Núi thiêng bật khóc

Khi nhìn Núi Bà đầy thương tích, người dân địa phương nghẹn ngào nói rằng mình bưng chén cơm không dám và vô miệng vì bụi đá bay trắng xóa đặc sệt trong không trung, nhiều hecta ruộng chân núi nham nhở đá dăm và bột xám đến nỗi cây lúa không dám mọc, hay lỡ mọc thì không dám trổ bông, xám ngoét cả mùa màng.

Những bức ảnh dưới đây chúng tôi ghi dọc Núi Bà, tại các công trường khai thác đá ngày ngày rầm rộ làm dậy khói một vùng sơn địa, khiến người dân bột đá chan cơm, nứt nhà, chết ruộng.

Báo chí thời gian qua vào cuộc quyết liệt nhưng đâu lại vào đấy.

Núi Bà thuộc sơn mạch của Trường Sơn tráng lệ, trên trục Bắc - Nam tự dưng động lòng nhớ biển, bứt ra một nhánh phăng phăng chạy về Đông, để lại một dải hùng sơn trên đất Bình Định và trở thành vùng sinh trưởng của muôn loài sơn cầm dã thú.

Ở đây có trăn da báo, rắn trắng mồng đỏ, cọp tàu cau, chồn hương... nhưng hiện giờ nhiều loài đã biệt bóng.

Núi Bà nhìn từ xa. Ảnh: Huyền Trang

Đây là dãy núi nổi tiếng sớm được khảo tả trong "Đại Nam Nhất Thống chí" triều Nguyễn, "Nước non Bình Định" của Quách Tấn, với 66 đỉnh cao thấp khác nhau, án ngữ vùng Đông Nam huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Diện tích tự nhiên của Phù Cát là 672,470 km2 thì riêng Núi Bà chiếm khoảng 40km2, cho nên, dù là một huyện đồng bằng, nhưng Phù Cát có Núi Bà làm “đặc sản”.

Đầu thế kỷ này, người dân nơi đây vẫn còn giữ trong tâm thức những huyền thuyết thú vị về các sơn thần quyền năng. Cứ mỗi độ 13 tháng Giêng, dân Phù Cát hội tụ về An Đức làm lễ Mở mắt rừng rồi sơn dân mới được vào núi chăn dê, hái quả, kiếm củi.

Ở khu vực dưới Hang chàng Lía, năm 2006 hãy còn một thạch trận gồm hàng trăm tảng đá mồ côi, theo các sơn dân Trần Thị Chung, Thái Văn Ca, thì ngày xưa chàng Lía gánh đá từ Núi Một xuống bày trận để ngăn quan quân nhà Nguyễn đột nhập. Chẳng may bị đứt quang gánh, một hòn văng ra án ngữ gần xóm Gò Quy, Lía chạy tới vác hòn đá lên, dậm mạnh xuống đất lấy thế, đến nay vẫn còn một tảng đất lớn hình dấu chân người.

Lại có người kể đêm đêm từ đá núi có một đàn rết vàng kéo ra đi ăn, ăn xong lại biến vào đá núi. Núi Bà còn là một khu danh thắng với những ngôi chùa cổ vào hàng danh tự như chùa Ông Núi (tức chùa Linh Phong), chùa Ông Đá (Thiên Bửu Thạch tự)…

Có một truyền thuyết mới về Núi Bà thế kỷ XX, rằng đó là miền anh hùng cứ địa. Núi vươn mình che chở những người đi ngược chiều với dân săn ngà voi.

Họ là những chàng trai từ miền Bắc vào, theo dãy Trường Sơn đến trú giữa núi sâu vùng Cát Sơn, phía Tây huyện Phù Cát, rồi âm thầm chuyển động về phía mặt trời mọc, về với các xã mạn Đông như Cát Trinh, Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Tiến...

Chuyển động về phía mặt trời mọc nhưng họ phải đi đêm để qua mắt quân thù.

Theo chân giao liên những đêm tối trời, họ trải ni lông băng qua quốc lộ, đi đến đâu cuốn ni lông đến đấy.

“Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” đã trở thành yếu quyết sinh tồn của quân giải phóng.

Tôi vẫn còn tìm thấy những khuôn bếp bằng đất nặn đã bạc màu trắng phớ trong các ngách đá trên Hang Chàng Lía tại Hòn Một, xã Cát Trinh và trong nhiều hang cách mạng khác trong lòng Núi Bà.

Đó là dấu vết còn lại của những cánh quân giải phóng từ phía Tây băng đường về đây trú ẩn rồi dần dần chiếm lĩnh những vị trí trọng địa khác, bền bỉ nối với dân, tổ chức đánh địch thất điên bát đảo.

Từ trong lòng những ngọn núi xanh từ Tây sang Đông Phù Cát, họ đã trỗi dậy như sấm chớp, cùng quân dân địa phương làm nên kỳ tích lịch sử vào tháng 3.1975.

Từng là mái nhà của những cánh quân giải phóng và dân quân du kích địa phương, Núi Bà trở thành khu căn cứ địa cách mạng vĩ đại của Bình Định với 22 di tích lưu giữ hồn vía cuộc kháng chiến chống Mỹ và cũng mặc nhiên, theo quy luật tàn khốc của chiến tranh, lưu giữ xương cốt bao anh hùng liệt sĩ đã hy sinh.

22 di tích mà tôi đề cập là các hang động mà bộ đội và dân kháng chiến lập căn cứ địa, đã được xếp hạng cấp quốc gia.

Hiện nay, hang Chàng Lía ở Hòn Một và một hang Cách mạng gần Hố Giông xã Cát Trinh đã bị các đá tặc xẻ núi làm lấp miệng hang.

Chị Vân - Phó Chủ tịch HĐND huyện Phù Cát nói rằng cha chị và nhiều liệt sĩ khác đã hy sinh ở đó.

Hang Cách mạng và Hang Chàng Lía đã quen thuộc trong tâm thức người dân bao đời, giờ đây trước nguy cơ mất dấu. Thế nhưng thẩm định về khả năng ảnh hưởng của việc khai thác đá với các di tích kháng chiến Núi Bà, theo ngành văn hóa Bình Định, cho đến nay các hang này chưa được xếp hạng nên không thể nói là di tích bị xâm hại?!

Quá là đúng và cái đúng ấy cực kỳ vô cảm, vì một ngành gác cửa văn hóa lại không hiểu điều đơn giản rằng đối với một nơi đã là địa linh minh sử, đã thành di tích trong lòng người, thì việc xếp hạng chỉ là vấn đề thủ tục mà thôi.

Đối với những người đã từng có thời trực tiếp gắn bó với nơi này hoặc có người thân đã từng sống, chiến đấu và hy sinh tại đây thì việc đang mất dần những di tích ấy quả là một điều khó chấp nhận. Người thừa hưởng hòa bình từ máu xương tiền nhân mà vô tâm thì hòn đá làm sao mở miệng? Bia miệng người đời liệu có tha thứ cho những kẻ tiếp tay phá dỡ hay chà đạp lịch sử?

Và bây giờ người ta xẻ thịt núi Bà

Người dân địa phương nghẹn ngào nói rằng mình bưng chén cơm không dám và vô miệng vì bụi đá bay trắng xóa đặc sệt trong không trung.

Rằng đường dân góp phần với nhà nước cùng làm bị xe chở đá cày vỡ nát.

Rằng việc nổ mìn phá đá làm tường nhà bị nứt.

Rằng nhiều hecta ruộng chân núi nham nhở đá dăm và bột xám đến nỗi cây lúa không dám mọc, hay lỡ mọc thì không dám trổ bông, xám ngoét cả mùa màng.

Doanh nghiệp hơi tử tế (không có nhiều doanh nghiệp hơi tử tế) thì đền cho dân khoảng 4.200 VNĐ /m2.

Tôi thực mục sở thị tập hồ sơ do xã Cát Nhơn cung cấp, trong đó có nhà được đền bù mùa vụ lên bạc triệu, tính tỷ lệ đất bị xâm hại không sản xuất được theo cấp số nhân.

Nhưng để được đền bù, người dân đã phải kêu ngày kêu đêm trong các cuộc họp dân, mà dễ đến nửa năm mới họp một lần, rồi làm đơn kiến nghị, rồi chặn xe chở đá.

Khi doanh nghiệp chịu đền bù, xã mời dân ra thỏa thuận. Ừ thì được một ly một lai còn hơn mất trắng.

Thế là anh cây chết ký, anh ruộng hư ký, anh nứt tường nhà ký.

Thảm nhất là trường hợp qua rất nhiều giấy tờ, chữ ký mà người bị thiệt hại cầm được đúng 84.000 đồng! Tức là một mùa gieo trồng đổi bằng 3 tô bún giò hoặc 8 lá bánh xèo!!!

Các công trường khai thác đá ở cát xã Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Tường, Cát Trinh vẫn đang tiếp tục xẻ Núi Bà. Đã có những dãy núi mất chân. Đã có những dãy núi bị vạt tận xương sống.

Bao giờ thì vạt đến tim? Và các chú, các cô, các anh chị vĩnh viễn nằm lại trong các hang đá, thịt xương đã tan hòa trong núi, có đau không, Núi Bà ơi?

Trần Thị Huyền Trang

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nui-thieng-bat-khoc-787059.html