Nữ sinh cụt tứ chi vì bị viêm màng não mô cầu lại tưởng cúm

Bị viêm màng não mô cầu mà cứ nghĩ mình bị cúm, cô gái xinh đẹp đã mất cả hai chân và năm ngón tay bởi không chữa trị kịp thời.

Đó là trường hợp của của nữ sinh Charlotte Hannibal (19 tuổi, đến từ Selston, Nottinghamshire, Anh). Sau bữa tiệc với bạn bè, cô gái khỏe mạnh bị nôn suốt đêm, thêm vào đó là đau họng và có triệu chứng như cúm nên gia đình không đưa đi bệnh viện.

Chỉ đến khi Charlotte lâm vào tình trạng hôn mê thì gia đình mới gọi cấp cứu đưa cô vào bệnh viện. Lúc này, chân của Charlotte đã rất yếu và cô gái trẻ không thể đi bộ được nữa.

Charlotte và gia đình đã vô cùng choáng váng khi được chẩn đoán mắc bệnh nhiễm trùng huyết và viêm màng não mô cầu nhóm W- thường nhắm vào giới trẻ. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm màng não và nhiễm trùng huyết thường gặp là sốt, tay chân lạnh, nhức đầu, ói mửa, đau cơ và phát ban.

Nữ sinh cụt tứ chi vì bị viêm màng não mô cầu lại tưởng cúm.

Sau 2 tháng nằm viện chống lại nhiễm trùng máu thì các bác sỹ quyết định cắt bỏ cả hai chân và tất cả ngón tay trên bàn tay trái mới hy vọng Charlotte có thể sống. Bên cạnh đó nhiễm trùng huyết còn lây lan đến thận khiến Charlotte phải chạy thận nhân tạo. Dự kiến, cuối năm nay cô gái sẽ được ghép thận.

Hiện sức khỏe của Charlotte đang tiến triển rất tốt. Charlotte vẫn gặp bác sỹ để phục hồi các chức năng. Cô gái trẻ kiên cường tập đi xe đạp, ăn bằng một tay và tập làm móng trên đôi chân giả của mình.

Để tránh mắc bệnh viêm màng não mủ do não mô cầu, cần vệ sinh cá nhân, nhất là vệ sinh họng, miệng hàng ngày. Cần cách ly bệnh nhân và tránh tiếp xúc với người bị bệnh vì vi khuẩn có thể lây qua các giọt nước bọt, chất nhầy họng do bệnh nhân ho, nói bắn ra không khí xung quanh người lành trực tiếp hít phải. Hiện nay đã có vắcxin đặc hiệu, trẻ em dưới 36 tháng cần được tiêm loại vắcxin này để gây miễn dịch chủ động.

Khi nhiễm não mô cầu cần phân lập vi khuẩn và tiến hành thử test nhạy cảm với kháng sinh, dựa vào kết quả kháng sinh đồ để chọn kháng sinh thích hợp điều trị là tốt nhất. Ở cơ sở nào chưa có điều kiện phân lập vi khuẩn và làm kháng sinh đồ thì dựa vào phác đồ để điều trị.

Nguồn Phụ Nữ Today: http://phunutoday.vn/xa-hoi/nu-sinh-cut-tu-chi-vi-bi-viem-mang-nao-mo-cau-lai-tuong-cum-99842.html