Nữ Việt kiều xây cầu, dựng trường

(VOV)-Một cuộc khởi động đầy tinh thần nhân văn từ những phụ nữ Việt kiều xa xứ gửi vào những cây cầu, ngôi trường dựng nên cho quê hương.

Xây cầu, làm đường trong ý nghĩ của mọi người thường là công việc của đàn ông. Vậy mà thời nay, nhiều phụ nữ đã tham gia làm việc này và làm rất hiệu quả.

V.L – Việt kiều Mỹ đang sống ở San Diego là một trong những phụ nữ ấy. Cùng với bạn bè và người thân, chị quyên tiền, góp công sức miệt mài bắc mới những cây cầu, làm giếng, dựng trường học để tặng đồng bào vùng sông nước Tây Nam Bộ và trẻ em miền núi, làm cho quê hương thêm no ấm, tươi đẹp.

Từ những cây cầu Tây Nam bộ...

Tiếp xúc với V.L (chị đề nghị không nêu tên), ít ai có thể nghĩ rằng, người phụ nữ xinh đẹp và duyên dáng này lại có thể làm được những công việc vất vả, đòi hỏi sự mạnh mẽ đến như vậy.

Niềm vui của các em và bà con ở miền Tây Nam Bộ trong ngày khánh thànhcầu mới. (Ảnh nhân vận cung cấp)

Trò chuyện với tôi, V.L không nói nhiều về mình mà say sưa kể về những công việc của nhóm thiện nguyện các chị cũng như nhiều kiều bào khác đã và đang thực hiện cùng niềm vui mà những cây cầu mới mang lại cho người dân và trẻ em vùng sông nước phía Nam.

V.L cho biết, ở bên Mỹ, khi nhà ai có đám hiếu, mọi người thường mang vòng hoa tới viếng. Những vòng hoa nhỏ có giá trị từ 200 đến 500 USD, nhưng cũng có vòng hoa lên đến hàng ngàn. Có những đám nhận 20-30 vòng hoa. Nhưng chỉ vài hôm sau đám tang, hoa chưa kịp héo đã bị đem vứt bỏ. Tiền mua vài vòng hoa ấy đủ để xây được cây cầu bê tông thay cho cầu khỉ. Tiền làm một giếng nước sạch cũng chỉ bằng mua một vòng hoa.

Nhận thấy sự lãng phí này, một số người trước khi mất có nguyện vọng được hiến tặng toàn bộ tiền phúng viếng để làm từ thiện như chăm sóc trẻ mồ côi, người già trong viện dưỡng lão hoặc xây dựng những công trình dân sinh giúp đỡ người nghèo bên quê nhà. Gia đình họ cũng nhận thấy việc làm này thật tốt đẹp và ý nghĩa nên đã nhanh chóng thực hiện sau khi người thân qua đời.

Trước khí có những cây cầu bê tông vững chắc, người dân và trẻ em vùng sông nước Tây Nam Bộ
thường đi lại bằng chiếc mảng như thế này. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trên thực tế, những khó khăn mà bà con ở miền sông nước Nam bộ đang gặp phải là thiếu nước sạch trầm trọng. Sông rạch chằng chịt khắp nơi nhưng phương tiện đi lại duy nhất chỉ là những chiếc ghe, vỏ lãi. Đường bộ trong thôn xóm nối với nhau chủ yếu bằng những chiếc cầu khỉ chênh vênh hết sức nguy hiểm và tai nạn sông nước xảy ra với trẻ nhỏ không phải ít. Từ đó, nhiều gia đình Việt kiều có người qua đời đã dành toàn bộ số tiền phúng viếng để xây cầu bê tông, đào giếng ở quê nhà. Việc làm này dần dần được nhiều bà con Việt kiều biết đến và ủng hộ. Thay vì phúng vòng hoa, mọi người bảo nhau phúng bằng tiền mặt, biến mỗi cuộc tiễn đưa thành ngày thiện nguyện.

Những chương trình xây cầu để hồi hướng công đức cho ông bà, cha mẹ vừa khuất đã ra đời. Thậm chí, nhiều bậc cao niên còn vui mừng và tự hào khi con cháu xây cầu, đào giếng cầu an cho cha mẹ ngay khi họ
còn sống. Tất cả những cây cầu hay giếng nước được xây từ số tiền đó đều được gắn biển có tên người tặng để tỏ lòng tri ân họ đã dành cho bà con nghèo món quà thắm đậm tình người.

Nhiều vùng quê sông nước, đường thôn xã được kiều bào góp sức mở mang và những cây cầu kiên cố mỗi năm một nhiều hơn. Nhờ vậy, việc đi lại của bà con không những thuận tiện mà ghe thương lái có thể vào tận nơi mua sản phẩm nên người dân đỡ bị ép giá, kinh tế trong vùng cũng phát triển hơn.

Chị V.L trên một cây cầy ván ở Cà Mau. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tôi hỏi V.L: "Tại sao chị lại chọn công việc rất khó khăn này?". Chị cho biết: "Do một lần tình cờ đọc báo trong nước thấy đăng tin - một cháu bé mầm non đi học về qua cây cầu khỉ, bị vướng chiếc balo vào một nhánh thân cầu. Sông không sâu nhưng do ngã mạnh, cháu bé bị rơi chìm ngụp trong dòng nước mà không ai hay. Những dòng tin chua xót ấy ám ảnh khủng khiếp. Vậy là tôi quyết định tìm về địa phương này với ý nghĩ phải xây dựng bằng được cây cầu bê tông vững chắc để sau này không còn đứa trẻ nào rơi vào cảnh thương tâm nữa".

Với V.L, mỗi cây cầu ra đời là một ân tình đối với người thân. Trong số cây cầu chị đã làm có một chiếc dành tặng cho bà mẹ nuôi người Mỹ. Bà là giáo viên trung học ở một quận miền Tây nước Mỹ, cũng là người từng đỡ đầu cho gia đình nhà chồng V.L khi họ mới sang định cư. Hàng năm, bà vẫn nhận được món quà kỷ niệm nho nhỏ bày tỏ lòng kính trọng của gia đình chị. Năm 2012, vợ chồng V.L muốn có một món quà thật đặc biệt để cảm ơn người mẹ thứ hai này. Và như thế, cây cầu Trọng Ân đã ra đời. Khi được nhận món quà tinh thần đầy ý nghĩa của vợ chồng chị, bà giáo già rưng rưng xúc động khi tên của bà được trang trọng viết trên thành chiếc cầu tại một vùng quê của đất nước Việt Nam xa xôi mà bà chưa một lần đặt chân tới. Bà giáo đã mang những tấm hình có cây cầu tới trường cũ khoe với mọi người về tấm lòng của những người đã được bà đỡ đầu thời gian khó.

Cầu Đại Bi tặng cha do một Việt kiều xây tặng xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chị V.L chia sẻ: mỗi cây cầu được xây dựng không chỉ là sự hồi hướng công đức cho người đã khuất; tri ân người mình biết ơn; chúc phước hạnh cho cha mẹ trong dịp mừng thượng thọ hoặc để giúp chính con mình sẽ vượt qua được khó khăn như cây cầu sẽ nâng đỡ bà con ruột thịt ở quê nhà. Và dù với tâm nguyện gì thì đây là những việc làm tốt đẹp và cao cả.

Suốt nhiều năm qua, người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu này như con thoi đi về giữa Mỹ và Việt Nam vì các chương trình từ thiện. Trong đó mục đích chính vẫn là để bắc thêm những cây cầu mới và làm ra những giếng nước sạch cho đồng bào vùng sông nước Tây Nam Bộ. Rất may là ý nguyện và những việc làm của V.L được chồng và cả gia đình tán đồng và hợp sức thực hiện. Không chỉ ủng hộ vợ, anh còn tạo điều kiện thuận lợi để chị có thể về nước thường xuyên. Hai người chị của V.L ở Mỹ cũng luôn chung tay đóng góp cả tinh thần lẫn vật chất với cô em trong những việc làm này.

Sau những cây cầu nhân nghĩa mà những kiều bào trao tặng nhau gửi về đất mẹ thân yêu: cầu Đại Bi tặng cha; cầu Bát Nhã tặng mẹ, rồi cầu Nhân trí, Khai trí, Huệ tâm. Trọng Ân... là những chiếc giếng nước sạch mang tên Thanh Lương, Cam Lộ, An lành, Hạnh phúc... nối tiếp ra đời đã đem lại bao niềm vui mới cho đồng bào những vùng quê nghèo khó.

Hè năm 2012, V.L về nước kết hợp bán hàng từ thiện để có thêm kinh phí giúp các lớp học miền núi. Sau đó chị vào Cà Mau khánh thành 3 cây cầu mới. Toàn bộ số tiền xây những chiếc cầu này đều do gia đình chị đóng góp.

Một cây cầu mới được khánh thành ở Cà Mau. (Ảnh nhân vận cung cấp)

Tháng 12/2012, V.L lại về Cà Mau khánh thành thêm 7 cây cầu tại các huyện: U Minh, Đầm Dơi, Phú Tân, Khánh Thuận, Khánh Hòa. Kiên Giang và Cà Mau cũng là hai tỉnh được hỗ trợ nhiều giếng nước nhất.

Mỗi năm V.L về Việt Nam khoảng 2 đến 3 lần. Mỗi lần về là một đợt đi nghiệm thu các công trình cầu cầu và giếng nước. V.L nói: “Tôi không nhớ tới nay đã làm được bao nhiêu cây cầu chị ạ. Chắc phải lúc nào rảnh ngồi xem lại hình cũ mới biết”.

Hiện chưa có con số chính xác về số lượng cầu khỉ ở miền Tây Nam Bộ được xóa sổ nhờ những tấm lòng hảo tâm và những việc làm từ thiện của những việt kiều từ nhiều nước trên thế giới góp sức như V.L. Chỉ biết, ở nhiều vùng quê sông miền Nam ngày càng nhiều cầu mới mọc lên từ những tấm lòng vì quê hương.

...Tới lớp học cho trẻ em vùng núi phía Bắc

Không chỉ dừng lại ở Tây Nam bộ, năm 2012, V.L và nhóm từ thiện của chị đã đồng hành cùng báo Giáo dục Việt Nam khảo sát và vận động quyên góp, xây dựng 4 điểm trường mầm non, mẫu giáo mới khang trang, kiên cố cho học sinh ở xã Kim Bon - một xã nghèo thuộc huyện Phù Yên, Sơn La. Tổng kinh phí xây các điểm trường: Đá Đỏ, Dằn A, Suối Kếnh và Suối Pa trị giá trên 1 tỷ đồng do gia đình V.L và các tổ chức, cá nhân kiều bào VN ở nước ngoài đóng góp: Hội Yểm trợ Trẻ em nghèo và bà Kim Bintliff - tại Houston, Texas (Hoa Kỳ); Quỹ Catherine Trần - Canada; Công ty Rock Revival.

Chị V.L (áo dài) dự lễ khánh thành 1 trong 4 điểm trường mới ở xã nghèo Kim Bon, H. Phù Yên, Sơn La

Về nước dự lễ khánh thành những điểm trường mới vào tháng 6/2012, V.L xúc động cho biết: lớp học bản Đá Đỏ tại Kim Bon là một món quà đặc biệt đối với chị. Kỷ niệm 15 năm ngày cưới, vợ chồng chị muốn dành cho nhau một chuyến du lịch ở Hongkong. Chuyến đi cứ bị dời lại, một năm, rồi hai năm vẫn chưa thực hiện được vì nhiều lý do. Ngày kỷ niệm cưới rồi cũng trôi qua, và với vợ chồng chị giờ đây, thực tế hơn là ở những vùng cao đang còn thiếu thốn trường, lớp học tử tế. Thay vì đi du lịch, vợ chồng chị đã quyết định dùng số tiền vào việc xây dựng lớp học ở Kim Bon. Vậy là niềm vui riêng được hòa cùng niềm vui chung của các em học sinh và giáo viên ở xã nghèo này.

Kể với tôi về những điểm trường mới ở Kim Bon, mắt V.L vẫn lấp lánh niềm vui như đang cùng các em nhỏ hân hoan mừng có lớp học mới của mình.

Chị V.L (áo đen giữa) trong một chuyến thăm hỏi và tặng các em học sinh nghèo ở Kim Bon.

Chưa hết, những ngày cuối năm 2012, V.L cùng nhóm từ thiện nghiệm về thu 2 lớp học mới ở Yên Bái và công trình nhà ăn cho học sinh bán trú trường tiểu học Pả Củ Tỷ huyện Bắc Hà, Lào Cai. Riêng ở Sơn La, nhóm của V.L đã sửa sang phòng học, nhà bán trú, đào giếng nước và tặng một số đồ dùng nhà bếp để sắp tới đưa bếp ăn tập thể vào hoạt động, giúp các em có thể chuyên tâm vào học tập, không phải tự nấu ăn và lo thực phẩm hàng ngày. Nhóm từ thiện cũng đã tặng 1.300 phần quà cho học sinh nghèo các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Bình. Đi thăm và tặng quà cho trẻ em ở Bệnh viện Nhi HN và Bệnh viện K trong dịp Noel.

Tâm nguyện V.L cũng như những người bạn đồng hành: họ chỉ muốn chia sẻ được phần nào những khó khăn của bà con nông dân và những trẻ em nghèo miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bởi dù ở đâu, cũng đều là quê hương, nguồn cội của mình./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/nguoi-viet/kieu-bao/nu-viet-kieu-xay-cau-dung-truong/245809.vov