NSƯT Thành Lộc: Tôi chưa bao giờ có cảm giác cô đơn

NSƯT Thành Lộc sinh ra trong gia đình mà cả hai họ nội, ngoại đều gắn bó với hát bội. Ông nội anh ngày xưa là ông bầu nổi tiếng đất Vĩnh Long, còn ông ngoại là ông bầu nổi tiếng ở Sài Gòn. Khi còn là kép hát, cha anh muốn tới Sài Gòn nên đã đầu quân cho gánh hát bội của ông ngoại và phải lòng con gái út của ông. Họ kết hôn rồi sinh ra các con, cháu cũng đi theo nghệ thuật.

Thành Lộc thừa hưởng dòng máu đam mê nghệ thuật của gia đình. Ngày còn nhỏ, anh nghĩ mình sẽ theo cải lương chứ không phải kịch nói. Rồi gần nửa thế kỷ theo nghề, chứng kiến những giai đoạn thăng trầm của sân khấu TP.HCM, bây giờ anh tự nhận mình là người biết tận hưởng cả hạnh phúc lẫn… đau thương.

Không thích là người hoàn hảo

- Phóng viên: Trong hơn 600 vai diễn mà anh đã tham gia, có vai diễn nào mang dấu ấn cuộc đời, tính cách của chính anh?

- NSƯT Thành Lộc: Tất cả những vai diễn ấy đều có một phần đời tôi trong đó. Ngược lại, tôi dung nạp từ 600 vai diễn ấy thành con người mình. Đây là ân sủng mà chỉ người diễn viên mới có và chính điều ấy làm nên sự phong phú cho đời sống diễn viên, chứ nếu chỉ sống một phần đời thì nhạt nhẽo, vô vị lắm.

- Anh nghĩ gì mỗi khi nhìn vào “gia tài” vai diễn của mình?

- Theo tôi, cái gì cũng phải đúng thời điểm, đúng căn duyên. Tôi nghĩ, không nhất thiết phải hoàn hảo, mà tôi cũng không thích là người hoàn hảo. Khoảng thời gian chúng tôi làm nghề và lớp trẻ hiện nay khác xa về bối cảnh, điều kiện. Xem ra, con đường nghệ thuật thời nay trơn tru hơn, dễ dàng hơn. Tìm hiểu về lớp nghệ sĩ tiền bối, tôi thấy họ gian truân, nhọc nhằn lắm, nên tôi nghĩ thế hệ sau cũng nên hiểu về sự gian truân, nhọc nhằn của chúng tôi.

- Làm sao trong nhọc nhằn mà anh vẫn giữ được tinh thần để hóa thân trọn vẹn trong rất nhiều vai diễn như thế?

- Tôi không tự đánh giá mình quá cao hoặc quá thấp. Con đường nghệ thuật của tôi không hoàn hảo, nhưng khi ta đi là cách ta hoàn thiện chính mình. Tôi phải có cái nhìn bao quát để biết cái gì giữ lại cho mình, cái gì phải bỏ ra. Đôi khi phải chấp nhận những điều mình không muốn để cảm nhận vị đắng trước khi hiểu về vị ngọt. Nghệ sĩ cần phải cảm nhận mọi thứ trong cuộc đời. Cái đắng lại càng phải nhớ vì lẽ ra nó làm mình gục ngã, nhưng chính nó lại thôi thúc mình thành người lương thiện. Điều đó mới ý nghĩa, mới giá trị, và vì thế tôi không kêu ca.

- Vậy anh hài lòng với cuộc sống của mình hiện nay?

- Con người thường không hài lòng về môi trường mình đang sống, ngôi nhà mình đang ở, vì luôn muốn vươn lên, tôi cũng vậy. Tôi chưa hài lòng, nhưng vẫn ở ngôi nhà đó vì suy nghĩ, trước khi làm ngôi nhà tốt hơn hãy làm mình tốt hơn. Tôi không bao giờ nghĩ mình theo nghề diễn để làm giàu, mà đó đơn giản là tôi được làm công việc yêu thích. Như vậy thì mới có thể sống lâu với nghề. Tôi thích ngồi nhâm nhi ly trà nóng, nhìn con chim, con bướm bay lượn hoặc ngắm mưa rơi trên đường. Với tôi, cuộc đời như trái táo thơm, nhưng không có nghĩa là nó không có chỗ sâu, chỗ dập. Song, mình vẫn có thể thưởng thức mùi vị thơm ngon nếu gọt bỏ đi những chỗ hỏng ấy. Tôi thấy may mắn khi có được công việc mà mình đam mê từ nhỏ. Những gì tôi có được cũng từ chính công việc ấy mang lại, vì thế tôi mãn nguyện khi được sống trong môi trường này.

Tôi sinh ra để làm nghệ thuật

- Để có sự mãn nguyện này, anh cũng phải trả giá?

- Ai, cái gì cũng phải trả giá. Trong bộ phim “Khu vườn cổ tích” có câu thoại mà tôi rất thích: “Ước mơ cũng không miễn phí”. Mình phải hiểu, “phí” ở đây không phải bằng tiền mà bằng nhiều cách. Cái giá tôi phải trả là chấp nhận được, vì đơn giản nếu không chấp nhận được tôi đã “buông” lâu rồi.

- Là nghệ sĩ nổi tiếng được khán giả yêu quý, nhưng anh lại cô đơn trong cuộc sống riêng tư. Có phải nặng gánh gia đình nên anh chọn độc thân hay còn lý do nào khác?

- Tôi chưa bao giờ có cảm giác cô đơn. Đời người ai cũng qua giai đoạn thiếu niên, thanh niên, rồi khi bước vào ngưỡng cửa trung niên cũng thoáng chạnh lòng khi tại sao mình sống một mình thế này? Tôi vẫn toàn tâm toàn ý với đam mê của mình trong hoạt động nghệ thuật. Có lẽ tôi cảm thấy sống kiếp người mệt quá, phải đối diện với nhiều thứ để tồn tại và an toàn. Chữ an toàn tôi nói cả nghĩa bóng và nghĩa đen, nên nghĩ có lẽ nên sống một kiếp là ổn. Khi người ta xác định sống để làm gì, sống có mục đích thì chẳng có vấn đề gì lớn cả. Xung quanh tôi còn có những người chịu sự hy sinh, mất mát lớn hơn, nên nỗi cô quạnh của tôi có là gì so với rất nhiều đóng góp của họ.

- Người ta hay nói, được cái này sẽ mất cái kia. Anh có nghĩ, vì sự nghiệp thành công nên đường tình duyên lận đận?

- Tôi từng nghĩ như vậy và bây giờ cũng nghĩ như vậy. Không ai cho không ai cái gì. Còn nhớ vở kịch “Hạnh phúc từ trên trời rơi xuống”, tôi đóng vai con quỷ luôn luôn giúp đỡ một người. Anh này muốn có tiền là cho tiền, muốn có vợ là cho vợ, nhưng sau mới vỡ lẽ rằng con quỷ đã lấy tiền của người khác cho anh. Cuộc sống là như vậy, luật bù trừ phải chấp nhận thôi.

- Nếu một ngày nào đó không đứng trên sân khấu, anh nghĩ mình như thế nào?

- Tôi sinh ra để làm nghệ thuật và mỗi người trong cuộc đời này đều được trao trọng trách trên vai để làm cho cuộc sống nhân loại tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ, làm nghệ thuật giống như công việc của thiên sứ, nhưng nếu như chúng tôi không có của cải vật chất để sống thì cũng chết. Thượng đế ban cho tôi khả năng làm nghệ thuật giống như con cá gặp nước, nếu một ngày nào đó không được làm nghệ thuật cũng giống như con cá bị quăng lên bờ. Nói vậy chứ, một ngày nào đó bạn ngồi trong quán cà phê và người bưng ly cà phê ra là tôi thì cũng đừng ngạc nhiên. Vì tôi đã xong nhiệm vụ ở bối cảnh nào đó và làm công việc khác phù hợp với sức khỏe, khả năng lao động. Điều quan trọng là tôi vẫn làm điều lương thiện, không xin xỏ, không than vãn.

Luôn nhìn cuộc sống theo hướng tích cực

- Nhìn anh, không ai nghĩ đã ở độ tuổi 60. Anh có bí quyết gì để mãi trẻ trung như thế?

- Tôi nghĩ có khi do tôi nhỏ con. Những người nhỏ con thường trẻ lâu. Cũng có thể do môi trường hoạt động nghệ thuật nhiều màu sắc nên tôi lạc quan, yêu đời. Tôi luôn nhìn cuộc sống theo hướng tích cực. Có lẽ chính vì thế mà những tế bào trong tôi luôn tươi mới, không bị lão hóa. Kể cả khi tai ương đến, tôi vẫn cho đó là một sự thử thách của cuộc đời để bản thân cố gắng. Ngày thanh thiếu niên, nhìn người 40 tuổi, tôi thấy họ già lắm. Tôi thậm chí còn nghĩ, có khi 40 tuổi mình qua đời được rồi. Nhưng đến năm 41 tuổi, soi trong gương, tôi lại tự hỏi: Sao trẻ vậy? Mình vẫn còn có thể lên sân khấu diễn những vở thiếu nhi, nhảy múa lí lắc nữa. Đến 50 thậm chí 60 tuổi, tôi vẫn thấy mình trẻ như vậy. Các bạn tuổi 20 - 25 vẫn gọi tôi bằng anh. Tôi tự bảo, tại sao mình từng có suy nghĩ tiêu cực như thế? Tại sao mình không trẻ để tận hưởng những ân huệ mà vũ trụ ban cho? Tôi nghĩ, mình cần yêu bản thân, trân trọng và giữ gìn sức khỏe để có thể sống lâu hơn.

- Có lẽ, vì luôn nghĩ tích cực mà đáng ra đến lúc cần nghỉ ngơi thì anh lại bỏ sân khấu Idecaf để thành lập một sân khấu riêng với rất nhiều thách thức?

- Khi vừa tốt nghiệp, tôi về nhận công tác tại Đoàn kịch Trẻ thuộc biên chế của Sở Văn hóa - Thông tin thành phố Hồ Chí Minh. Lúc ấy tôi nghĩ sẽ gắn bó cả cuộc đời tại đây vì đoàn kịch lúc đó là nơi hội tụ của những gương mặt được đào tạo bài bản, là cơ hội tốt để ổn định công việc. Nhưng sau đó vì muốn khám phá bản thân, muốn làm một cái mới nên tôi đã đầu quân về CLB Kịch thể nghiệm của Sân khấu 5B Võ Văn Tần. Tôi đã sử dụng quãng thời gian thanh xuân của mình ở đây. Có thể nói tại Sân khấu 5B Võ Văn Tần tôi đã phát huy được triệt để mọi khả năng. Hồi đó, những vở kịch như một làn sóng mới trong đời sống sân khấu và được bảo đảm bởi uy tín của Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi có cơ hội để hóa thân vào các nhân vật đa dạng, với những số phận đặc biệt, trong nhiều vở diễn táo bạo mà sân khấu khác không dám chạm đến.

Ngày ấy, chúng tôi được đánh giá là những gương mặt trẻ, dám nghĩ, dám làm, dám chạm đến những đề tài hóc búa. Nhưng rồi, cuộc sống luôn thay đổi. Các sân khấu tư nhân ra đời, tôi chuyển sang Sân khấu Idecaf của Công ty Thái Dương. Tôi nghĩ, cơ chế xã hội hóa là cơ hội để mình làm việc trong môi trường mới, tự do và được thể hiện hết tài năng. Và khi đã đạt những thành công nhất định ở Idecaf, tôi nghĩ mình cần dừng lại để chuyển sang cái gì đó khác hơn. Chính vì thế mà có cuộc chia tay Idecaf và Sân khấu Thiên Đăng ra đời. Cuộc đời tôi nằm trong dòng chảy chung của đời sống sân khấu chứ cũng không có gì đặc biệt.

- Cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nsut-thanh-loc-toi-chua-bao-gio-co-cam-giac-co-don-post575303.antd