Nữ quân nhân trở thành Hoa hậu Mỹ 2016

Người đẹp đến từ hạt liên bang District of Columbia, hiện là một sĩ quan trong quân đội, vừa trở thành Hoa hậu Mỹ 2016. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử cuộc thi này, một nữ quân nhân trở thành người chiến thắng.

Cuộc thi diễn ra vào cuối tuần qua và nữ quân nhân 26 tuổi này đã giành ngôi vị cao nhất bởi ứng xử thông minh và thân hình đẹp.

Bật khóc và... sốc

Khi được trao vương miện Hoa hậu Mỹ 2016, người đẹp da màu Deshauna Barber đã bật khóc. Bởi cô không chỉ đánh bại hai người đẹp nổi trội đến từ Hawaii và Georgia là Chelsea Hardin và Emanii Jovan Davis, mà còn là hơn 50 thí sinh khác. Với câu hỏi dành cho Top 5 về vai trò của phụ nữ trong một trận chiến, Barber đã trả lời một cách thuyết phục: "Là người hoạt động trong quân đội Mỹ, tôi nghĩ chúng tôi cũng cứng rắn, dẻo dai như nam giới. Với tư cách chỉ huy một đơn vị, tôi tự nhận thấy mình luôn mạnh mẽ và tận tụy. Ở Mỹ, giới tính không phải một hạn chế". Ngay sau câu trả lời của cô, tiếng vỗ tay vang dội khắp hội trường Las Vegas Strip, khiến hội đồng giám khảo ra quyết định chọn Barber ở vị trí số 1, cũng như khiến khán giả xem truyền hình trực tiếp trên toàn quốc yêu thích.

Cùng với thông tin về cá nhân khá ấn tượng và vẻ đẹp khác biệt, màu da tối hơn người Mỹ gốc Phi, nên khi giành được vương miện, chính người đẹp Columbia cũng ngạc nhiên: "Tôi thực sự sốc. Nguyên do là rất nhiều cô gái đã nhắn tin chúc mừng tôi, rất nhiều cô gái tìm đến tài khoản mạng xã hội của tôi. Họ nói: Ôi Chúa ơi, tôi cũng là người da màu, "một thỏi sôcôla", và tôi rất mừng vì bạn trở thành Hoa hậu Mỹ". Cô cho biết cô rất vui vì có thể truyền cảm hứng cho những người phụ nữ khác màu da, có thể giúp những phụ nữ cảm thấy bị thiệt thòi hay kém tự tin không dám đăng ký dự thi hoa hậu.

Deshauna Barber hiện làm chuyên viên phân tích nghiệp vụ công nghệ thông tin cho Bộ Thương mại Mỹ tại Washington DC, là chỉ huy của một đơn vị hậu cần 988 tại Fort Meade, Maryland. Cô còn làm công việc hỗ trợ các gia đình quân nhân với những hoạt động điều trị chứng PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý) của những người lính trở về từ mặt trận và ngăn ngừa tự tử trong quân đội. Tân hoa hậu khá năng động nên thời gian rảnh rỗi ít ỏi, cô thích nhảy, đi bộ đường dài ngoài thời gian dành cho gia đình.

Muốn nâng cao hơn nhận thức của giới quân nhân

Deshauna Barber sinh ngày 6.12.1989 tại Columbus, bang Georgia trong một gia đình có truyền thống tham gia phục vụ trong quân đội. Tuy vậy, quyết định gia nhập quân ngũ vẫn được tân hoa hậu coi là "quyết định vĩ đại nhất trong đời". Cô tốt nghiệp Đại học bang Virginia vào năm 2011, chuyên ngành quản lý kinh doanh. Sau đó, cô đạt được bằng thạc sĩ ngành quản lý thông tin hệ thống của Đại học Maryland. Do vậy, việc tham gia vào cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ thế giới là điều vượt xa trí tưởng tượng của cô. Trên thực tế, cô còn chưa từng xem một cuộc thi sắc đẹp nào trước đây. Song với việc ở trong quân ngũ, cô thấy việc tham gia ganh đua trong một cuộc thi sắc đẹp như một sự tự do khác. Giờ đây, với danh hiệu Hoa hậu Mỹ, Deshauna Barber còn sẽ trở thành đại diện chính thức của Mỹ tại đấu trường sắc đẹp Miss Universe 2016, diễn ra ở Las Vegas vào tháng 12 tới.

"Tôi thích cuộc thi sắc đẹp vì nó đối nghịch với công việc làm toàn thời gian của tôi. Nó cho tôi cơ hội gần gũi với những người đẹp mà tôi chưa từng gặp suốt thời thơ ấu khi mà cả cha mẹ đều là quân nhân, khi mà việc trang điểm và làm tóc chẳng phải mối bận tâm trong nhà tôi", Barber chia sẻ.

Song việc đạt danh hiệu này với Barber cũng không phải chỉ là sự phù phiếm. Với nền tảng của mình, tân hoa hậu muốn sử dụng thêm ảnh hưởng để nâng cao nhận thức về hoàn cảnh của các cựu chiến binh Mỹ. "Chúng tôi có rất nhiều hoàn cảnh cần được quan tâm. Các cựu chiến binh trở về với những vết thương tinh thần mà không ai nhận thấy. Điều quan trọng đối với những cựu chiến binh là họ cần được điều trị tâm lý. Tôi mong muốn họ cần phải nhận ra thực tế rằng, có lẽ họ sẽ gặp phải một số vấn đề và họ cảm thấy ổn khi đề nghị được giúp đỡ", Barber nói.

Cô cũng muốn tạo chuyển biến trong nhận thức về hình ảnh phụ nữ trong quân đội. Cô thừa nhận rằng, có gặp phải sự cố chấp và phân biệt giới tính trong quân đội. Barber cho hay, cô thực sự muốn nghiên cứu và định nghĩa từ "nữ quyền" trong quân đội.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nu-quan-nhan-tro-thanh-hoa-hau-my-2016-563610.bld