báo trước. Vấn đề đáng chú ý, theo đại biểu Lợi là hiện nay đang diễn ra một xu hướng tăng chênh lệch về giàu, nghèo và có sự phân hóa giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các nhóm dân cư, chênh lệch giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất có xu hướng ngày càng tăng - "Đề nghị Chính phủ sớm ban hành chuẩn nghèo mới cho giai đoạn tiếp theo hướng vào đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của con người và chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2010 - 2015, trong đó cần nỗ lực khắc phục cho được những hạn chế của giai đoạn vừa qua". ũng có lo ngại liên quan đến lĩnh vực xã hội, đại biểu Huỳnh Văn Tí - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng thực trạng đạo đức xã hội đã và đang xuất hiện những điều rất đáng lo ngại. "Đã đến lúc các cơ quan nhà nước, các cấp và toàn xã hội cần phải có thái độ nghiêm khắc, đúng mức, nhằm chặn đứng và đẩy lùi tình trạng này". Đại biểu đề nghị cần có chủ trương tiến hành một đợt khảo sát, đánh giá một cách đầy đủ, nghiêm túc xem điều gì đã xảy ra, đang xảy ra làm băng hoại đạo đức xã hội, mức độ của nó như thế nào, đối tượng nào là chủ yếu, nguyên nhân chính từ đâu để từ đó đặt ra giải pháp ngăn ngừa phù hợp, có hiệu quả. Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, các ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội sẽ được tiếp thu đầy đủ làm cơ sở để đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình và cuộc sống. Ý kiến chung của các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp về phát triển KT-XH; thúc đẩy sản xuất, thương mại, dịch vụ, kết hợp kiểm soát chặt chẽ về giá cả. Đồng thời quan tâm hơn nữa đến phát triển văn hóa, xã hội để đảm bảo phát triển bền vững

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/thoisu/2010/5/131417.cand