'Nữ tính hóa' Tam quốc

Đạo diễn Hong Kong (Trung Quốc) Edward Lam vừa đưa tiểu thuyết kinh điển Tam quốc diễn nghĩa lên sân khấu, với vở kịch mang tên What is Success? (tạm dịch: Thành công là gì?) Song điều đáng nói là bối cảnh của vở kịch này lại nằm trong một lớp học hiện đại, qua đó khảo sát ham muốn thành công của con người.

Đạo diễn Hong Kong (Trung Quốc) Edward Lam vừa đưa tiểu thuyết kinh điển Tam quốc diễn nghĩa lên sân khấu, với vở kịch mang tên What is Success? (tạm dịch: Thành công là gì? ) Song điều đáng nói là bối cảnh của vở kịch này lại nằm trong một lớp học hiện đại, qua đó khảo sát ham muốn thành công của con người.

Tam quốc diễn nghĩa , tiểu thuyết có niên đại từ thế kỷ 14 của nhà văn La Quán Trung, kể về thời hỗn loạn Tam Quốc (220-280 sau Công nguyên), là một trong những kiệt tác vĩ đại của văn học Trung Quốc.

13 nhân vật chính đều do diễn viên nữ thể hiện

Các nhân vật trong cuốn truyện này là những chiến tướng, những mưu sĩ đầy mưu kế. Họ phải đổ máu và hao tâm tổn trí nhằm tìm cách trị quốc, bình thiên hạ. Tuy nhiên, trong vở kịch của đạo diễn Edward Lam, bối cảnh là một lớp học chứ không phải ở chiến trường. Điều đặc biệt nữa là 13 nhân vật chính đều do diễn viên nữ đảm nhiệm và họ mặc đồng phục trường học. Vở kịch gồm 12 hồi và mỗi hồi là một bài học lịch sử.

Edward Lam

Đây là tác phẩm sân khấu thứ 3 của đạo diễn Lam kể từ khi ông bắt đầu đưa Tứ đại kỳ thư (gồm 4 tiểu thuyết được coi là vĩ đại nhất Trung Quốc là: Thủy Hử, Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký và Hồng lâu mộng ) lên sân khấu. Ông cho rằng thật là buồn tẻ khi tái tạo những câu chuyện lịch sử trên sân khấu cổ trang.

“Tôi đặt câu hỏi cho mỗi vở kịch để kết nối những câu chuyện cổ với xã hội ngày nay. Tìm những câu trả lời, khán giả sẽ dễ dàng bị lôi cuốn vào vở kịch và cảm thấy thỏa mãn sau khi xem một màn diễn kích thích tư duy” – đạo diễn Lam giải thích.

Thành công là gì? Đây là câu hỏi mà đạo diễn Lam đặt ra trong vở kịch Tam quốc diễn nghĩa. “Ngày nay, mọi người thèm khát thành công. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng trên truyền hình. Họ tìm kiếm sự chú ý để cảm thấy mình quan trọng và thành công” – đạo diễn Lam nói.

Với suy nghĩ như vậy, đạo diễn Lam đã đưa những câu chuyện lịch sử lên sân khấu theo cách rất gần gũi với xã hội hiện nay.

Những quả bóng tennis, những đồ dùng sân khấu xanh, vàng, tỏa ánh sáng bắt mắt được sử dụng trong suốt vở kịch là một phép ẩn dụ khéo léo. Chúng được thay thế cho rất nhiều đồ vật khác, chẳng hạn như chiếc cốc trong tích Tào Tháo uống rượu luận anh hùng với Lưu Bị.

Nhà biên đạo múa Yuri Ng rất sáng tạo khi cố tình để cho các nữ diễn viên vừa diễn vừa tung hứng những quả bóng tennis. “Khi bạn bắt được quả bóng thì đó là một thành công” – biên đạo múa Yuri Ng giải thích.

Cảnh trong vở kịch What is Success? được đạo diễn Edward Lam dàn dựng theo tiểu thuyết kinh điển Tam quốc diễn nghĩa.

Màn diễn kích thích tư duy của khán giả

Nhiều người coi cuốn Tam quốc diễn nghĩa là cuốn sách chỉ đường dẫn tới thành công. Họ phân tích xem làm thế nào để áp dụng những mưu kế trong cuốn truyện này tại nơi làm việc và trong các mối quan hệ.

Nhưng trong con mắt của đạo diễn Lam, đây là cuốn sách gồm những bài học được đúc kết từ thất bại. “Nhiều nhân vật chiến thắng ở chiến trường, nhưng họ lại mất đi sự tự do và bạn bè” – đạo diễn Lam nói.

Nhà biên kịch nữ Wong Wing Sze cho biết ban đầu bà không quan tâm tới tiểu thuyết mà chỉ chuyển thể nó một cách rập khuôn. “Sau này tôi mới nhận thấy rằng, những người đàn ông trong cuốn tiểu thuyết này cũng nhạy cảm như phụ nữ. Họ cũng ghen tuông và thù hận” - Wong Wing Sze nói.

Trong khi nhiều người cho rằng việc để các nữ diễn viên thể hiện các nhân vật nam trong cuốn truyện chẳng qua chỉ là một mánh lới quảng cáo vở kịch, nhà văn Đài Loan (Trung Quốc) Yang Chao đã ủng hộ quyết định của đạo diễn Lam. Yang cho rằng nữ giới có thể biểu hiện sự tổn thương trong tâm hồn một cách thẳng thắn, chứ không giấu giếm.

Chẳng hạn, 2 nữ diễn viên thủ vai Hoàng đế Tào Tháo và thần y Hoa Đà, đã thể hiện được màn đấu vật vô cùng ngoạn mục và thanh nhã qua các động tác múa, kéo, ôm. Qua màn đấu vật này, đạo diễn đã mô tả Tào Tháo phải vật lộn như thế nào giữa việc giết Hoa Đà và tình cảm của ông dành cho cho vị danh y.

“Đàn ông rất khó phơi bày được cảm xúc trong sâu thẳm con tim. Thật vụng về và khó khăn nếu như cảnh này do 2 người đàn ông thể hiện” – nhà văn Yang Chao khẳng định.

Đạo diễn Lam cho rằng một loạt bài học lịch sử trong vở kịch sẽ khiến khán giả suy ngẫm về những thách thức mà bất cứ thế hệ nào cũng phải đối diện. “Ngày nay, quá trình trưởng thành của một con người kéo dài hơn, khiến họ có rất ít thời gian để hiểu được bản thân. Một khi hiểu được mình, bạn sẽ xác định rõ được thành công và nhờ vậy bạn sẽ không thấy lo ngại khi không đáp ứng được kỳ vọng của người khác. Đó là một dấu hiệu quan trọng của sự trưởng thành” - đạo diễn Lam nói.

Edward Lam (ngoài 50 tuổi) là giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Múa Edward Lam, được thành lập từ năm 1991. Ông đã đạo diễn 30 tác phẩm. Ngoài vai trò đạo diễn, ông còn dạy kịch và nhiều loại hình sáng tạo khác. Ông là giảng viên Trường Đại học Hong Kong từ năm 1997 và còn cộng tác với nhiều tờ báo địa phương.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/nu-tinh-hoa-tam-quoc-n20130805005258617.htm