Nồng vị tỏi Phan Rang

Giữa cái nắng như chan lửa ngùn ngụt trên mặt cát, chúng tôi tìm đến vùng đất khô Ninh Thuận, nơi có vùng trồng tỏi nổi tiếng chỉ cách thành phố Phan Rang Tháp Chàm chừng 30 cây số về phía vịnh Vĩnh Hy và được biết, một phần không nhỏ diện tích trồng tỏi ở đây sẽ được thu hồi để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam theo qui hoạch. Mặc dù vậy, trước thềm những xáo trộn mới, nông dân vẫn cần mẫn với các loại cây gia vị tỏi, hành, ớt cắm trụ đã lâu đời trên xứ này để xây dựng nông thôn mới.

Cay nồng xứ tỏi

Vùng trồng tỏi và hành tím nổi tiếng của Ninh Thuận tập trung ở huyện Ninh Hải, gồm các xã Vĩnh Hải, Thanh Hải, Xuân Hải. Vụ tỏi chính vừa qua của Ninh Hải gặp biến cố mất mùa. Cả cánh đồng tỏi nhổ lên la liệt những búi tỏi tép rỗng và thối đen. Trước đó, năm 2011, gần 200ha tỏi đặc sản vừa xuống giống đã trôi ra biển theo cơn lũ. Sản lượng tỏi vớt vát và trồng lại sau đó đã sụt giảm đáng kể, làm khan hiếm thị trường, đẩy tăng giá tỏi đột biến. 3 năm liền, tỏi Ninh Hải lao đao vì những rủi ro không nằm ngoài nông sư, trong khi diện tích đất trồng tỏi trưng dụng cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đang nằm trong kế hoạch đền bù thu hồi mà tiến trình xây dựng nông thôn mới ngày càng gấp rút.

Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải nói với chúng tôi chắc như đinh đóng cột: “Người dân xã tôi sẵn sàng bàn giao nhanh nhất mặt bằng xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhưng còn thời gian cho vụ tỏi nào, thì vẫn phải làm đến cùng”. Thời điểm này, giữa cái nắng chang chang trên cát bỏng, nhiều người dân đang tranh thủ thu hoạch tỏi. Họ nhổ tỏi lên khỏi mặt cát, xoa bớt lá khô bám ngoài vỏ rồi tiếp tục phơi tỏi trên ruộng.

Một vài nắng như thế, mới cột tỏi lại thành cụm, phơi đến khi tỏi khô cong, tróc hết vỏ ngoài, giũ hết lá khô chỉ còn vài lớp vỏ lụa bám vào củ mới có được những củ tỏi thương phẩm. Ông Nguyễn Văn Liêm, một nông dân trồng tỏi lâu đời ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải tự hào nói về tỏi Ninh Hải: “Loại tỏi nổi tiếng là tỏi Phan Rang xưa nay chính được trồng ở đất này. Và cũng chỉ có nơi này, tỏi trồng trên đất pha cát sát bờ biển, gió thổi lồng lộng thoáng khí suốt ngày đêm ở các xã Vĩnh Hải, Thanh Hải thì tỏi mới có giá trị dược liệu. Tỏi ở đây vì thế cũng giàu i-ốt, nhiều vi chất kháng sinh, dầu và có tác dụng kháng chữa bệnh”.

Trên thị trường, tỏi Phan Rang được tính vào hàng đặc sản, đắt đỏ và khan hiếm hơn nhiều lần so với tỏi thường trồng ở các nơi khác và tỏi nhập từ Trung Quốc. Nếu trúng mùa, mỗi ha tỏi ở đây sẽ thu được trên 10 tấn, giá tỏi cũng đẩy lên 110 đến 150 ngàn đồng/kg. Nông dân trồng tỏi tự để giống cho mùa sau, vì thế, tỏi Phan Rang trải qua nhiều năm vẫn là giống tỏi địa phương bền bỉ, chịu được khí hậu khắc nghiệt, gió biển mặn có hơi muối và nắng cháy. Tỏi ở đây không thể mang đi trồng ở đất khác và ngược lại.

Thu hoạch tỏi ở Ninh Hải

Bài học “hú vía”

Kết thúc vụ tỏi năm nay, nông dân Ninh Hải đã được một phen hoảng hồn, tưởng mất trắng cả cánh đồng tỏi vì thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng. Những củ tỏi úng nước, tép nhỏ, lép và sản lượng sụt giảm. Đi qua những cánh đồng trồng tỏi, hành tím, chỗ nào cũng thấy nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật. Để có được cánh đồng tỏi năng suất từ 10 đến 13 tấn/ha, nông dân phải đầu tư trên dưới 50 triệu đồng, chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.

Nếu năm nào thất thoát giống phải mua lại, thì số vốn đầu tư bị phụ trội, tiền lãi càng ít hơn. Riêng xã Vĩnh Hải mỗi vụ trồng khoảng 50ha tỏi cho sản lượng tỏi khô tới 500 tấn, giá trị kinh tế gần 30 tỉ đồng. Nhưng để có được số lãi ròng trên mỗi sào ruộng cát, nông dân phải bỏ ra số đầu tư rất lớn, đôi khi chiếm tới già nửa sản lượng thu được, khiến cho vùng tỏi được tiếng là thu tiền tỷ nhưng thực ra chỉ là việc quay vòng vốn từ vụ này qua vụ khác, thêm thắt công lao động mà thôi.

Chị Ba Thạc gặp chúng tôi trên ruộng tỏi của gia đình. Chị cho biết, những ngày thu hoạch rộ, cả gia đình chị phải vào luôn ruộng tỏi để ngủ và làm việc. Vì mảnh ruộng quá gần bờ biển, nên năm ngoái, nước biển dâng lên làm úng, cả ruộng tỏi phải bỏ. Chị đang trồng dặm thêm một rẫy ớt hiểm để thu nhập thêm. Mảnh ruộng bị nước biển tràn lỡ vụ phải bỏ trắng khiến năm nay, chị bị thất thoát cụt cả vốn. “Tôi đang tính phải vay vốn Nhà nước qua Ủy ban xã hoặc là Hội Phụ nữ xã mà chưa biết thủ tục tín dụng thế nào” - Chị bày tỏ.

Qua câu chuyện của chị Ba Thạc, chúng tôi mới biết những nông dân trồng tỏi ở Thanh Hải, Vĩnh Hải hiện nay phần nhiều là những người không có đất. Họ thuê lại đất của người dân địa phương để bỏ công kiếm sống. Nhiều chủ đất là người dân tộc thiểu số không theo nghề trồng tỏi mà lại đi biển hoặc đi rừng săn bắt hái lượm sản vật. Đã phải trả một khoản phí thuê đất hàng năm cho chủ đất, lại phải đầu tư nặng vốn, những nông dân này chỉ vài vụ mất mùa là trắng tay.

Trương Thúy Hằng

Email Print Góp ý

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/353/353/15031/Nong-vi-toi-Phan-Rang-/bbp.aspx