Nữ dân công hỏa tuyến cả cuộc đời gắn bó với biển đảo

Sinh ra và lớn lên ở vùng đảo xa xôi của tỉnh Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Huệ trú tại thôn Yến Hải, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn là một trong những nữ dân công hỏa tuyến có đóng góp lớn trong thời kỳ bám biển, giữ đảo.

Cống hiến sức trẻ cho biển đảo

Nói tới bà Huệ một trong những người phụ nữ đặc biệt của xã đảo Quan Lạn, người dân nơi đây ai cũng biết. Gọi là đặc biệt bởi lẽ bà có hoàn cảnh khó khăn nhất xã đảo, bà chỉ sống đơn thân một mình, đồng thời bà cũng có nhiều đóng góp trong thời kỳ kháng chiến chống sự phá hoại của Mỹ ở miền Bắc.

Vốn sinh ra ở vùng biển đảo cho nên bà Huệ luôn luôn có một tình cảm đặc biệt dành riêng cho mảnh đất nơi đây.

Ngược lại thời gian cách đây 55 năm, thời kỳ đó khi miền Bắc đã giành được độc lập tuy nhiên cả nước vẫn phải tiếp tục sự nghiệp cách mạng thống nhất hai miền Nam, Bắc.

Hình ảnh bà Huệ cô đơn trong ngôi nhà của mình

Nhớ lại thời kỳ đó bà Huệ kể: “Thời kỳ những năm 1965 – 1968 Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Lúc đó máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, vùng biển Quảng Ninh cũng không nằm ngoài tuyến bắn phá của Mỹ. Vùng biển đảo này nhiều thanh niên tình nguyện tham gia kháng chiến, tôi cũng tham gia dân công hỏa tuyến đi khắp các tuyến đảo của tỉnh Quảng Ninh ngày đêm phá núi, mở đường phục vụ kháng chiến”.

Gian nan, vất vả và nguy hiểm bởi máy bay Mỹ bắn phá ác liệt nhưng bằng sức trẻ và nhiệt huyết bà cùng với đồng đội đều vượt qua.

Sau khi công việc đã hoàn tất bà Huệ lại trở về vùng đảo nơi bà sinh sống. Hễ có nhiệm vụ bà lại hăng hái tình nguyện lên đường.

Nhưng rồi một tai nạn đã cướp đi ánh sáng một bên mắt của bà, bà Huệ hãi hùng khi nhớ lại: “Năm 30 tuổi tự nhiên mặt lên mụn, hai mắt cứ nhắm tịt lại không tài nào mở ra được. Đi lại, sinh hoạt đều phải nằm một chỗ,gia đình cứ ngỡ không qua khỏi. Một tháng sau mới mở mắt ra được nhưng một mắt không nhìn thấy gì. Sau này mới biết là lên bệnh đậu dại biến chứng sang mắt”.

Từ lúc đó cuộc sống của bà cũng bị ảnh hưởng bởi một mắt đã bị mù vĩnh viễn.

“Sau khi một mắt bị hỏng nhưng vẫn tham gia hợp tác xã nghề cá của địa phương. Những chuyến đi biển đều tham gia bám biển, vươn khơi. Đến tuổi lập gia đình bố mẹ cũng nhắc nhở và nhiều người cũng đến hỏi cưới nhưng mình không thích, cứ thế hết năm này qua năm khác ở với bố mẹ và ở vậy cho tới tận bây giờ”, bà Huệ chia sẻ.

Nặng lòng với cuộc sống

Nhớ lại thời kỳ còn trẻ bà cũng cho biết: “Nói là không ai yêu thì không đúng, thời kỳ tham gia dân công hỏa tuyến cũng có nhiều người để ý tới mình. Biết bao lá thư cùng với thơ ca các anh gửi tới nhưng mình cũng không để ý”.

Thời gian cứ thế qua đi, bà Huệ ở vậy không lập gia đình. Khi có ai hỏi đến thời trẻ của bà, bà đều đọc lại những vần thơ các anh theo đuổi làm tặng mình. Đến nay bà đã bước sang tuổi 75, cuộc sống càng ngày càng vất vả nhất là khi bà ốm đau một thân một mình.

Ngôi nhà bà Huệ sinh sống ngày một xuống cấp nghiêm trọng

Bà Huệ bùi ngùi tâm sự: “Ốm đau chỉ có tư mình lo liệu thuốc thang, khỏe thì không sau nhưng lúc ốm thì vô cùng vất vả. Thi thoảng vẫn phải đi biển kiếm con ốc, con hà bán để lấy tiền lo toan cho hằng ngày, ngày ít ngày nhiều cũng được 30 đến 40 nghìn, một tháng chỉ đi biển 5 đến 6 buổithôi vì già yếu cùng với mắt kém rồi”.

Ngôi nhà bố mẹ bà để lại theo năm tháng cũng xuống cấp nặng nề. Bà kể: “Địa phương cũng quan tâm hỗ trợ tiền sửa nhà nhưng cũng chỉ được vài năm lại hư hỏng. Hàng tháng cũng có tiền hỗ trợ riêng, tiền đó để dành cho việc đong gạo ăn, còn tiền chi tiêu thì lại phải phụ thuộc vào những buổi đi biển”.

Bà cũng cho biết thêm, hễ trời mưa gió là ngôi nhà đọng đầy nước, bão gió phải đi ở nhờ nhà người quen.

Trong câu chuyện chia sẻ về cuộc đời của mình bà Huệ cũng chỉ mong ước có một sức khỏe ổn định để ngày ngày đi biển mưu sinh. Cùng với đó là tích cóp nhặt nhặt để sửa sang lại ngôi nhà đã hư hỏng nặng.

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/nu-dan-cong-hoa-tuyen-ca-cuoc-doi-gan-bo-voi-bien-dao-d115909.html