NS Phó An My nói gì về cuộc chơi nghệ thuật Ta - Tây đầy mạo hiểm?

Thời gian gần đây, âm nhạc Việt đã xuất hiện xu hướng Ta - Tây kết hợp, người đi tiên phong trong lĩnh vực này là Phó An My. Chị đã có những bước đột phát rất táo bạo....

Chị có thể nói về cách lựa chon kết hợp giữa âm nhạc truyền thống Việt và dòng khí nhạc phương Tây? Động lực nào để chị đi một bước đi táo bạo khi cho âm nhạc truyền thống song hành cùng âm nhạc hiện đại?

Tôi thực hiện dự án này cách đây hơn 10 năm, trong một lần được mời đến festival quốc tế. Lúc đó tôi cũng trăn trở muốn đem đến đó một cái gì đó mang đậm tinh thần dân tộc Việt đến với họ. Trước đó, tôi cũng đã đi nhiều các vùng khác nhau, và cảm nhận những hồn cốt tinh túy trong văn hóa người Việt. Bản thân tôi lúc đó trộm nghĩ rằng, mình phải làm một cái gì đó với văn hóa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với giới trẻ. Trong khi âm nhạc phương Tây rất dễ thu hút giới trẻ Việt thì âm nhạc Việt lại rất khó tiếp cận.

Vì thế muốn họ nghe thì cũng phải thu hút họ đã. Với cách kết hợp đó nó tạo ra sự mới lạ. Hai dòng âm nhạc ấy nó gần như “đối thoại”, nói chuyện với nhau trên một câu chuyện, nhưng nó khác nhau về cách diễn giải. Tất cả những cảm xúc, hỉ nộ, ái, ố đều được thể hiện trong âm nhạc. Tôi có một ước mơ là giải thích cho bạn bè quốc tế biết linh hồn của âm nhạc Việt là cái gì. Cũng giống như Trung Quốc có Kinh kịch, Nhật Bản có kịch Nô… thế thì linh hồn âm nhạc Việt Nam nó là cái gì? Những dòng âm nhạc Tây phương nổi danh họ cũng hoàn toàn xuất phát từ dân ca, lấy dân ca làm nguồn gốc. Âm nhạc nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng đều thể hiện những văn hóa vùng miền, đi lên từ văn hóa đời sống. Sự kết hợp ấy sẽ làm cho cái hồn cốt của âm nhạc truyền thống được định hình trong mắt bạn bè quốc tế.

Với Phó An My, âm nhạc truyền thống hoàn toàn có thể song hành cung âm nhạc phương Tây.

Liệu rằng sự kết hợp này sẽ tạo ra sự lai tạp trong văn hóa?

Với cách kết hợp của tôi thì chẳng có gì là lai tạp cả. Bởi khi kết hợp tôi giữ nguyên vẹn âm nhạc truyền thống. Những sáng tác của tôi thì cũng đều trên nền tảng khí nhạc truyền thống. Khi mà mình nhắc đến chèo thì nó là chất âm nhạc cổ điển và mình dùng nó theo các thời kỳ khác nhau. Cũng như các sáng tác âm nhạc cận đại hay trung đại thì nó cũng đều có cái gốc từ âm nhạc cổ điển cả. Mình hoàn toàn không phá vỡ những gì nguyên bản của âm nhạc truyền thống mà chỉ khuếch tán nó lên.

Để cảm nhận thực sự về những sự kết hợp này cần đứng ngoài tác phẩm, thể loại, đó để nhìn vào nó, sòng phẳng như một người bạn. Tôi không hề phá vỡ những gì tinh túy của truyền thống mà chủ trọng đi vào giữ nguyên bản để hai thể loại có thể song hành, đối thoại cùng nhau. Đây là một sự kết hợp bình đẳng, nâng đỡ nhau, sử dụng hai ngôn ngữ nghệ thuật âm nhạc và diễn xướng khác nhau thành một chỉnh thể nghệ thuật khác.

Bằng sự kết hợp này tôi muốn chứng minh: Âm nhạc cổ truyền Việt Nam hoàn toàn có thể giao thoa với âm nhạc thế giới mà không sợ bị hòa tan hay mất bản sắc. Và các bạn phương Tây có thể chơi thứ âm nhạc ấy và cảm nhận được hồn cốt của âm nhạc Việt.

Vậy kết hợp như thế nào để vừa khuếch tán được những giá trị của âm nhạc truyền thống lại vừa đảm bảo được những yếu tố hiện đại?

Thể nghiệm, ngay từ khi bắt đầu, tự bản thân nó đã là một trạng thái chông chênh giữa những đúng – sai, giữa cái được và cái chưa được. Việt thành công hay không thì đây là một cái chìa khóa mà những người có ý định kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và âm nhạc hiện đại phải miệt mài tìm tòi. Ngoài việc mình là người viết ra nó thì am hiểu về nó. Để sự kết hợp được thành công thì phải tăng cường học hỏi, tất nhiên cái gì cũng phải có sự tiên phong. Nhưng một khi đã xác định là đường mình đi thì mình cứ đi, cứ nỗ lực hết sức thôi, còn đi được đến đâu lại là tùy duyên.

Xin cám ơn chị!

Phó An My tốt nghiệp piano loại xuất sắc tại trường .M. Phillips Bach, một trong những trường đào tạo âm nhạc có tiếng ở Đức. Chị đoạt giải nhất cuộc thi song tấu piano - clarinette của TP. Berlin năm 1996. Phó An My từng tham gia giảng dạy tại trường Đại Học Nanning - Trung Quốc, bắt đầu biểu diễn tại Việt Nam từ năm 2005, và liên tục tham gia các Festival Huế 2006, 2009, 2010, 2012, 2014. Đặc biệt, năm 2006 tại Festival Huế, lần đầu tiên nghệ sĩ Phó An My đưa ra ý tưởng mới và cùng nhạc sĩ Đặng Tuê Nguyên trình diễn phương pháp tư duy mới "Đối Thoại Đông Tây" kết hợp giữa dòng nhạc truyền thống Việt nam với dòng khí nhạc Phương Tây. Những chương trình như Phiêu Thanh (2008), Bồng Bềnh (2009), Khởi Nguyên (2010), Bóng (2011) đều là những cuộc dạo chơi đầu sáng tạo với những ngôn ngữ như Tuồng tích, Hò mái đầy Huế, Hát Cọi dân tộc Tày, Chầu Văn...
Năm 2010, với thành công của tác phẩm Bóng, Piano kết hợp Chầu Văn đã đem tên tuổi của nghệ sĩ Phó An My gần hơn với công chúng.

Trần Phương

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ns-pho-an-my-noi-gi-cuoc-choi-nghe-thuat-ta-tay-day-mao-hiem-a311302.html