Nước mắt trên đỉnh Hoành Sơn

Những ánh mắt hoảng loạn, đôi bàn tay sần sùi bám đầy bùn đất, những thi thể ngổn ngang tại hiện trường sạt lở... máu và nước mắt đã rơi trên đỉnh Hoành Sơn.

Nghẹt thở 4 giờ đồng hồ cứu hộ

14h48 ngày 6/5, điện thoại Trung Tá Nguyễn Thái Sơn (Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) reo liên hồi. Đầu dây bên kia, giọng Bí thư Thị ủy Kỳ Anh Nguyễn Hoài Sơn gấp gáp: “Xảy ra sạt lở trên núi Hoành Sơn, anh em triển khai nhanh lực lượng cứu hộ”.

Chuông báo động vang lên, chỉ mấy giây sau, 30 cán bộ, chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự (BCHQS) thị xã Kỳ Anh tập hợp, nhận lệnh, mang theo cuốc, xẻng bộ binh, cáng, võng… khẩn trương lên đường tiếp cận hiện trường vụ sạt lở tại Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu.

Toàn cảnh Dự án đường dây 500kv Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đoạn qua địa bàn phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Chiếc xe cứu hộ vù chạy, xẻ toang ráng nắng trời chiều thị xã Kỳ Anh.

15h06, lực lượng cứu hộ BCHQS có mặt tại chân núi Hoành Sơn. Lúc này, lực lượng phòng cháy chữa cháy, công an, dân quân tự vệ, chính quyền địa phương... khoảng 100 người cũng đã có mặt, bắt đầu hành quân lên núi, tiếp cận hiện trường sạt lở.

Móng trụ số 28, nằm ở Khoảnh 2, Tiểu khu 389A, thuộc lâm phần do BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh quản lý - được xác định là nơi xảy ra sạt lở, nhận định, rất nhiều công nhân đã bị vùi lấp. Tình hình cấp bách, dẫn đầu đoàn cứu hộ, Trung tá Nguyễn Thái Sơn chỉ huy: Phải tìm đường ngắn nhất để lên núi!

Dấu tích sạt lở tại khu vực hiện trường.

“Địa hình núi dốc đứng, cheo leo, vừa đi vừa xác định cung đường nào ngắn nhất nên vô cùng khó khăn. Anh em chiến sĩ vừa đi vừa chạy giữa lưng chừng núi quyết tâm cứu người là cấp bách”, Trung tá Nguyễn Thái Sơn nói.

Một tiếng sau, dưới chân móng trụ số 28, một khung cảnh tan hoang hiện ra trước mắt lực lượng cứu hộ.

Trung Tá Nguyễn Thái Sơn (chỉ tay- pv) trực tiếp chỉ đạo cứu hộ tại hiện trường vụ sạt lở.

“Địa hình lúc đó quá nguy hiểm, trên đầu chúng tôi là móng trụ số 28 với cả khối đất đá khổng lồ. Phía bên cạnh là khe cạn với lượng đá cuội ngổn ngang sạt lở. Nhận thấy nguy hiểm, tôi hô lớn: Anh em lùi lại phía sau”, Trung tá Nguyễn Đức Bình – một cán bộ BCHQS cùng tham gia cứu hộ kể lại.

Lúc này, những công nhân còn sống sót, chân, tay, mặt mũi loang lổ máu và bùn đất, ú ớ nói không rõ vừa hoảng loạn vừa vui mừng khi nhìn thấy lực lượng cứu hộ. Một công nhân tỉnh táo nhất cho biết có tổng 18 lao động tại đây. Từ thông tin này, lực lượng cứu hộ bắt đầu loại trừ, triển khai tìm kiếm.

Chiếc lán nơi nghỉ của 18 công nhân thi công dự án đường dây 500kV dưới chân núi, cách vị trí móng trụ số 28 khoảng 100m.

Nồi cơm nguội ăn dở, thức ăn bữa tối chưa kịp nấu…

…và chiếc mũ bảo hộ của những công nhân bị đất đá đè nát tại hiện trường vụ sạt lở.

Lần lượt những công nhân được lực lượng cứu hộ tìm thấy rải rác gần khu vực lán trại. Trong số đó, 03 nạn nhân được xác định đã tử vong. Bên bờ suối, ngay tại hiện trường cứu hộ, những thi thể được đưa xuống rửa sạch sẽ, đặt cẩn thận lên cáng võng. Số công nhân bị thương còn lại được sơ cứu, khẩn trương đưa xuống núi trước khi trời tối.

“Hiện trường lúc đó quá thương tâm. Chúng tôi lật từng viên đá lên, đưa thi thể xuống suối rửa sạch sẽ, đặt vào võng. Những công nhân bị thương hoảng loạn, được chúng tôi trấn tĩnh, sơ cứu, gấp rút đưa xuống núi”, giọng Trung tá Sơn trầm lại.

Ngày buồn trên đỉnh Hoành Sơn

Núi Hoành Sơn cheo leo trong ráng chiều, phía trên là đồi dốc, phía dưới là vực sâu. Đường lên đã khó, đường xuống núi lại càng khó gấp bội. Các cán bộ, chiến sĩ cứu hộ tháo giày, đi chân đất để có thể bám được thật chắc vào sườn núi. Trên vai họ là cáng võng gánh thi thể và các công nhân bị thương.

Trung tá Đậu Minh Hưng (ngoài cùng bên trái) cùng anh em chiến sĩ đơn vị nỗ lực tiếp cận hiện trường và cứu hộ.

Phương án dây chuyền trong chiến đấu được triển khai ngay tại hiện trường cứu hộ. Cung đường xuống núi tầm 4km đường rừng, mỗi cung đoạn được bố trí cắm một chốt, chuyền nhau, lần lượt di chuyển các nạn nhân xuống núi.

Thi thoảng giọng Trung tá Sơn lại hô lớn chỉ huy: “Đứng nghỉ tại chỗ, không đặt võng xuống”. Chiếc áo rằn ri của anh cùng đồng đội ướt đẫm mồ hôi, tiếng thở dốc gấp gáp, tiếng bước chân thình thịch, xé rừng chiều trên đỉnh Hoành Sơn.

Trên chênh vênh sườn núi, lực lượng cứu hộ nỗ lực đưa thi thể và các nạn nhân bị thương xuống núi nhanh nhất.

Mỗi giây trôi qua là ranh giới sinh tử của các nạn nhân nên lực lượng cứu hộ nỗ lực hết sức...

“Tôi và Trung tá Nguyễn Quốc Hương cáng phía sau. Đồng chí Thắng và Nghĩa cáng phía trước, những anh em chiến sĩ khác được bố trí cả trước và sau. Chúng tôi vừa cáng, vừa đi vừa nắm tay nhau để tạo lực bám. Những bàn chân trần bấm chặt xuống nền đất đoạn thì bùn lún, đoạn thì đá nhọn, cheo leo bên sườn núi, làm sao nhanh nhất đưa thi thể và các nạn nhân bị thương xuống núi”, Trung tá Nguyễn Đức Bình - một cán bộ BCHQS tham gia cứu hộ kể lại.

“Anh em chiến sĩ rất mệt, di chuyển trên địa hình sườn núi dốc đối mặt nguy hiểm nhưng quyết tâm không đặt thi thể xuống để giữ cho họ được sạch sẽ. Đó là điều duy nhất và cuối cùng chúng tôi có thể làm cho họ”, giọng Trung tá Sơn trầm ngâm.

Dưới chân núi, lực lượng chức năng chờ sẵn để nhanh chóng tiếp nhận các nạn nhân đưa đi cấp cứu.

17h54 cùng ngày, lực lượng cứu hộ đưa được 03 thi thể và nhóm công nhân bị thương xuống núi an toàn. Dưới chân núi, lực lượng cấp cứu đã chờ sẵn. Những chiếc xe cứu thương hú còi, tức tốc chạy về hướng Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh.

Toàn cảnh vị trí móng trụ số 28 – khu vực xảy ra vụ sạt lở.

Luân chuyển nhiều đơn vị trong suốt quá trình công tác, khi đang ở Sư đoàn 324 (Quân Khu 4), Trung tá Đậu Minh Hưng (cán bộ BCHQS) từng tham gia cứu hộ tại sự cố sạt lở Thủy điện Bản Vẽ (xảy ra vào năm 2017), nhưng anh nói rằng, đối với anh hiện trường sự cố sạt lở tại Dự án đường dây 500kV quá ám ảnh.

“Tâm trí của tôi ám ảnh mãi đôi bàn tay của một thi thể. Đôi bàn tay của bác ấy thô ráp, sần sùi, lấm lem bùn đất, hình hài không còn nguyên vẹn…”, giọng Trung tá Đậu Minh Hưng nghẹn lại.

Tối đó, anh em chúng tôi đều không ngủ được. Nằm bên Trung tá Nguyễn Quốc Hương, hai anh em chúng tôi không ai nói với ai câu nào, tiếng thở dài trằn trọc thâu đêm”, Trung tá Hưng chia sẻ.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Thái Sơn nhiều lần khựng lại. Anh nói rằng, những hình ảnh hiện trường vụ sạt lở quá xót xa khiến anh trằn trọc, suy nghĩ. Quả bầu, nồi cơm nguội nấu dở, chiếc bạt che tạm làm nơi ăn nghỉ bên bờ suối, những chiếc võng bị vùi lấp dưới đống đất đá… hình ảnh đó cả cuộc đời anh không bao giờ quên được.

Chính trị viên Nguyễn Thái Sơn trầm ngâm khi nói về vụ sạt lở.

Theo chính trị viên Nguyễn Thái Sơn, để cuộc cứu hộ diễn ra an toàn, nhanh chóng đó là kết quả sự tổng lực của nhiều đơn vị: Bộ đội, công an, dân quân tự vệ, chính quyền địa phương… Việc đảm bảo an toàn cho anh em chiến sĩ cũng là điều rất quan trọng, xuyên suốt quá trình cứu hộ tại sự cố.

“Khi tiếp cận hiện trường sạt lở tại vị trí móng trụ số 28, quan sát hiện trạng trên đó, chúng tôi rất lo ngại về nguy cơ sạt lở nhất là trong mùa mưa bão này”, Chính trị viên Nguyễn Thái Sơn nói thêm.

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, quá trình thi công dự án, nhiều vị trí đồi núi đã bị đơn vị thi công băm xẻ để làm đường công vụ, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.

Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu dài 226km, là một trong bốn dự án thành phần thuộc Dự án đường dây 500kV mạch 3, có chiều dài 514km, được nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên) với tổng vốn đầu tư 23.000 tỷ đồng do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, BQL dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) quản lý điều hành. Đoạn qua địa bàn thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) dự án có 42 móng trụ với tổng diện tích 16,49ha với 05 đơn vị thi công, gồm: Công ty TNHH MTV xây lắp điện, Công ty TNHH điện Địa Phương; Công ty CP XD - EVN Quốc tế 1, Công ty lắp máy và xây dựng điện IEC, Công ty Cổ phần Sông Đà 5. Riêng vị trí xảy ra sự cố sạt lở đất do Công ty TNHH xây lắp điện 4 thi công.

Tại dự án này, đoạn qua địa bàn thị xã Kỳ Anh, nhiều diện tích lớn rừng phòng hộ chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng đã bị đơn vị thi công băm nát, đốn hạ gỗ rừng tự nhiên để làm đường công vụ. Đây là dự án trọng điểm Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư đến 30/6/2024 phải hoàn thành đóng điện; quá trình thực hiện dự án phải tuân thủ các quy định về pháp luật.

Ngay sau khi sự cố sạt lở xảy ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Công điện số 45/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND Hà Tĩnh và lãnh đạo các cơ quan có liên quan khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất, xử lý nghiêm trách nhiệm (nếu có sai phạm) theo đúng quy định của pháp luật. Hiện, những vi phạm liên quan quy trình an toàn lao động, đất rừng phòng hộ, các hồ sơ thủ tục liên quan dự án đang được cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ.

Bùi Thị Ngân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nuoc-mat-tren-dinh-hoanh-son-a662968.html