Nước Anh hướng tới kịch bản Brexit 'mềm'

Trước thời điểm vòng đàm phán tiếp theo về vấn đề Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit diễn ra vào cuối tháng 8, nhiều Bộ trưởng trong chính phủ Anh đã nghiêng về phương án một Brexit 'mềm', qua đó giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực của quá trình Anh rời EU đối với nền kinh tế.

Theo đó, Anh sẽ tạm thời ở lại Liên minh thuế quan cũng như thị trường chung châu Âu như một phần trong kế hoạch chuyển tiếp kéo dài từ 2 - 3 năm sau tháng 3/2019, thời điểm Anh chính thức rời EU. Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond là người đã đứng ra vận động tích cực cho Brexit “mềm”, khi ông cho rằng Anh nên ở lại Liên minh thuế quan ít nhất là sau thời điểm tổng tuyển cử vào năm 2022, khi chính phủ mới có thể bắt nhịp và ổn định hoạt động.

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond - người ủng hộ tích cực cho Brexit _mềm_ - Ảnh Financial Time.

Ngay cả một nhân vật ủng hộ tích cực cho Brexit “cứng” như Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Liam Fox cũng thừa nhận sự cần thiết của một kế hoạch chuyển tiếp. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, chính phủ cần phải đặt ra một mốc thời gian cụ thể cho quá trình này. Việc nước Anh đang dần nghiêng về phương án Brexit “mềm”, bất kể đó là tạm thời hay lâu dài, đã cho thấy sự lo ngại của London trước những thách thức nếu quyết tâm áp đặt các biện pháp cứng rắn để rời khỏi EU.

Trong trường hợp Anh rời khỏi Liên minh thuế quan, việc xuất khẩu hàng hóa của các DN nước này sang EU sẽ trở nên phức tạp hơn khi có sự xuất hiện của thủ tục hải quan, kể cả trong trường hợp London và Brussels đạt được một thỏa thuận thương mại. Đồng thời, làm dấy lên lo ngại về sự quá tải của hệ thống hải quan Anh khi phải đối mặt với một lượng hồ sơ khai hải quan tăng đột biến, ước tính lên tới 300 triệu hồ sơ vào năm 2019. Trong khi đó, các DN Anh phải đối mặt với luật về xuất xứ hàng hóa, nội dung thường được đàm phán trong các thỏa thuận thương mại tự do. Đây sẽ là rào cản không nhỏ trong việc EU chấp nhận hàng hóa của Anh được ưu đãi về thuế. Nhận định về vấn đề này, Phó Chủ tịch Tập đoàn Honda Motor Europe, ông Ian Howells cho biết: “Thông thường, luật này quy định một sản phẩm phải có 50 - 60% cấu phần có nguồn gốc từ nước xuất khẩu để đạt được các ưu đãi về thuế quan. Trong khi tỷ lệ này ở các mẫu xe ô tô sản xuất tại Anh hiện chỉ ở mức 40% và các DN có thể tính cả những cấu phần sản xuất tại các nước thành viên EU để đạt được yêu cầu này”. Việc không thể đạt yêu cầu về luật xuất xứ hàng hóa có thể buộc ngành công nghiệp sản xuất ô tô Anh phải có những thay đổi lớn về phương thức sản xuất nếu không muốn bị bỏ lại đằng sau trong các thỏa thuận thương mại tự do với EU.
Rõ ràng những tác động tiêu cực từ Brexit đang ngày càng lộ rõ và tác động trực tiếp vào cuộc sống người dân Anh đặt London vào thế phải có những giải pháp trong đàm phán với EU.

Ngọc Lâm

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nuoc-anh-huong-toi-kich-ban-brexit-mem-295297.html