Núi lửa cao nhất Triều Tiên: Mầm xung đột với TQ

Tranh chấp chủ quyền giữa Triều Tiên và Trung Quốc quanh ngọn núi Paektu có thể khiến căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên thêm leo thang.

Núi Paektu vẫn là chủ đề tranh chấp lãnh thổ giữa Triều Tiên và Trung Quốc.

Một trong những tranh chấp lãnh thổ ít được biết đến nhất ở châu Á là vấn đề xung quanh ngọn núi Paektu. Người Trung Quốc gọi ngọn núi này là Trường Bạch, dân Triều Tiên gọi là Paektu. Thỏa thuận từng được Trung Quốc và Triều Tiên kí năm 1963 trong đó chấp nhận giao 3/5 diện tích và hồ trên núi cho phía Triều Tiên quản lý, còn lại thuộc chủ quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, phần biên giới xung quanh chưa được đề cập cụ thể.

Gần đây dư luận nổi lên tranh cãi gay gắt về vấn đề chủ quyền lãnh thổ quanh núi Paektu. Năm 2014, Hàn Quốc đã bị phía Triều Tiên chỉ trích dữ dội vì một ca sĩ nước này cầm chai nước có thương hiệu “Núi Trường Bạch”.

Năm 2015, truyền thông Trung Quốc bày tỏ phẫn nộ khi kênh chính thống của nước này dùng từ Paektu thay vì Trường Bạch. Họ cho rằng đây là sự phản bội, chẳng khác gì gọi hòn đảo Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản bằng tên gọi Senkaku.

Hai lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, phía sau là ngọn núi huyền thoại Paektu.

Một lí do quan trọng khiến ngọn núi Paektu nhạy cảm vì đây là biểu tượng duy nhất ở Triều Tiên. Đây là nơi nhà nước đầu tiên trên bán đảo Triều Tiên, Dangun, được hình thành bởi Hwanung. Theo truyền thuyết, Hwanung từ trên trời phái xuống và xây dựng một thành phố thần bí trên đỉnh núi Paektu. Chính vì thế, người Hàn Quốc và Triều Tiên rất sùng bái ngọn núi này, thậm chí quốc ca xứ sở kim chi còn xuất hiện tên Paektu trong câu hát đầu tiên.

Núi Paektu là nơi lãnh tụ quá cố Kim Nhật Thành chống lại quân phát xít Nhật và cũng là quê hương nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Triều Tiên thường in hình ảnh núi Paektu trên các bảng hiệu, tranh cổ động của mình đằng sau hai nhà lãnh đạo quá cố.

Với Trung Quốc, mặc dù ngọn núi không có ý nghĩa quan trọng tới vậy nhưng đã tồn tại trong lãnh thổ nước này hàng trăm năm. Dân tộc thiểu số người Mãn và triều đại nhà Thanh đều tôn thờ ngọn núi này.

Ba kịch bản có thể xảy ra xung quanh ngọn núi lửa cao nhất Triều Tiên: Trước hết, nếu Triều Tiên thống nhất hai miền, chắc chắn lãnh thổ của ngọn núi Paektu sẽ là chủ đề tranh cãi chính giữa Seoul và Bắc Kinh. Khi đó, chủ nghĩa dân tộc của bán đảo Triều Tiên dâng cao và việc giải quyết xung đột lãnh thổ với người láng giềng hùng mạnh sẽ không hề dễ dàng.

Triều Tiên thường xuyên thử hạt nhân, cách núi Paektu chỉ 50km.

Thứ hai, cách không xa núi Paektu là Khu tự trị của người Trường Bạch Triều Tiên và Khu tự trị người Diên Biên Triều Tiên. Nếu xung đột xảy ra, hai luồng dân cư này có thể sẽ tràn sang Trung Quốc, gây ra hệ quả mà Bắc Kinh không hề mong muốn.

Thứ ba, Bình Nhưỡng sẽ cố gắng hết sức để hạn chế xung đột lãnh thổ vì mối quan hệ thương mại với người láng giềng Trung Quốc là rất quan trọng. Trung Quốc cung cấp 90% lượng nhiên liệu cho Triều Tiên.

Cả ba kịch bản này đều có thể biến xung đột quanh núi Paektu trở thành vấn đề lớn khiến căng thẳng ở khu vực này leo thang, nhất là giữa Triều Tiên và Trung Quốc.

Ngoài ra, một yếu tố nữa cũng phải kể đến là ngọn núi Paektu vẫn còn hoạt động. Nếu những vụ thử hạt nhân dưới lòng đất của Triều Tiên tiếp tục diễn ra, không biết điều gì sẽ ập đến nếu ngọn núi cao hơn 2.700m phun trào.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/nui-lua-cao-nhat-trieu-tien-mam-xung-dot-voi-tq-664009.html