Nước Anh rối bời sau quyết định Brexit

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23/6 với việc đa số người Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã khiến chính trường nước này rơi vào bất ổn.

Một người dân London đeo chiếc túi xách ghi thông điệp "Bình tĩnh và đi tới". (Nguồn: AFP)

Quyết định Brexit đang đẩy nước Anh vào một cuộc khủng hoảng lớn mà các dự báo, đánh giá trước thời điểm trưng cầu dân ý đã chưa thể lường trước được, từ chia rẽ xã hội cho đến rạn nứt nền tảng chính trị của vương quốc.

Trước hết, về các đảng phái ở Anh, hiện Đảng Bảo thủ cầm quyền đang rối ren vì khoảng trống quyền lực sau khi Thủ tướng David Cameron tuyên bố sẽ từ nhiệm trong tháng 10 tới. Trong khi đó, các thành viên cao cấp thuộc Công Đảng đã lên tiếng chống lại thủ lĩnh đảng Jeremy Corbyn. Nhiều thành viên thuộc Nội các Anh đã từ chức hoặc bị sa thải sau khi lên tiếng phản đối sự lãnh đạo của ông Corbyn.

Ở Scotland, Thủ hiến Nicola Sturgeon đã mạnh mẽ tuyên bố bảo vệ đến cùng vị trí của Scotland trong EU, thậm chí sẽ trưng cầu ý dân tách khỏi Vương quốc Anh nếu cần. Chính sách này đi ngược lại với mong muốn của đa số người Anh (England) về việc rời khỏi EU, điều mà nhiều người bỏ phiếu đồng ý sau đó lại tỏ ra hối hận và mong muốn tổ chức lại trưng cầu dân ý.

Trong bối cảnh Thủ tướng Cameron sắp từ chức để nhường đường cho người khác dẫn dắt quá trình Anh rời bỏ EU, câu hỏi quan trọng đang được đặt ra là ai sẽ dẫn dắt nước Anh trong giai đoạn tới. Một vài người nổi lên như là ứng cử viên hàng đầu thay thế ông Cameron ở vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ cũng như chức Thủ tướng Anh.

Nữ Bộ trưởng Nội vụ Theresa May được tin là có nhiều khả năng kế nhiệm ông David Cameron. Bà là người ủng hộ các chính sách an ninh và chống khủng bố cứng rắn nhưng gây nhiều tranh cãi, và là người phụ trách việc quản lý biên giới. Bà May vốn ủng hộ Anh ở lại EU, nhưng về nhiều khía cạnh vẫn là người hoài nghi về tương lai khối này và đã cam kết sẽ thúc đẩy quá trình rời khỏi liên minh. Ngoài ứng viên sáng giá trên còn có Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Gove, Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Andrea Leadsom và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox.

Tuy nhiên, cho dù ai là Thủ tướng tương lai thì vấn đề quan trọng hơn nữa sẽ là việc đưa nước Anh đi theo đường hướng nào để đảm bảo duy trì vị trí cường quốc của Anh một khi đã ra khỏi EU. Đáng chú ý, trong khi hầu hết các lãnh đạo EU đều hối thúc Anh nhanh chóng bắt đầu quy trình đàm phán ra khỏi liên minh thì các ứng cử viên nặng ký cho vị trí kế nhiệm Thủ tướng “xứ sở sương mù” đều muốn trì hoãn quá trình này ít nhất là cho đến cuối năm 2016.

Có thể nói, sau sự kiện trưng cầu dân ý, EU muốn nhanh chóng “ly hôn” với Anh nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng của Brexit đến toàn liên minh. Từ nay đến khi Anh thực sự ra khỏi EU sẽ là quãng thời gian mà nước Anh “rối bời” bởi rõ ràng cuộc trưng cầu dân ý nhiều cảm tính mà ít lý tính đã đưa Anh vào thế khó khi chưa chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản này.

Ngọc Hùng

Thế giới & việt nam

Nguồn TT&CL: http://trithuccongluan.com.vn/the-gioi/7210-nuoc-anh-roi-boi-sau-quyet-dinh-brexit.html