NSƯT Đức Hùng: 'Với tôi, ký ức về Tết vẫn luôn luôn thú vị!'

Sinh năm 1968, tuổi Mậu Thân, nhưng NTK, NSƯT Đức Hùng cho rằng, năm nào, tuổi nào cũng có thể thành công nếu người đó chăm lao động. Đầu Xuân có dịp trò chuyện cùng NTK Đức Hùng về năm con Giáp và ký ức Tết xưa của mình, đặc biệt là vai diễn trong phim “Tết nghĩa là hy vọng” tái hiện lại Tết xưa từ thời bao cấp rất thú vị…

Hình ảnh NTK – NSƯT Đức Hùng trong ngày Tết của thời bao cấp

PV: Năm nay là năm Thân, anh có quan niệm sợ “năm Tuổi” như mọi người vẫn hay nói năm tuổi sẽ hay gặp vận, hạn…?

NTK, NSƯT Đức Hùng: Tôi không bao giờ sợ điều đó. Anh còn nói tôi cũng tin vào số phận, nhưng các cụ nhà ta ngày xưa có nhiều câu đối lập nhau mà, ví dụ: “Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi, mà sao tôi lại ngậm ngùi tuổi Thân”, nhưng các cụ cũng có câu“Tuổi Thân thì mặc tuổi Thân, đẻ phải giờ Dần lại sướng như Tiên!”. Tôi sinh tuổi Thân nhưng đẻ chính giờ Dần đây, chắc vậy nên tôi thấy tôi “sướng” lắm! (cười tươi rói).

Nói vui vậy, chứ với tôi năm tuổi hay không năm tuổi với tôi cũng như tất cả mọi người đều có thể thành công nếu chúng ta là người chăm lao động. Riêng tôi, tôi tự hứa năm nào tôi cũng sẽ làm việc, sáng tạo không mệt mỏi. Tôi có thể tiết lộ, trong năm Bính Thân này (năm 2016), tôi sẽ bắt tay vào làm một dự án khá lớn về Hà Nội.

PV: Là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Những ký ức của anh về Tết xưa và Tết nay khác nhau thế nào?

NTK Đức Hùng: Người Hà Nội rất thích Tết, tại sao thì nó có lý do của nó. Gần đây có người nói sợ Tết, nhưng với tôi thì ngược lại, tôi vô cùng thích Tết. Thích một cách đặc biệt. Tôi cứ suy nghĩ, nếu một ngày mà không còn Tết thì con người sẽ ra sao? Trong cuộc sống tại sao lại có Tết? Tết bắt đầu từ đâu? Với quan điểm của tôi, kể cả mình có không thích Tết thì Tết vẫn đến, thế nên tại sao mình không tận hưởng Tết, vui chơi thỏa thích với Tết. Nếu một ngày mà không có Tết tôi sẽ cảm thấy cuộc sống thật vô vị. Bởi thế mọi người hãy thử yêu Tết đi!

Đối với tôi, Tết như một cô nàng quyến rũ, cô gái ấy rất hấp dẫn. Hoặc nó như một dấu lặng của bản nhạc, hoặc nó như là một điệp khúc. Đó là khoảng thời gian để mọi người trong gia đình, vợ chồng, con cái ngồi lại với nhau sau một năm quay cuồng với công việc, ít có thời gian quan tâm chăm sóc nhau.

Tết xưa của Hà Nội nhẹ nhàng, phẳng lặng hơn, cuộc sống êm đềm hơn. Thì Tết là khoảng thời gian được ngồi với nhau nói chuyện với nhau những chuyện trôi đi trong một năm, những gì đã làm được và không làm được.

Còn Tết Hà Nội bây giờ náo nhiệt hơn, nhưng cũng chỉ là náo nhiệt hơn ngày xưa thôi chứ so với các thành phố khác thì Hà Nội vẫn có độ trầm hơn. Vì chất của Hà Nội là bất cứ cái gì náo nhiệt “thả vào” cũng trầm đi. Đó là chất của Hà Nội.

PV: Có phải chính lý do yêu Tết xưa nên anh quyết định tham gia vào vai anh thợ may trong thời kỳ bao cấp trong chương trình “Tết nghĩa là hy vọng" vừa phát sóng vào 28 Tết vừa qua? Cảm xúc của anh khi được trở lại với không khí này?

NTK Đức Hùng: Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì được là một khách mời trong chương trình “Tết nghĩa là hy vọng” vô cùng ý nghĩa của VTV6. Đối với bản thân tôi, một cái Tết thời bao cấp vẫn luôn hiện hữu và mãi hiện hữu trong trái tim. Mặc dù bây giờ ở Hà Nội hiếm hoi lắm mới tìm thấy bóng dáng của thời bao cấp nhưng những hình ảnh Tết thời bao cấp như bánh chưng xanh, những tràng pháo đêm giao thừa, những hộp mứt đến những cảnh chen lấn xô đẩy nhau xếp hàng để mua từng miếng thịt trong những ngày Tết luôn là những kỷ niệm cũ có ý nghĩa và giá trị.

PV:Khi bước vào những không gian, bối cảnh của chương trình,... anh cảm thấy thế nào, có giống với hồi ức của anh về 30 năm trước không?

NTK Đức Hùng: Trong suốt quá trình tham gia ghi hình chương trình, điều đầu tiên khiến tôi ấn tượng đó là VTV6 đã nghĩ ra một ý tưởng tuyệt vời, tái hiện lại một cách chân thực cái Tết ngày xưa, từ bối cảnh, không khí cho đến từng hoạt động một. Chương trình là một món ăn lạ trên bàn tiệc ngày Tết năm nay. Đối với cá nhân tôi, một người con Hà Nội từng sống trong xã hội bao cấp mà còn thấy nó lạ huống chi là đối với lớp trẻ, các bạn sẽ thấy lạ đến thế nào.

VTV6 đã vẽ lên một bức tranh, một bức tranh rất sống động của Tết ngày xưa, Tết thời bao cấp. Đến với chương trình, tôi được trở thành một nhân vật trong câu chuyện Tết thời bao cấp. Khoảnh khắc khi tôi được trở về với tiệm may Đức Hùng ngày xưa, trong lòng thấy xốn xang lắm, xốn xang đến mức độ mà tôi phải cảm ơn những ngày ấy vì có ngày ấy mới có tôi ngày hôm nay. Tiệm may ấy là cuộc sống của tôi, là hơi thở của tôi. Vì vậy khi tham gia chương trình, tôi không cần phải cố gắng gì hết, tôi chỉ là chính tôi, một anh chàng thợ may. Thêm một điều thú vị nữa là tôi sẽ “vào vai” bố ca sĩ Đinh Mạnh Ninh. Các bạn chờ xem cặp bố con tôi đóng phim thế nào nhá!

PV: Trong quá trình thực hiện chương trình, NTK Đức Hùng thích nhất điều gì và anh ky vọng gì nhất ở chương trình này?

NTK Đức Hùng: Tôi rất vui khi được làm việc cùng ê-kíp sản xuất gồm có nhà báoTạ Bích Loan, nhà báo Diễm Quỳnh, MC Quang Minh… Lên hình trông họ nghiêm nghị là thế nhưng bên ngoài rất cả đều rất trẻ trung, vui vẻ. Chúng tôi thường cùng nhau chụp lại một số bức ảnh để lưu giữ những khoảnh khắc ý nghĩa này. Có phải bao giờ bạn cũng được sống lại trong một thời đã qua như vậy đâu chứ?

Có những ngày, chúng tôi ghi hình từ 9h sáng đến 11h30 đêm, với cường độ làm việc như thế nhưng chúng tôi vẫn cười, vẫn nói, vẫn trêu đùa nhau. Đây là chương trình duy nhất trao cho tôi nhiều năng lượng. Phải nói là tôi thừa năng lượng để làm việc. Vì sao? Vì hình ảnh thời bao cấp được dựng lên đã truyền cảm hứng cho tôi. Và hy vọng là khán giả khi xem chương trình sẽ cảm nhận được điều đó. Đó chính là sự đặc biệt và hấp dẫn của chương trình này.

“Tết nghĩa là hy vọng” như một ngọn lửa chạm vào trái tim của rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là những người con Hà Nội. Tôi nghĩ là nhiều khán giả sẽ phải xem đi xem lại chương trình này để có cảm giác được sống lại trong cái Tết xưa. Vì mỗi người sẽ thấy mình trong đó.

PV: Những năm 1970, 1980, lương thực-thực phẩm đều được Nhà nước phân phối theo tiêu chuẩn tới từng hộ gia đình. Vì vậy, người dân thời đó chuẩn bị Tết như thế nào?

NTK Đức Hùng: Ngày xưa, các cụ ta thường có câu: “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Ngày Tết là ngày “phải” no đủ nhất dù cuộc sống có khó khăn đến đâu. Hầu như nhà nào cũng gói nhiều bánh chưng bởi còn bánh chưng là còn Tết. Có những nhà qua rằm tháng Giêng vẫn còn bánh chưng. Và những ngày Tết, chợ vắng tanh vắng ngắt, cứ phải 4-10 ngày mới mở chợ. Vì thời ấy, người ta chơi Tết chơi cho đủ ngày chứ không phải như bây giờ, mùng 1 Tết cũng đã có người bán hàng.

Chuyện ăn mặc ngày ấy cũng vậy, ai ai cũng chỉ chờ vào 3 ngày Tết để được diện quần áo đẹp. Có khi chiều 30 vẫn nhem nhuốc lắm nhưng sáng mùng 1 Tết thì ai cũng đẹp “như công như phượng”. Đấy là sống của một thế hệ người dân thời bao cấp.

PV: NTK Đức Hùng có bao giờ kể cho các con mình nghe về những gì bản thân đã trải qua trong những cái Tết thời bao cấp?

NTK Đức Hùng: Tôi là một người yêu Tết và thích Tết. Tết của tôi là được bố mẹ vẽ lên. Vậy nên, bây giờ tôi sẽ vẽ lại cho các con của mình, vẽ lại từng chi tiết, từ cách kiêng kỵ như thế nào, ngày mùng 1 Tết ra sao như thế nào, ngày mùng 2 Tết làm gì,.. Tất cả những điều đó đã được tôi truyền lại cho các con. Và hai đứa nhỏ nhà tôi cũng rất thích Tết. Mỗi dịp Tết ngoài được mừng tuổi, các con sẽ được bố mẹ truyền lại những nét văn hóa truyền thống của dân tộc nên rất háo hức.

Xin cảm ơn NTK Đức Hùng về cuộc trò chuyện này! Chúc anh và gia đình có một năm mới vui vẻ và ấm áp bên người thân!

Tuyết Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Hau-truong/824498/nsut-duc-hung-voi-toi-ky-uc-ve-tet-van-luon-luon-thu-vi