NSƯT Quang Lý: Người hát tình ca 'Đỏ' đã về nơi chân sóng

Nhạc sĩ Phú Quang từng nói về ông: 'Tôi thích Quang Lý vì một điều rất bình thường: một giọng hát đẹp và quá chân thực giữa đời sống'.

Như một cơn sóng bất ngờ ập đến, NSƯT Quang Lý, người ca sĩ hát tình ca “Đỏ”, hát những ca khúc trữ tình đi cùng năm tháng với chất giọng đầy nội lực, mang màu sắc tự sự, sâu sắc, tha thiết, thấm sâu vào lòng người nghe, đã về nơi chân sóng ở tuổi 66.

NSƯT Quang Lý sinh năm 1951, trong một gia đình gốc Việt tại Thái Lan. Năm 9 tuổi, ông theo gia đình về Việt Nam định cư ở Hải Phòng. Những ngày đầu trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật, ông công tác tại Đài Tiếng Nói Việt Nam.Và là một trong những giọng ca được yêu thích nhất của dòng nhạc trữ tình Việt Nam.

Đầu những năm 1970, ông tham gia Đoàn văn công Đài Phát Thanh Giải Phóng, mang giọng hát đến với các chiến sĩ ngoài chiến trường, để lại nhiều kỷ niệm với các cựu chiến binh ngày ấy.

Ca sĩ Quang Lý - Ảnh: TTD.

Ca sĩ Quang Lý - Ảnh: TTD.

Năm 1983, ông đưa gia đình vào TP. HCM và công tác tại Đoàn ca múa nhạc Bông Sen cho đến bây giờ.Nhiều năm qua, ông tham gia công tác giảng dạy thanh nhạc tại Nhạc việnTP. HCM, góp phần đào tạo nhiều ca sĩ nổi tiếng của làng nhạc Việt đương đại..

Hơn 40 năm ca hát, NSƯT Quang Lý trung thành với phong cách trữ tình. Giọng hát trầm ấm của ông đã đưa nhiều bản tình ca “Đỏ” và các nhạc phẩm như Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Sao em nỡ vội lấy chồng... thấm sâu vào lòng nhiều thế hệ khán giả.

Năm 1992-1993, ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT do có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam.

Một giọng ca đẹp, một cuộc đời đẹp

Nhạc sĩ Phú Quang từng nói về ông: "Tôi thích Quang Lý vì một điều rất bình thường: một giọng hát đẹp và quá chân thực giữa đời sống".

Có thể nói NSƯT Quang Lý đã sở hữu một chất giọng khá đặc biệt, trầm ấm đầy nội lực, thể hiện những ca khúc nhạc “đỏ” mang màu sắc tráng ca theo cách riêng của mình, không ồn ào mà như có ngọn lửa luôn ấm nóng trong trái tim người nghe. Có lẽ thế mà 40 năm sau, những cựu chiến binh của chiến trường miền Nam ngày xưa vẫn nhắc đến giọng ca của ông với những ca khúc vào trận.

Đặc biệt khi hát tình ca, những ca khúc trữ tình mang nhiều tính tự sự sâu lắng, giọng hát của ông mượt mà, thuần nhã, không cầu kỳ mà dịu ngọt, như một dòng chảy êm đềm, da diết, thấm vào người nghe những cảm xúc bồi hồi, lắng đọng. Ngay cả khi ở tuổi 60, dù không có sự sắc sảo của những giọng ca thời thượng trẻ trung, dù nội lực không như thuở 30, nhưng khó có thể nào quên giọng hát của ông ở “Thuyền và biển”, “Mùa thu và nỗi nhớ”, “Tóc gió thôi bay”, “Thương lắm tóc dài ơi”, “Chảy đi sông ơi”, “Về quê”, “Giấc mơ Chapi”…, cứ như thấm vào người nghe cảm xúc miên man, đôi khi muốn rưng rưng nước mắt.

Ca sĩ Quang Lý hát bài Sẽ về thủ đô (Huy Du) trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 10-2014 - Ảnh: GIA TIẾN.

Cũng có ít người nghệ sĩ nào như ông, sở hữu giọng ca, nếu như ở những suy nghĩ đời thường, thì có thể “sống khỏe” bởi những show diễn lớn, những phòng trà hạng sang của thành phố, thì ông lại thích mang giọng hát của mình phục vụ đông đảo quần chúng. Có lẽ thế mà ông đã tham gia nhóm Du ca của nhạc sĩ Trần Tiến, để hát và được hát cho mọi người ở mọi miền quê Việt Nam nghe.

Ngay cả sau này, thời “mở cửa”, đời sống ca nhạc của Việt Nam và TPHCM có nhiều thay đổi, ông vẫn trung thành với cách sống, cách nghĩ của mình, không chạy theo những trào lưu thời thượng, cho dù cuộc sống vất vả, khó khăn. Giống như một sự thanh bạch, để nuôi dưỡng tâm hồn, để khi cất lên giọng hát, là một sự trong sáng thuần khiết, mang đến khán giả vẻ đẹp của ca khúc, của âm nhạc, không bị vẩn đục bởi sự bon chen xô bồ đời thường.

Ngay cả sau này, khi làm công tác giảng dạy thanh nhạc ở Nhạc viện TPHCM, ông cũng rất nghiêm túc với học trò. Không chỉ dạy kỹ thuật, mà còn dạy cách giữ “đạo” cho giọng hát của mình, để luôn đẹp, để không bị những dơ tạp nhuốm màu. Có lẽ thế mà học trò của ông khi thành danh, thành tài, đều nhớ đến ông không chỉ là người thầy dậy nhạc, mà còn như một người cha thương yêu con cái mình.

Một người Hải Phòng chân tình và nhiệt tình

Trở về từ Thái Lan, chọn TP biển Hải Phòng làm quê hương, NSƯT Quang Lý đã gắn bó với thành phố này bằng tình yêu đặc biệt. Chỉ cần nghe ông hát ca khúc “Thành phố hoa phượng đỏ” hay “Chiều trên bến cảng”…, mới cảm nhận được ông yêu thành phố biển này như thế nào.

Có lẽ thế, mà khi sống trong TPHCM, ông đã coi những người đồng hương Hải Phòng như người thân của mình. Bất kỳ cuộc gặp gỡ nào của người Hải Phòng, “ới” ông, dù rất bận, hay sức khỏe không tốt, ông cũng đến, để được cảm nhận sự ấm áp tình nghĩa đồng hương, để hát vài bài cùng nhau cho vơi nỗi nhớ quê của những người phai xa quê làm ăn phương xa.

Năm 2006, gần như cả một đời hát, ông mới thực hiện album riêng của mình mang tên “Vọng âm sóng”. Vẫn là trong tiềm thức, trong tâm tưởng, trong cảm thức của ông là tiếng sóng biển nơi thành phố Hải Phòng thân yêu. Có thể hiều vì sao ông yêu đến thế, chân tình đến thế, nhiệt tình đến thế với những người đồng hương Hải Phòng.

Ca sĩ Quang Lý - Ảnh: GIA TIẾN.

Năm 2009, một bước chuyển mới trong cuộc đời ca sĩ, NSƯT Quang Lý chuyển sang sáng tác ca khúc, và một “Cung trầm” ra đời với những ca khúc đầy tự sự, ám ảnh, mà trong đó, TP Hải Phòng hiện diện như một tình yêu, tình nhớ, một “cung trầm” khi phải xa: “Xin cảm ơn”, “Biển ước mơ và em”, “Ngày em đi xa”, “Mẹ ơi con nhớ mẹ”, “Có bao giờ phôi phai”, “Sài Gòn chiều cuối năm”, “Phố đêm”, “Dòng sông đêm”.

NSƯT Quang Lý đột ngột ra đi, hình như ông muốn mang tiếng hát và những sáng tác mới của mình về nơi chân sóng nơi thành phố Hải Phòng quê hương, một sự trở về để trọn vẹn tình yêu sau mấy chục năm cách xa.

Và giọng hát của NSƯT Quang Lý sẽ còn lưu lại mãi theo năm tháng như những ca khúc mà ông đã lưu dấu ấn trong trái tìm, tâm hồn khán giả yêu tiếng hát của ông, yêu nhạc “Đỏ”, yêu những bản tình ca Việt Nam …/.

Hoài Hương

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa/am-nhac/nsut-quang-ly-nguoi-hat-tinh-ca-do-da-ve-noi-chan-song-574110.vov