Nức tiếng khô trâu Phước Long

Ngày xuân bên chén rượu nồng, món khô trâu thơm lừng lạ miệng sẽ khiến thực khách quên đi những món ăn tết quen thuộc dễ ngán. Mỗi tết, một cơ sở ở huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã bán khắp trong ngoài nước từ 2,5 - 3 tấn khô trâu để người tiêu dùng thưởng thức.

Vùng đất Bạc Liêu không thiếu tôm cá, nên mỗi khi Tết đến xuân về những món đặc sản vốn có sẽ trở nên ngán ngẩm. Để chiêu đãi khách ngày Tết, gia chủ thường nướng các món khô, kịp nhanh đưa cay cùng ly rượu xuân. Một trong những món khô hiện đang được yêu thích nơi đây, đó là món khô trâu.

Khô trâu phải đủ 3 nắng mới đạt chất lượng tốt nhất (Hoàng Nam).

Nổi tiếng nhờ ngon

Đến Bạc Liêu hỏi ở đâu bán món khô trâu ngon nổi tiếng, người dân sẽ chỉ cho du khách đến với cơ sở Phi Vân nằm ở ngay chợ thị trấn Phước Long, huyện Phước Long.

Đến nơi đây những ngày giáp Tết 2024, du khách sẽ thấy hai vợ chồng già, một người tất tả chạy thăm lật phơi số khô ngoài trước nhà. Một người còn lại đang tất bật đóng gói hàng trăm kg khô trâu gửi đi Đài Loan, Hong Kong.

Sạp khô Phi Vân ở Phước Long Bạc Liêu, chuyên tự làm thủ công và bán món khô trâu nổi tiếng (Hoàng Nam)

Nhờ mấy đứa cháu phụ giúp, số bán trên mạng, số thì đóng gói gửi. Ai muốn ăn mềm thì dặn trước. Đặt bao nhiêu làm tới đó, nên đảm bảo tất cả sản phẩm làm ra đều chất lượng.

Kể với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, chú Phi Vân 62 tuổi cho biết: “Hồi trước, làm nghề khác, một dạo chợt thấy nên nghiên cứu mày mò làm ra món khô trâu, thấy thu nhập ổn định nên theo nghề. Ấy vậy, nhờ ngon vừa miệng mà đã hơn 20 năm qua, món khô trâu đã đi khắp nơi trên thế giới.”

“Hàng tháng, Phi Vân bán ra thị trường vài trăm kg đến hàng tấn. Nhưng nhiều nhất là mỗi dịp Tết, tiêu thụ từ 2,5 đến 3 tấn là chuyện thường” - chú Phi Vân nói thêm.

Khô trâu khách hàng đặt mua đến đâu, hai vợ chồng mới làm đến đó để đảm bảo chất lượng tốt nhất ( Hoàng Nam).

Hồi đó, mới bán mời này người kia ăn thử, thấy ngon nên họ khuyến khích làm đại trà để kinh doanh. Dần dần nhiều người dân biết tiếng nên đã đặt hàng làm quà quê biếu Tết, nghề làm khô trâu của vợ chồng chú Vân mới ổn định như hôm nay. Nhờ đó, mấy đứa con đều ăn học thành tài làm việc ở xa. “Khổ nổi, có công ăn việc làm ổn định rồi không đứa nào về phụ cả, chỉ vợ chồng già thui thủi một mình” – cô Nguyễn Thị Thêu 58 tuổi, vợ chú Vân nói.

Bí quyết làm nên thương hiệu

Vợ chồng chú cho biết, để làm ra món khô trâu nổi tiếng, thịt và gia vị là hai nguyên liệu quan trọng nhất. Tất cả các khâu đều phải làm tỉ mỉ thủ công. Theo đó, thịt trâu chỉ là loại thịt bắp, thịt đùi được đặt gom từ các lò mổ quanh vùng. Khi đang còn tươi phải lọc tách bỏ gân, mỡ để khi ăn không bị dai và tanh. Gia vị bao gồm đường muối, bột ngọt (mì chính), nước tương, tỏi ớt, xả bầm nhuyễn là chính.

Khô trâu phải được phơi khô đủ 3 nắng, tuyệt đối không sấy bằng máy (Hoàng Nam)

Nhưng quan trọng nhất để khô ngon, đó là khâu phơi năng. Thịt trâu sau khi ướp đẫm gia vị, phải được phơi đủ 3 nắng (tức 3 ngày nắng lớn). Sau khi chế biến và phơi, 2,5 kg thịt tươi mới cho ra được 1 kg khô trâu. Nên hiện giá mỗi kg khô trâu đang dao động từ 580.000 đến 600.000 đồng/kg.

Nguyên liệu thịt trâu phải tươi và lọc bỏ gân, mỡ (Hoàng Nam)

“Những lúc trời mưa nhưng phơi chưa đủ nắng, phải hút chân không đưa vào tủ lạnh đợi trời nắng để phơi tiếp. Ai muốn ăn mềm hơn thì dặn, sẽ phơi nắng yếu hơn. Nhưng tuyệt đối không thể đem sấy bằng máy, vì khô trâu sẽ kém chất lượng, đây là nguyên tắc. Nên những lúc mưa sòng, thì chịu thua” – chú Phi Vân kể.

Trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Hoàng Mến, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phước Long cho biết: “Khô trâu ở cơ sở Phi Vân được xem như là thương hiệu mạnh nổi tiếng của huyện, được người tiêu dùng yêu thích từ nhiều năm qua. Trong năm 2024, huyện sẽ hỗ trợ xúc tiến các thủ tục để mặt hàng này trở thành sản phẩm OCOP 3 sao.”

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nuc-tieng-kho-trau-phuoc-long.html